Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ chủ trì Hội nghị.

Tại điểm cầu Nghệ An, các đồng chí Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Thái Văn Thành - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì Hội nghị.
 

Hoàn thành các nhiệm vụ trong một năm học "đặc biệt"

Hội nghị tổng kết diễn ra trong bối cảnh Việt Nam vừa trải qua một năm học khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid - 19. Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho rằng đây là năm học “đặc biệt”, đầy khó khăn, thách thức đối với ngành Giáo dục.

bna_cac_dai_bieu_tai_diem_cau_nghe_an_anh__my_ha2841255_31102020.jpegCác đại biểu tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Mỹ Hà

Tuy nhiên, cùng với sự nỗ lực của toàn ngành và các địa phương, năm học vừa qua ngành giáo dục đã thực hiện tốt mục tiêu "kép" đảm bảo an toàn phòng, chống dịch và hoàn thành kế hoạch năm học, đặc biệt là đã tổ chức tốt gần 4 tháng dạy học từ xa và kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Hội nghị cũng nhìn lại những kết quả đã đạt được của ngành trong giai đoạn 2016 – 2020.

Tại hội nghị tổng kết năm học, các tỉnh Hà Nội, Yên Bái và nhiều địa phương khác đã có nhiều ý kiến nhằm triển khai tốt nhiệm vụ năm học 2020 – 2021 như rà soát, điều chỉnh lại định biên giáo viênđể phù hợp với thực tế và có sự khác nhau giữa vùng miền, cần xem lại tiêu chí công nhận trường chuẩn quốc gia, nhất là với những trường sau sáp nhập.

Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị trực tuyến. Ảnh: Mỹ Hà

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng Bộ cần quan tâm đến những ý kiến xung quanh việc triển khai chương trình sách giáo khoa mới cho học sinh lớp 1 để phù hợp với chương trình, tâm sinh lý học trò. Đồng thời, cần quan tâm đến việc đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị trường học để đảm bảo các điều kiện để “thầy phát huy được sáng tạo, trò phát huy được sự thông minh”.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung đồng tình với báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về những kết quả đã đạt được trong thời gian qua. Đồng chí khẳng định, Nghệ An luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; tập trung mọi nguồn lực đầu tư, ưu tiên trước hết cho phát triển giáo dục, đào tạo và nguồn nhân lực của tỉnh nhà.

Trong thời gian qua, Nghệ An cũng luôn quan tâm quy hoạch, sắp xếp, sáp nhập trường lớp, điểm trường lẻ, đảm bảo quyền lợi học sinh và thực hiện đổi mới giáo dục. Huy động được nhiều nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học từng bước đồng bộ, chuẩn hóa; chú trọng các trường vùng miền núi, khó khăn. Thường xuyên quan tâm bổ sung đủ số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo có phẩm chất, uy tín, năng lực, đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Năm học 2019 - 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid - 19, Nghệ An vẫn triển khai tốt nhiều chương trình đổi mới trong dạy và học. Trong ảnh: Giờ học Stem của học sinh Trường Tiểu học Hưng Dũng 2 (thành phố Vinh). Ảnh: MH.

Nhờ những nỗ lực của toàn tỉnh, chất lượng giáo dục mũi nhọn, giáo dục toàn diện được khẳng định. Trong đó, kết quả học sinh giỏi quốc gia, khu vực, quốc tế liên tục đứng tốp đầu cả nước. Đến năm học 2018 - 2019, Nghệ An là tỉnh có số lượng học sinh đạt giải tất cả các môn thi HSG quốc tế; hàng năm số học sinh thi tốt nghiệp THPT đạt điểm cao thuộc tốp đầu toàn quốc. Vừa qua, thành phố Vinh là 1 trong 2 thành phố của Việt Nam được UNESCO công nhận “thành phố học tập toàn cầu”.

 Để thực hiện tốt hiệu quả định hướng giai đoạn 2021-2025 và nhiệm vụ năm học 2020-2021 của ngành, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đề xuất 3 vấn đề:

 + Bổ sung 7843 chỉ tiêu  biên chế giáo viên mầm non, phổ thông cho tỉnh Nghệ An; đã được Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

+Hỗ trợ Nghệ An tăng cường xây dựng cơ sở, vật chất bổ sung trang thiết bị dạy học theo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

+Quan tâm hỗ trợ Nghệ An xây dựng mô hình xã hội hóa các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú ở các huyện miền núi và vùng khó khăn.  

Không được mất niềm tin vào quá trình đổi mới

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ghi nhận những kết quả đã đạt được trong năm học vừa qua.

 Về những bất cập, tiêu cực của ngành giáo dục đã phản ánh trong thời gian qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị phải nhìn nhận một cách bình tĩnh. Phải xác định đổi mới là một quá trình liên tục và quá trình thực hiện cần phải có sự điều chỉnh, nhìn nhận từng vấn đề đúng, sai. Do đó không nên mất lòng tin vào quá trình đổi mới giáo dục.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Mỹ Hà.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị các ban, ngành cần phải quan tâm đến công tác giáo dục. 

Bên cạnh đó, cần phải quan tâm đến khái niệm văn hóa trong giáo dục. Giáo dục phải liên quan đến toàn dân và mọi người cùng phải tham gia vào công tác giáo dục, đặc biệt là công tác giáo dục ngoài nhà trường. Phó thủ tướng Chính phủ nhắc nhở toàn ngành phải hiểu: Khi nào người dân còn quan tâm đến giáo dục thì đất nước còn hồng phúc.  Vì thế, có khen, chê thì có nghĩa là người dân còn quan tâm đến giáo dục.

Thời gian tới, công tác giáo dục cũng cần phải tiến tới hội nhập quốc tế. Nhà nước có trách nhiệm đảm bảo đủ trường, đủ lớp, đủ giáo viên cho học sinh. Không phải vì cứ tinh giản biên chế mà để các trường thiếu giáo viên. Tiến tới đa dạng giáo dục phổ thông, phải thực hiện bình đẳng trong giáo dục; không để quá nhiều trường chuyên, lớp chọn; bỏ dần việc học nhồi nhét, thụ động, thiếu tính phản biện, tính hình thức, phiền phức trong giáo dục...

Học sinh Trường Tiểu học Nậm Cắn 1 (Kỳ Sơn) gìn giữ được nhiều nền nếp đẹp trong trường học. Ảnh: Mỹ Hà

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, trong quá trình đổi mới cần phải biết chọn lọc, có những cái “cũ nhưng tốt” cần phải biết giữ gìn như công tác đoàn đội trong các nhà trường, phong trào thể dục...