(Baonghean) - Cuối tuần qua, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đã diễn ra tại thành phố Taormina trên đảo Sicily, Italy.
Mặc dù đã đưa ra được tuyên bố chung về một số vấn đề, nhưng thỏa thuận này vẫn không thể khỏa lấp được những bất đồng và mâu thuẫn tồn tại giữa các nước thành viên, đặc biệt là Mỹ.
Đồng thuận hiếm hoi về an ninh
Trong bối cảnh chủ nghĩa khủng bố đang len lỏi khắp nơi trên toàn cầu, vấn đề an ninh và chống khủng bố đã trở thành mối bận tâm chung của tất cả 7 nước thành viên G7 tại hội nghị thượng đỉnh lần này.
Diễn ra ngay sau vụ đánh bom liều chết tại Anh khiến 22 người thiệt mạng và hơn 100 người khác bị thương, ngay khi bắt đầu diễn ra, Thủ tướng Italy Paolo Gentiloni đã nhấn mạnh rằng, Hội nghị lần này phải đưa ra được một tuyên bố chung về chống chủ nghĩa khủng bố và đảm bảo an ninh nhằm đáp ứng sự mong mỏi của người dân trên thế giới.
Đúng như kỳ vọng, ngay trong ngày đầu tiên của hội nghị, các đại biểu của nhóm G7 đã thông qua một Tuyên bố chung gồm 15 điều về đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố và bạo lực cực đoan.
Không phân biệt hành động khủng bố chống lại các thành viên G7 hay các quốc gia, khu vực khác, tuyên bố chung nhấn mạnh, nhóm G7 coi chống khủng bố là ưu tiên chủ chốt và sẽ cùng nhau có những hành động cứng rắn nhất để “tìm kiếm, nhận dạng, xóa bỏ và trừng phạt mọi kẻ khủng bố cũng như những thế lực ủng hộ”.
Đáng chú ý, tuyên bố cũng kêu gọi các nhà cung cấp dịch vụ internet cùng các mạng xã hội nỗ lực hơn nữa trong việc ngăn chặn các nội dung kích động và truyền bá tư tưởng cực đoan của các đối tượng khủng bố.
Dễ lý giải cho sự đồng thuận này, bởi sự biến đổi ngày càng tinh vi của các lực lượng khủng bố khiến cho mọi chính phủ, kể cả Mỹ và các nước châu Âu đang vô cùng bối rối.
Hàng loạt con sói đơn độc với mục tiêu là dân thường, các địa điểm công cộng, thiết bị bom tự chế… có thể xuất hiện bất cứ đâu, bất cứ khi nào chúng muốn. Trong bối cảnh đó, chỉ có sự đoàn kết, chia sẻ thông tin, cùng nhau hành động mới có thể giúp ngăn chặn vòi bạch tuộc của chủ nghĩa khủng bố cực đoan.
Một số hồ sơ khác liên quan đến an ninh các khu vực, như vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên hay tình hình Biển Đông và Biển Hoa Đông cũng được hội nghị thống nhất về quan điểm.
Cụ thể, G7 tuyên bố sẵn sàng tăng cường các biện pháp để đối phó với vấn đề Triều Tiên nếu như nước này không từ bỏ các chương trình hạt nhân của mình.
Tuyên bố chung của G7 cũng bày tỏ quan ngại về tình hình ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, đồng thời kêu gọi phi quân sự hóa trên “các thực thể tranh chấp”.
Đầy rẫy bất đồng
Mặc dù đã có sự thống nhất trong vấn đề an ninh, chống khủng bố nhưng hội nghị lần này vẫn bị đánh giá là có nhiều mâu thuẫn và thách thức nhất trong nhiều năm qua. Đây là khẳng định của Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk khi nhắc tới những “hòn đá tảng” như thỏa thuận khí hậu, vấn đề bảo hộ mậu dịch hay người di cư.
Những bất đồng đã không thể che giấu khi lãnh đạo các nước không thể thuyết phục Tổng thống Mỹ Donald Trump trong việc ủng hộ Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu. Dư luận chắc hẳn vẫn còn nhớ trong quá trình tranh cử Tổng thống, ông Donald Trump từng khẳng định sẽ rút khỏi thỏa thuận này, cho rằng nó gây hại cho các công ty Mỹ.
Giữ đúng lời hứa, ngày 28/3 vừa qua, Tổng thống Mỹ đã ký sắc lệnh về độc lập năng lượng nhằm xem xét lại các di sản về khí hậu của cựu Tổng thống Barack Obama, trong đó có thỏa thuận Paris.
Bên cạnh đó, vấn đề người di cư cũng đã nổ ra những bất đồng liên quan đến sắc lệnh cấm người dân của 6 quốc gia có đông người Hồi giáo. Mặc dù các nhà lãnh đạo G7 đã có cuộc làm việc trực tiếp với 5 quốc gia châu Phi là Etiopia, Kenya, Niger, Nigeria, Tunisia - các điểm đến và trung chuyển của hàng trăm nghìn người di cư đến châu Âu; nhưng một tuyên bố chung về vấn đề này cũng chưa thể được đưa ra.
Tất nhiên ai cũng hiểu, khúc mắc từ sắc lệnh nhập cư của Tổng thống Mỹ sẽ phải điều chỉnh. Trong khi đó, trách nhiệm của các nước “điểm đến” ở châu Âu đối với các “điểm xuất phát” từ châu Phi - Trung Đông sẽ được phân bổ ra sao, vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp.
Các giải pháp căn cơ như giúp các nước châu Phi phát triển kinh tế, lôi kéo thế hệ trẻ trở về quê hương cũng chưa thể khả thi.
Một mâu thuẫn nổi cộm khác phải kể đến nữa là vấn đề bảo hộ thương mại. Dư luận đều biết quan điểm của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump thời gian qua là chống toàn cầu hóa và ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ.
Có lẽ, các nhà lãnh đạo của 6 nước còn lại trong G7 đã lường trước được tình huống này nên đã gây sức ép lên phía Mỹ. Kết quả, Tổng thống Donald Trump cuối cùng cũng đã đồng ý với thông cáo chung của nhóm về việc tái cam kết mở rộng thị trường và “chống chủ nghĩa bảo hộ”.
Thế nhưng, đồng tình là một chuyện, thực tế ra sao lại là chuyện khác. Nhóm G7 vẫn sẽ phải hồi hộp chờ đợi những gì sắp diễn ra.
Bất hòa với NATO
Không chỉ bị phủ bóng đen bởi một loạt vấn đề gai góc và mâu thuẫn, hầu hết thành viên G7 cũng là thành viên của khối NATO còn đứng ngồi không yên với bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa qua.
Tổng thống Mỹ vừa chỉ trích những đóng góp không công bằng của các thành viên vừa tránh đả động đến Điều 5 Hiến chương NATO, trong đó yêu cầu các nước trong khối phải bảo vệ lẫn nhau trong trường hợp 1 thành viên bị tấn công.
Tuyên bố này có lẽ đang khiến quan hệ Mỹ và NATO xa cách hơn bao giờ hết. Nhưng đồng thời theo giới quan sát, nó cũng có thể khiến cho vị trí của Mỹ trong khối này lung lay.
Với những gì đã thể hiện trong Hội nghị thượng đỉnh vừa qua, rõ ràng một tuyên bố chung của nhóm G7 mang nhiều tính hình thức hơn là thực tế. Ai cũng có thể nhìn thấy sự “bằng mặt mà không bằng lòng” của các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị lần này.
Đặc biệt, nếu Chính phủ Mỹ của Tổng thống Donald Trump vẫn kiên định theo những cam kết và tuyên bố trước đó về biến đổi khí hậu, người di cư hay bảo hộ thương mại thì chặng đường đoàn kết và thống nhất sắp tới của G7 sẽ còn vô cùng gian nan!
Phương Hoa