Ngày 5-5, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo T.Ư phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, tổ chức Hội nghị báo chí toàn quốc đánh giá công tác hoạt động báo chí năm 2010, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2011.

Dự và chỉ đạo Hội nghị có các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị: Trương Tấn Sang, Thường trực Ban Bí thư; Đinh Thế Huynh, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư. Các đồng chí: Tạ Ngọc Tấn, Uỷ viên T.Ư Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh; Nguyễn Thế Kỷ, Phó trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Lê Doãn Hợp, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Đỗ Quý Doãn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, chủ trì Hội nghị. Dự Hội nghị có lãnh đạo các ban, bộ, ngành T.Ư, Hội Nhà báo Việt Nam; lãnh đạo ban tuyên giáo các tỉnh uỷ, thành uỷ; các cơ quan chủ quản và lãnh đạo các cơ quan báo chí cả nước.

Sau khi nghe báo cáo đánh giá công tác báo chí năm 2010 và một số nhiệm vụ chủ yếu năm 2011, 15 tham luận trình bày tại Hội nghị, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng chí Trương Tấn Sang đánh giá cao và biểu dương những nỗ lực của các cơ quan báo chí trong nước. Đồng chí cũng chỉ ra những thiếu sót, khuyết điểm của công tác chỉ đạo, quản lý báo chí cũng như hoạt động của một số cơ quan báo chí, đội ngũ những người làm báo; nêu ra một số nhiệm vụ trọng tâm đối với các cơ quan quản lý, cơ quan chủ quản báo chí, các cơ quan báo chí cả nước.

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Đinh Thế Huynh nhấn mạnh: Nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm của các cơ quan báo chí trong năm 2011 là tập trung tuyên truyền, phổ biến đến các tầng lớp nhân dân thấm nhuần sâu sắc các Văn kiện Đại hội XI của Đảng, góp phần đưa Nghị quyết Đại hội XI của Đảng vào cuộc sống; tiếp tục tuyên truyền sâu rộng Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"; tuyên truyền về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016; thực hiện Kết luận số 02-KL/T.Ư của Bộ Chính trị về tình hình kinh tế-xã hội năm 2011, Nghị quyết 11-NQ/CP của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội... Các cơ quan chức năng cần tổng kết cơ chế người phát ngôn để cung cấp thông tin cho báo chí; cần xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý, chủ quản báo chí để thông tin báo chí bảo đảm có lợi cho đất nước. Báo chí cần tiếp tục thực hiện chức năng giám sát mọi hoạt động của xã hội; tiếp tục phát huy đầy đủ, bảo đảm chính xác vai trò phản biện của báo chí.

P.V