(Baonghean.vn) - Đại dịch AIDS đã cướp đi sinh mạng của khoảng 36 triệu người chỉ trong giai đoạn 1981-2016, và cũng chừng ấy người trên khắp thế giới hiện đang trong cảnh sống chung với vi rút HIV.
Khoảng 1,2 triệu người chết vì AIDS trong năm 2015, và thêm 1,8 triệu người khác bị lây nhiễm. Những con số thật ám ảnh, nhưng thông tin từng gây sốt rằng mục tiêu về một “thế hệ sạch bóng AIDS” trên thực tế ở trong tầm tay. Những động thái chính sách cần thiết nên được thông qua ngay từ những ngày đầu tiên của chính quyền Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.
Nguyên do chủ yếu dẫn đến việc cho rằng đại dịch trên có thể bị đẩy lùi xuất phát từ một phát hiện khoa học hồi năm 2011, theo đó các cá nhân dương tính với HIV tiếp nhận điều trị thuốc ARV hiện đã kiềm chế đáng kể vi rút này trong máu, đến mức chúng hầu như không thể lây sang người khác qua đường tình dục hoặc dùng chung bơm kim tiêm. Phát hiện này cũng xác nhận lại khái niệm “điều trị dự phòng”. Nếu tỷ lệ người mắc HIV được tiếp nhận điều trị ARV đủ cao, có thể không những cứu được mạng sống của họ, mà còn chặt gãy sự lây nhiễm loại vi rút này, từ đó chấm dứt đại dịch.
Dựa trên tư duy đó, các chuyên gia về AIDS đã phát triển thành 2 ý tưởng quan trọng là “90-90-90” và “đa bậc chăm sóc bệnh nhân AIDS”. Chương trình 90-90-90 hướng tới mục tiêu bảo đảm đến năm 2020, 90% bệnh nhân nhiễm HIV biết tình trạng bệnh của mình; 90% người biết tình trạng bệnh được điều trị ARV; và 90% điều trị ARV duy trì tải lượng vi rút trong máu dưới ngưỡng phát hiện. Còn ý tưởng của chương trình đa cấp là nếu mỗi một mục tiêu 90 trên đạt được, tỷ lệ bệnh nhân HIV kiểm soát được vi rút sẽ là 90% x 90% x 90%, tức 72%.
Nếu 72% số người hiện nhiễm không thể lây nhiễm cho những người khác, dịch bệnh HIV/AIDS sẽ được kiểm soát. Thật vậy, nếu 90-90-90 vào năm 2020 trở thành 95-95-95 vào năm 2030, tỷ lệ bệnh nhân dương tính với HIV không thể lây lan cho cộng đồng tăng lên thành 86%. Đại dịch sẽ ngừng phát tán, cũng như dịch tả ở trẻ em trong một khu vực thành thị chấm dứt khi 80% trẻ được chích ngừa, kể cả khi 20% còn lại vẫn chưa được tiêm chủng. Sẽ vẫn còn một số ca bệnh tồn tại, song thảm họa AIDS sẽ không còn.
Mục tiêu đạt 90-90-90 năm 2020 và 95-95-95 năm 2030 là thực tế, nếu các quốc gia nỗ lực hoàn thành. Thụy Điển mới đây đã tuyên bố chạm tới các mục tiêu 90-90-90. Nhiều nước có thu nhập cao khác cũng đang rất gần đích đó. Cùng với sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế và nỗ lực của quốc gia, 90-90-90 có thể được hoàn thành không chỉ ở những nước có mức thu nhập cao mà kể cả ở những nước đang phát triển cũng vậy.
Với phần lớn thế giới, thách thức lớn nhất là bảo đảm đến năm 2020 ít nhất 90% bệnh nhân dương tính với HIV được xét nghiệm và biết tình trạng bệnh của mình. Để đạt mục tiêu này, những người có triệu chứng bệnh hoặc có nguy cơ mắc bệnh cao cần liên hệ với các hệ thống chăm sóc y tế để tiến hành xét nghiệm.
Khi một người đã biết kết quả dương tính với HIV, việc đạt được mục tiêu 90% thứ 2 (điều trị ARV) chủ yếu phụ thuộc vào nguồn tài lực và nhân lực, cần một ngân sách y tế dồi dào, thuốc men đủ để cung cấp cho các ca nhiễm.
Đạt mục tiêu 90% thứ 3 (kiểm soát tải lượng vi rút) lại phụ thuộc chủ yếu vào việc người bệnh điều trị ARV có uống thuốc đúng giờ không. Điều này cần sự hỗ trợ của xã hội để khuyến khích người bệnh tiếp tục điều trị, ngay cả khi họ cảm thấy bản thân đã khỏe, và giúp bảo đảm nguồn cung thuốc men kịp thời, hợp túi tiền.
Các mục tiêu 90-90-90 có thể hoàn tất ngay cả trong các nhóm dân cư nghèo đói và khó tiếp cận, đó là nhờ một giải pháp y tế công cộng mới mẻ và quyền năng: nhân viên y tế cộng đồng (CHW) với sự hỗ trợ của những chiếc điện thoại thông minh. CHW là những người dân sống trong cộng đồng ở địa phương, ít nhất có trình độ trung học, được đào tạo vài tháng về quản trị những thách thức y tế cụ thể, chẳng hạn xác định những người có nguy cơ nhiễm HIV, đưa họ đến phòng khám để làm xét nghiệm, và giúp đỡ họ theo sát liệu trình điều trị. Các phần mềm mới cài đặt trên điện thoại thông minh hỗ trợ họ hoàn thành các nội dung công việc nói trên.
Ở vùng nông thôn của châu Phi, nơi rất thiếu bác sỹ và tỷ lệ nhiễm AIDS thường ở mức cao, vai trò của CHW thể hiện rất rõ. Thêm vào đó, trở thành một CHW cũng là cách tốt để người trẻ bắt đầu sự nghiệp. Thông qua khoản tiền hỗ trợ ban đầu thường khá khiêm tốn (tầm 100 USD/tháng), trải nghiệm và đào tạo có thể khiến những nhân viên trẻ tuổi này có cơ hội bước trên con đường học hành cao hơn (chẳng hạn y tá), tăng kỹ năng, và tăng thu nhập.
Tuy nhiên, dù đúng là có thể kết thúc đại dịch AIDS, nhưng hiện nay thế giới lại đang mắc kẹt trong một tình thế mơ hồ. Đáng buồn thay, các chính phủ không vận hành dựa trên cơ sở là những mục tiêu quan trọng và cách thức đạt mục tiêu đó, mà xem đó là chuyện bình thường. 16 năm trước, điều đó có nghĩa là người nghèo gần như không được điều trị khi nhiễm AIDS, vì không có đủ nguồn tài chính. Sau đó, ý tưởng “Quỹ Toàn cầu” ra đời, quyên góp điều trị AIDS, được thông qua và bắt đầu mở ra một kỷ nguyên mới, kiểm soát được AIDS tại châu Phi.
Chính quyền Tổng thống Mỹ George W. Bush đã đưa ra một cam kết tài chính quan trọng liên quan đến đại dịch AIDS, và Quỹ Toàn cầu cùng các chương trình của Mỹ đã cùng nhau giúp đỡ hàng triệu người được tiếp cận điều trị. Tuy nhiên, sau khi khủng hoảng tài chính 2008 nổ ra, Tổng thống Barack Obama ngừng hỗ trợ tài chính, và nỗ lực kiểm soát AIDS trên toàn cầu rơi vào trạng thái “đứt gánh giữa đường”. Đến năm 2016, khoảng một nửa trong số những người dương tính với HIV đang điều trị ARV, ít hơn nhiều so với mục tiêu 90%.
Chính quyền sắp lên của Trump nên nắm lấy thời cơ lịch sử để chung tay kết thúc đại dịch AIDS, bằng cách đưa ra một cam kết tài chính vừa phải từ các chính phủ và các nhà hảo tâm khác. 10 tỷ USD/năm từ tất cả các nguồn là đủ để hoàn thành mục tiêu, trong đó Mỹ chỉ cần bỏ 3-4 tỷ USD/năm.
Nhiều người sẽ tỏ ý hoài nghi bởi cho rằng Trump khó có thể là người ủng hộ nỗ lực như vậy, nhưng thật lòng mà nói, 15 năm trước, có mấy ai đoán được Bush sẽ trở thành nhân tố then chốt đẩy cao cán cân tài chính để chống lại dịch AIDS? Lịch sử luôn chứa đựng bất ngờ, cả tích cực lẫn tiêu cực, nhưng “kết liễu” đại dịch AIDS có thể là một thành tựu mang tính lịch sử của thế hệ ngày nay, nếu chúng ta nỗ lực hết sức.
Thu Giang
(Theo PS)
TIN LIÊN QUAN |
---|