Năm 2019, kề cận năm kết thúc nhiệm kỳ Đại hội Đảng các cấp và thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm (2016 - 2020). Đây là thời điểm đặt ra yêu cầu tăng tốc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã được đề ra; gắn với nhiều chủ trương, nghị quyết quan trọng của Trung ương, của tỉnh yêu cầu triển khai thực hiện. Thực tiễn đó đặt ra cho HĐND tỉnh nhiều trăn trở để cùng nỗ lực hành động nhằm giải quyết những vấn đề cấp bách, đồng thời thúc đẩy sự phát triển chung của tỉnh thông qua việc quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương theo chức năng, nhiệm vụ.
Năng lực quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương được HĐND tỉnh thực hiện chủ yếu qua các kỳ họp trong năm bằng các nghị quyết, quyết định.
Trong năm 2019, qua 4 kỳ họp, HĐND tỉnh đã xem xét, quyết định thông qua hơn 50 nghị quyết quan trọng. Và mỗi nghị quyết, mỗi quyết định quan trọng của HĐND tỉnh đều bám sát thực tiễn cuộc sống, sự vận hành và quá trình phát triển chung của tỉnh. Rõ nét nhất là Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm cũng như 6 tháng cuối năm 2019 và nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 với các nhiệm vụ, giải pháp được đề ra cụ thể, sát thực.
Cùng đó là các nghị quyết về thông qua bảng giá đất trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2020 - 2024; chính sách phát triển nhà ở, phát triển ngành nghề nông thôn, chuyển đổi mục đích sử dụng đất thực hiện các công trình, dự án; nghị quyết về phê duyệt tổng số người làm việc, lao động hợp đồng trong các đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức Hội năm 2020... Đó còn là quyết định về chủ trương đầu tư dự án đường ven biển từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) đến Cửa Lò (Nghệ An), đoạn từ điểm giao Quốc lộ 46 đến Tỉnh lộ 535 (nối cầu Cửa Hội).
Với sự trăn trở, tinh thần trách nhiệm, đồng hành với nhiệm vụ chung của tỉnh, trên cơ sở giám sát, khảo sát thực tiễn công tác quản lý và thu ngân sách trên địa bàn tỉnh, tại kỳ họp giữa năm 2019, HĐND tỉnh đã thảo luận, ban hành Nghị quyết về kết quả giám sát công tác thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh. Theo đó, HĐND tỉnh đã làm rõ 7 kết quả đạt được, 15 tồn tại và đề xuất, kiến nghị 19 vấn đề tới UBND tỉnh và các ngành, các huyện, thành, thị xã và cơ sở. Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Hải khẳng định, với sự tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ mà Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra, công tác thu ngân sách trong 6 tháng cuối năm 2019 có tốc độ tăng trưởng tốt, góp phần tăng thu cả năm. Cụ thể, thu ngân sách năm 2019 đạt 15.500,3 tỷ đồng, đạt 114,8% dự toán HĐND tỉnh giao và tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2018.
Gánh trọng trách hiện thực hóa Nghị quyết của Trung ương và chủ trương của tỉnh về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và sáp nhập khối, xóm, bản trên phạm vi toàn tỉnh, năm 2019, HĐND tỉnh đã có 4 nghị quyết về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã và sáp nhập, đổi tên khối, xóm, bản. Đến thời điểm này, nhiều địa phương đã hoàn thành việc sáp nhập khối, xóm, bản và khi hoàn thành, toàn tỉnh giảm 2.083 khối, xóm, bản. Về đơn vị hành chính cấp xã giảm 20 đơn vị, từ 480 còn 460 xã, phường, thị trấn.
“Các nghị quyết của HĐND tỉnh ban hành đã tạo được sự đồng thuận cao về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân vì mục tiêu tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của tổ chức bộ máy sau sắp xếp, sáp nhập”.
Bên cạnh quyết định việc sắp xếp, sáp nhập, HĐND tỉnh cũng đã trăn trở, cân nhắc để quyết định những vấn đề “hậu” sáp nhập.
Sự trăn trở thể hiện từ khâu thảo luận để xây dựng chính sách đến cân nhắc các phương án xây dựng chính sách và quyết định chính sách. Theo dõi quá trình xây dựng chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách và các đối tượng khác dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, sáp nhập xóm, khối, bản trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2019 - 2021 trước khi trình HĐND tỉnh quyết định, cho thấy trách nhiệm, trí tuệ của Thường trực, các Ban và đại biểu HĐND tỉnh. Chính sách này khi UBND tỉnh trình xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đề xuất đối tượng được thụ hưởng là cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư do sắp xếp và ở cấp xóm chỉ hỗ trợ cho 7 chức danh: Bí thư chi bộ; Trưởng xóm, khối, bản; Công an viên (kiêm xóm phó); Thôn đội trưởng; Tổ trưởng tổ bảo vệ dân phố (kiêm xóm phó); Tổ viên tổ bảo vệ dân phố; Y tế xóm, bản.
Tuy nhiên, Thường trực HĐND tỉnh và một số vị đại biểu HĐND tỉnh trong Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có ý kiến đề xuất và được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất bổ sung thêm 6 chức danh được hỗ trợ, gồm: Trưởng ban công tác Mặt trận, Bí thư chi đoàn, Chi hội trưởng chi hội: phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh, người cao tuổi dôi dư do sáp nhập xóm. Dự thảo chính sách sau khi được UBND tỉnh hoàn thiện tiếp tục được Thường trực và các Ban HĐND tỉnh thẩm tra, bổ sung và ngay tại kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh vừa qua có thêm 12 ý kiến đại biểu HĐND tỉnh tham gia ý kiến về nguyên tắc xây dựng chính sách và mức hỗ trợ mà như khẳng định của đồng chí Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại kỳ họp: “Những ý kiến của các đại biểu HĐND tỉnh đều thể hiện sự trăn trở, trách nhiệm, sâu sát thực tiễn để HĐND tỉnh có cái nhìn tổng thể, đưa ra quyết định sáng suốt nhất”.
Tinh thần trách nhiệm, vì lợi ích của cử tri và nhân dân cũng được HĐND tỉnh thể hiện thông qua quyết định ban hành nghị quyết về một số biện pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người trên địa bàn tỉnh; nghị quyết về hỗ trợ kinh phí để hợp đồng lao động phục vụ việc nấu ăn bán trú tại các trường mầm non công lập thuộc các xã đặc biệt khó khăn; nghị quyết về số lượng, chức danh đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; mức phụ cấp, mức phụ cấp kiêm nhiệm đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở xóm, khối, bản; mức bồi dưỡng đối với người trực tiếp tham gia công việc của xóm, khối, bản; chế độ hỗ trợ đối với người hoạt động không chuyên trách không tiếp tục bố trí công tác trên địa bàn tỉnh Nghệ An; nghị quyết về giảm mức đóng học phí cho học sinh tại 45 xã miền núi thuộc 6 huyện đồng bằng…
Có thể khẳng định, những vấn đề được HĐND tỉnh quyết định, ban hành thời gian qua đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cũng như giải quyết nhiều vấn đề cấp bách, bảo đảm an toàn và an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Và trước yêu cầu phát triển nhanh, vững chắc của tỉnh, cộng với những diễn biến phức tạp của thời tiết, biến đổi khí hậu, các vấn đề vệ sinh an toàn lao động, an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường…, đặt ra cho HĐND tỉnh cần tiếp tục phải nâng cao năng lực quyết định để giải quyết.
Đồng chí Nguyễn Xuân Sơn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cũng cho rằng: Dù việc trước mắt hay việc lâu dài, việc nhỏ hay việc lớn khi có ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, đến sự phát triển chung của tỉnh thì HĐND tỉnh đều phải có trách nhiệm đưa ra các quyết sách và đồng hành giải quyết. Sự thống nhất, đồng thuận từ trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của tỉnh thông qua việc ban hành các nghị quyết đến thống nhất về giải pháp giải quyết các vấn đề bức xúc, đó là cơ sở, tiền đề thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển và đảm bảo tốt hơn an sinh xã hội. Muốn vậy, đòi hỏi mỗi đại biểu HĐND tỉnh cần nỗ lực học tập, rèn luyện, nâng cao năng lực chuyên môn, tính chủ động, sáng tạo, trách nhiệm và bản lĩnh nhằm thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định pháp luật.