Theo đó, HĐBA bày tỏ quan ngại về những diễn biến gần đây sau khi quân đội tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở Myanmar ngày 01/02, việc bắt giữ các thành viên chính phủ và kêu gọi thả ngay những người này. Hội đồng Bảo an lên án các bạo lực và hạn chế, khẳng định tiếp tục ủng hộ tiến trình dân chủ, kêu gọi tôn trọng quyền, tự do cơ bản của con người và pháp quyền, khuyến khích đối thoại hòa bình, hòa giải phù hợp với ý chí và lợi ích của người dân Myanmar. 

HĐBA ủng hộ mạnh vai trò, nỗ lực của ASEAN, việc ASEAN sẵn sàng hỗ trợ Myanmar và ra Tuyên bố Chủ tịch ASEAN ngày 02/03, trong đó nhắc lại mục đích và nguyên tắc của Hiến chương ASEAN, kêu gọi kiềm chế và tìm giải pháp hòa bình thông qua đối thoại xây dựng và hòa giải thiết thực. HĐBA cũng bày tỏ ủng hộ vai trò trung gian của Đặc phái viên của Tổng Thư ký LHQ về Myanmar, khuyến nghị Đặc phái viên tiếp tục duy trì liên lạc với các bên liên quan và sớm vào thăm Myanmar.

3709_cpbh.jpgMột nữ tu ở Myanmar quỳ xin quân đội ngừng bắn người dân. Ảnh: The Guardian
Liên quan đến tình hình nhân đạo, HĐBA kêu gọi bảo đảm tiếp cận nhân đạo an toàn và không bị cản trở cho tất cả mọi người, lo ngại tình hình sẽ làm trầm trọng hơn các thách thức ở bang Rakhine, trong đó có việc hồi hương an toàn, tự nguyện và bền vững. HĐBA khẳng định ủng hộ người dân Myanmar, cam kết đối với chủ quyền, độc lập chính trị, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất của Myanmar.

Tham gia đóng góp, xây dựng đối với Tuyên bố Chủ tịch trên, Việt Nam nhấn mạnh yêu cầu phải chấm dứt ngay bạo lực, ổn định tình hình, bảo đảm an toàn cho dân thường; kêu gọi kiềm chế tối đa, tiến hành đối thoại để hướng tới một giải pháp thỏa đáng, phù hợp với Hiến pháp, pháp luật của Myanmar và ý chí, nguyện vọng của nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình dân chủ diễn ra suôn sẻ; thông báo các nỗ lực của ASEAN trong thúc đẩy đối thoại, tìm kiếm giải pháp cho vấn đề này và ASEAN sẵn sàng giúp đỡ Myanmar một cách thiện chí, phù hợp với các mục đích, nguyên tắc của Hiến chương ASEAN./.