Ảnh minh hoạ: TASS

Ngày 27/3 (giờ địa phương), Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ bỏ phiếu đối với dự thảo nghị quyết của Nga và Trung Quốc về một cuộc điều tra quốc tế liên quan đến vụ việc phá hoại các đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy Phương Bắc 1 và Dòng chảy Phương Bắc 2.

Văn bản dự thảo đề nghị Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres thành lập một uỷ ban quốc tế độc lập để tiến hành một cuộc điều tra toàn diện, minh bạch và công bằng về mọi khía cạnh của hành động phá hoại đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy Phương Bắc 1 và Dòng chảy Phương Bắc 2, bao gồm việc xác định các thủ phạm, những bên bảo trợ, kẻ tổ chức và các đồng phạm của chúng.

Ông Guterres dự kiến sẽ bổ nhiệm các chuyên gia vào ủy ban này. Nếu nghị quyết được thông qua, Tổng Thư ký Liên hợp quốc sẽ kiến nghị thành lập uỷ ban nói trên trong thời hạn 30 ngày. Văn bản dự thảo cũng khuyến khích các quốc gia tiến hành các cuộc điều tra của riêng họ để hợp tác đầy đủ và chia sẻ thông tin với ủy ban nói trên. Dự thảo nghị quyết còn kêu gọi các quốc gia này chia sẻ thông tin với các bên liên quan khác.

Theo TASS, Nga đã chuẩn bị bản thảo đầu tiên nghị quyết về Dòng chảy Phương Bắc vào cuối tháng 2, nhưng chưa đưa ra bỏ phiếu ngay. Thay vào đó, họ mời các thành viên Hội đồng Bảo an tham gia thảo luận về văn bản trên. Kể từ đó đến nay, đã có 3 đợt tham vấn được tổ chức.

Cũng theo các nguồn tin của hãng thông tấn này, hiện chưa có sự thống nhất chung nào về tài liệu đề xuất của Nga, đồng nghĩa nhiều khả năng là nó sẽ không được thông qua.

Theo quy định, nghị quyết cần phải được ít nhất 9 thành viên Hội đồng Bảo an ủng hộ thì mới được thông qua. Bất cứ thành viên thường trực nào cũng có thể phủ quyết, nhưng việc này chỉ diễn ra khi đã đủ số phiếu để thông qua văn kiện. Chẳng hạn, nếu nghị quyết nhận được 8 phiếu thuận và Mỹ bỏ phiếu chống, điều này có nghĩa là quyền phủ quyết không được sử dụng. Tuy nhiên, nếu văn bản này nhận được 9 phiếu hoặc nhiều hơn, lá phiếu chống sẽ dẫn tới việc sử dụng quyền phủ quyết.

“Không phải là số phiếu bầu, mà quan trọng là cách họ bỏ phiếu”, đại diện thường trực của Nga tại Liên hợp quốc Vasily Nebenzya nói. Trước đó, các nước phương Tây tuyên bố cô lập Nga và nước này sẽ không có được sự ủng hộ của Hội đồng Bảo an, vì Nga đã phản đối các sáng kiến của Hội đồng Bảo an về Ukraine, trong khi các thành viên còn lại hoặc ủng hộ hoặc bỏ phiếu trắng.

Dự thảo nghị quyết lần này trước đó được Trung Quốc đồng bảo trợ. Các thành viên thường trực khác của Hội đồng Bảo an, bao gồm Anh, Mỹ và Pháp, ít khả năng sẽ ủng hộ, và có thể bỏ phiếu chống hoặc phiếu trắng để tránh bị cáo buộc cản trở công việc của Hội đồng Bảo an. Các thành viên phương Tây khác trong Hội đồng Bảo an - Albania, Malta, Thuỵ Sĩ và Nhật Bản - có thể sẽ bỏ phiếu với tư cách đại diện khối nước của họ.

Lập trường của các thành viên không thường trực khác, gồm Brazil, Gabon, Ghana, Mozambique, Các tiểu vương quốc Arập thống nhất và Ecuador hiện chưa rõ ràng. Và như thế, các nước phương Tây có quyền phủ quyết có thể sẽ không cần phải dùng đến quyền này để ngăn nghị quyết được thông qua.

Cuộc họp của Hội đồng Bảo an để tiến hành bỏ phiếu đã được lên kế hoạch từ tuần trước. Tuy nhiên, hôm 26/3, Bộ Ngoại giao Ukraine tiết lộ các kế hoạch tổ chức cuộc họp khẩn Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để phản ứng trước phát biểu của Tổng thống Nga Vladimir Putin về ý định triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tới lãnh thổ Belarus. Thời gian cụ thể của cuộc họp vẫn chưa được ấn định, có thể sẽ diễn ra vào ngày 27/3 (giờ địa phương).

Vào ngày 27/9/2022, Nord Stream AG thông báo “thiệt hại chưa từng có” đối với 3 đoạn ống thuộc đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy Phương Bắc 1 và Dòng chảy Phương Bắc 2. Các nhà địa chấn học Thuỵ Điển ghi nhận 2 vụ nổ xảy ra vào ngày 26/9 gần tuyến đường ống này. Văn phòng Tổng Công tố Nga đã khởi tố vụ án hình sự liên quan đến các tội danh khủng bố quốc tế.