Trong dịp đi lễ Đền Quả Sơn năm nay, bà Nguyễn Thị Năm – xóm 2, xã Hồng Sơn được thưởng thức bánh “ngũ sắc”. Bà Năm cho biết: Sau mấy chục năm, bà mới lại được ăn loại bánh này. Tuy vậy, hương vị bánh vẫn rất thơm ngon.
Bánh “ngũ sắc” được làm từ bột nếp, mỗi chiếc bánh có đủ 5 màu sắc được làm từ thiên nhiên: màu đỏ của quả chùm phù, màu tím từ lá cẩm, màu xanh từ lá nếp, màu vàng từ nghệ và màu trắng của bột. Bột nếp sau khi xay nhỏ để riêng từng loại. Các loại lá rửa sạch, để ráo, xay nhuyễn và lóng lấy nước. Trộn bột đã xay với các loại nước màu, sau đó hấp cách thủy. Sau khi bột chín, người làm đưa ra để cán phẳng, cuốn 5 màu lại với nhau rồi cắt bánh ngũ sắc thưởng thức.
Cái riêng rõ nhất của bánh là phải có hương vị của quả chùm phù. Loại quả này chỉ có từ tháng 11 đến tháng 12. Bởi vậy, bánh “ngũ sắc” chỉ làm trong mùa lễ hội ra Giêng để phục vụ du khách... Bánh “ngũ sắc” vừa có hương vị thơm của các loại cây, lại vừa có độ dẻo của nếp, vị ngọt nhẹ của đường.
Để bảo tồn và phát huy nét đẹp của lễ hội, huyện Đô Lương đã mở gian hàng làm và bán bánh ngũ sắc, thu hút đông đảo mọi người đến thưởng thức và học cách làm bánh. Đây là việc làm nhằm giữ gìn nét đẹp văn hóa của lễ hội đền Quả Sơn, đồng thời giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
Ngày xưa, tại làng Bạch Ngọc thuộc 3 xã Lam Sơn, Ngọc Sơn và Bồi Sơn, hầu như nhà nào cũng làm bánh “ngũ sắc”. Do vậy, việc đưa bánh “ngũ sắc” vào lễ hội đền Quả Sơn chính là nét đẹp văn hóa về ẩm thực, tạo nên ấn tượng trong lòng du khách thập phương mỗi dịp về với đền Quả.
Trong những ngày lễ hội, những người làm bánh ngũ sắc tại đền Quả Sơn đã sản xuất mỗi ngày hàng chục kg bánh để phục vụ nhân dân và du khách. Bánh ngũ sắc trở thành một đặc sản hấp dẫn của nhân dân xã Bồi Sơn.