(Baonghean) -Anh Nguyễn Đình Minh (trú tại xã Hưng Đông, Thành phố Vinh) hỏi: Tôi là công nhân đang trong thời gian thử việc tại một công ty. Trong quá trình làm việc tại xưởng sản xuất của công ty, do sơ suất nên tôi bị tai nạn lao động và phải điều trị tại bệnh viện. Công ty từ chối hỗ trợ chi phí điều trị tại bệnh viện với lý do tôi bị tai nạn trong thời gian thử việc. Vậy việc làm của công ty có đúng không?

Trả lời:Theo quy định tại Khoản 1, Điều 142, Bộ luật Lao động năm 2012: Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho lao động, xẩy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động. Quy định này được áp dụng đối với cả người học nghề, tập nghề và thử việc. Như vậy, trường hợp của anh phải được coi là tai nạn lao động và được hưởng các chế độ hỗ trợ liên quan đến tại nạn mà pháp luật đã quy định. Việc công ty từ chối giải quyết các chế độ về tai nạn lao động với lý do anh bị tai nạn trong thời gian thử việc, chưa phải là nhân viên chính thức của công ty là vi phạm quy định trên của Bộ luật Lao động 2012.
 
- Chị Lê Thị Thắm (trú tại xã Nam Giang, Nam Đàn) hỏi: Tôi ký hợp đồng có thời hạn 1 năm với một công ty may, nhưng mới làm được 6 tháng tôi đã mang thai. Do sức khỏe yếu nên tôi muốn nghỉ ở nhà để chăm sóc sức khỏe. Xin hỏi tôi có được tạm hoãn hợp đồng lao động không?
 
Trả lời: Theo quy định tại Điều 32 Bộ luật Lao động năm 2012 thì việc tạm hoãn thực hiện  hợp đồng lao động được thực hiện trong các trường hợp sau:
 
- Người lao động đi làm nghĩa vụ quân sự.
 
- Người lao động bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.
 
- Người lao động phải chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc.
 
- Lao động nữ mang thai theo quy định tại Điều156 của Bộ luật Lao động năm 2012.
 
- Các trường hợp khác do hai bên thỏa thuận.
 
Như vậy, trường hợp của chị là lao động nữ mang thai nên thuộc trường hợp được tạm hoãn hợp đồng lao động. Tuy nhiên, chị phải có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chứng nhận việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu đến thai nhi.
 
- Chị Phan Thị Thủy (trú tại xã Diễn Hồng, Diễn Châu) hỏi:  Do yêu cầu của công ty, tôi phải làm tăng ca 12 ngày, sau đó công ty cho nghỉ 3 ngày và không có chế độ gì nữa. Xin hỏi, công ty giải quyết như vậy có đúng luật không?
 
Trả lời:Theo pháp luật hiện hành, việc trả lương cho người lao động làm thêm giờ như sau: Nếu trả lương theo thời gian thì người lao động được trả lương làm thêm giờ khi làm thêm ngoài giờ tiêu chuẩn. Nếu trả lương theo sản phẩm lương khoán thì được trả lương làm thêm giờ khi người lao động làm thêm số lượng, khối lượng sản phẩm, công việc ngoài tiêu chuẩn.
 
Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm như sau: vào ngày thường, ít nhất bằng 150%, ngày nghỉ hàng tuần ít nhất bằng 200%, vào ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày. Người lao động làm việc vào ban đêm, thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc của ngày làm việc bình thường. Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày.
 
Như vậy, công ty chị giải quyết như vậy là không đúng theo quy định của pháp luật, chị có quyền yêu cầu công ty trả tiền lương làm thêm giờ theo quy định như trên. 
 
Q.A