Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019) sáng nay (22/8) tại Hà Nội, Đảng ủy Khối Các cơ quan Trung ương phối hợp với Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương và Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo khoa học “Noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Dự hội thảo có ông Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cùng đông đảo các nhà khoa học. Hội thảo được tổ chức thể hiện lòng kính yêu vô hạn của cán bộ, đảng viên, người lao động ở các cơ quan luôn hướng về Bác, nguyện học tập, làm theo và noi gương Bác.
60 tham luận chuyên đề do các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, người làm công tác đảng chuyên trách ở các ngành nghề, lĩnh vực, vùng miền trên cả nước đều nêu bật và làm rõ những luận điểm trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức nhân ái, phong cách giản dị, tinh thần nêu gương của Người về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, về vai trò và giá trị thực tiễn của việc nêu gương đối với cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy cơ quan, đơn vị.
Đồng thời, làm rõ hơn nội hàm về đạo đức “nêu gương” của Chủ tịch Hồ Chí Minh kết tinh trong Di chúc và trong cuộc đời, sự nghiệp của Người; làm sâu sắc hơn đạo đức nêu gương trong sáng, giản dị, có sức cảm hóa, thu hút cán bộ, đảng viên, nhân dân học tập và làm theo.
Về phương diện thực tiễn nêu bật những kết quả và thành tựu, những vấn đề mới đặt ra để thực hiện tốt việc noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trên có sở phân tích, làm rõ giá trị lý luận, kết quả thực tiễn noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh theo Di chúc của người.
Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Chí Bảo - nguyên ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định, cuộc đời hoạt động của Bác rất phong phú, cao thượng, dấn thân hy sinh vì nước, vì dân.
Khiêm tốn, trung thực, giản dị, nhân ái vị tha và bao dung của Hồ Chí Minh chính là cả một hệ giá trị mà chúng ta cần nhận thức và theo đuổi để thực hành trong cuộc sống với mình, với người, với việc.
"Bác căn dặn cán bộ đảng viên là phê bình việc chứ không phê bình người, tức là Bác rất tôn trọng nhân cách của từng người. Bác giận mấy cũng chỉ im lặng mà thôi, Người không muốn làm đau người khác bởi những lời nói nặng lời, đây là cách ứng xử văn hóa rất tinh tế của Bác”, GS.TS Hoàng Chí Bảo nói.
Một điều rất đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ đưa ra những tư tưởng, quan điểm rất đúng đắn về nêu gương mà chính Người còn là hiện thân cao đẹp nhất về trách nhiệm nêu gương trước Đảng, trước nhân dân. Phong cách nêu gương trong tư tưởng và tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện xuyên suốt trong cả cuộc đời hoạt động cách mạng, phấn đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Phát biểu tại hội thảo, ông Sơn Minh Thắng - Bí thư Đảng ủy Khối Các cơ quan Trung ương cho rằng, cần phải làm cho việc học tập và noi theo tấm gương đạo đức cách mạng của Người trở thành một nhu cầu văn hóa, tự giác, thành động lực tu dưỡng, rèn luyện của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Đây là công việc, nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của các tổ chức đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, địa phương, đơn vị, gắn với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
“Phải nhận thức rõ rằng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không phải việc làm cao siêu, to tát mà rất gần gũi, thiết thực, gắn với nhiệm vụ chính trị và sinh hoạt hằng ngày" - ông Sơn Minh Thắng nhấn mạnh và cho rằng phương châm thực hiện cần quán triệt là “trên trước, dưới sau”; “trong trước, ngoài sau”; học đi đôi với làm theo, chú trọng việc làm theo bằng những hành động và việc làm cụ thể, thiết thực, hiệu quả. Người đứng đầu, cán bộ chủ chốt các cấp và cán bộ, đảng viên có trách nhiệm tự giác học trước, làm theo trước để nêu gương cho quần chúng nhân dân.