(Baonghean) - Mặc dù từ trước đến nay, chính quyền địa phương và nhà trường đã có những giải pháp rất cụ thể nhằm hỗ trợ các em đến trường, nhưng tình trạng học sinh bỏ học vẫn tái diễn, chưa có chiều hướng giảm. Vậy giải pháp nào để hạn chế con em bỏ học?

 

--> Xem Bài 2 - Đi tìm nguyên nhân

Đề cập đến giải pháp hạn chế học sinh bỏ học, ông Phan Anh Tài - Trưởng Phòng Giáo dục huyện con Cuông cho rằng, các địa phương cần xây dựng được trường THCS bán trú, khi đó học sinh có chỗ ăn, chỗ ở, có người quản lý. Thế nhưng, theo quy định của Chính phủ và Bộ Giáo dục - Đào tạo, những trường có từ 50% số học sinh trở lên ở bán trú thì mới được xây dựng trường bán trú. Như vậy, đối với huyện Con Cuông thì không có trường THCS nào đạt mức quy định đó, do vậy không thể xây dựng được trường bán trú.

Tuy nhiên theo Quyết định 85/CP của Chính phủ có hiệu lực từ tháng 2/2011 về hỗ trợ học sinh vùng đặc biệt khó khăn, học sinh có nhà ở xa trường không thể đi về trong ngày được hỗ trợ 40% mức lươngtối thiểu.


Để thực hiện quyết định này, Bộ Giáo dục - Đào tạo cũng đã ban hành Thông tư liên tịch số 24, có hiệu lực từ tháng 2/2012, giao cho các tỉnh sớm thực hiện chủ trương của Nhà nước đối với học sinh vùng đặc biệt khó khăn. Thế nhưng, theo ông Tài, cho đến nay huyện Con Cuông còn vướng mắc một số thủ tục về hộ khẩu và nơi ở của một số học sinh, nên tỉnh chưa duyệt. Sự chậm trễ đó ảnh hưởng đến quá trình vận động học sinh có nguy cơ bỏ học trở lại lớp. Vì thế, nhà trường muốn giữ học sinh ở lại học thì phải lo cho các em chỗ ăn, ở. Để bớt áp lực cho nhà trường, Phòng Giáo dục huyện và UBND huyện cần sớm hoàn thành mọi thủ tục về hồ sơ để các em học sinh sớm được hưởng chính sách hỗ trợ theo Quyết định 85/CP của Chính phủ.


Ông Hoàng Đình Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Con Cuông, cho biết. Dự kiến đến cuối năm nay, huyện Con Cuông mới có văn bản chỉ đạo các địa phương xây dựng nhà nội trú cho học sinh. Theo ông Tuấn, nhà nội trú cho học sinh trước hết các địa phương phải đầu tư, trường hợp địa phương nào quá khó khăn thì huyện hỗ trợ. Trước mắt, nếu chưa có điều kiện xây dựng nhà kiên cố thì làm nhà bằng gỗ, lợp mái cọ... nhưng phải đảm bảo an toàn cho học sinh có chỗ ở. Đối với lương thực, hàng năm huyện dành một phần hỗ trợ học sinh khi gặp khó khăn. 


Bên cạnh đó, một số địa phương cũng thành lập ban vận động phổ cập THCS, phối hợp với nhà trường vận động học sinh đến trường. Để tạo điều kiện cho các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tiếp tục đi học, Hội Phụ nữ xã Lục Dạ hàng năm quyên góp gạo cho các em. Nhà trường phối hợp với chính quyền xã, xóm đến từng gia đình học sinh tìm hiểu lý do vì sao bỏ học để có cách giải quyết phù hợp. Như em Lê Thị Mày - lớp 6A1 Trường THCS Lục Dạ, mồ côi cha mẹ, hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng nhà trường vẫn vận động đến trường học đều đặn, em Vi Thị Thoa, lớp 9A3, do đua đòi với bạn, sau khi nghỉ Tết Nguyên đán xong vào Nam làm ăn, giáo viên chủ nhiệm đã kiên trì liên lạc qua điện thoại động viên em trở về tiếp tục đến lớp.


Như vậy, học sinh bỏ học là bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Nhưng để vận động được con em trở lại trườngcần sự vào cuộc từ các cấp chính quyền. Có đi sâu tìm hiểu mới thấu hiểu sự vất vả của đội ngũ giáo viên làm công tác vận động học sinh trở lại trường. Ngoài trách nhiệm, tâm huyết, họ còn phải bớt đồng lương để nuôi học sinh ăn no, đủ áo ấm, sách vở... đến trường.


Còn ở huyện Tương Dương, tình trạng học sinh bỏ học từ nhiều năm nay đã thành vấn đề "đau đầu" không chỉ của ngành Giáo dục mà còn của nhiều ban, ngành khác. Do vậy, huyện đã ban hành Nghị quyết 03 về việc hạn chế tình trạng học sinh bỏ học, thể hiện sự quyết tâm giải quyết tình trạng này của chính quyền và người dân huyện vùng cao này. Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai Nghị quyết 03, tình trạng bỏ học ở các cấp học của huyện Tương Dương vẫn chưa giảm một cách bền vững.


Ông Mạc Thanh Long -Trưởng Công an xã Lưu Kiền cho biết, phần lớn thanh niên bỏ làng ly hương chính quyền địa phương đều không biết. Những chuyến xe tuyển lao động thường xuất hiện và đón thanh niên đi vào nửa đêm về sáng khiến chính quyền địa phương không kịp trở tay. Ông Long cũng nói rằng, Công an xã Lưu Kiền không cấp tạm vắng cho bất kỳ thanh niên nào chưa đủ tuổi lao động đi làm ăn xa. Tuy nhiên, khi đã đủ 14 tuổi đã có thể xin cấp giấy chứng minh nhân dân và đối với các học sinh, giấy chứng minh nhân dân là "bùa hộ mệnh" để ra đi kiếm việc làm.


Theo Sở GD&ĐT cho biết, một trong những giải pháp hạn chế học sinh vùng cao bỏ học quan trọng nhất là ngoài truyền đạt kiến thức, thì các nhà trường cần tăng cường nâng cao kỹ năng sống cho học sinh. Bên cạnh đó là không ngừng tuyên truyền, vận động học sinh đến trường. Đây là chỉ tiêu đặt ra để đánh giá năng lực giáo viên hàng năm. Ngoài ra, còn tiếp tục vận động các nhà hảo tâm ủng hộ xây dựng cơ sở vật chất trường học, hỗ trợ quần áo, sách vở cho học sinhnghèo.

 

“Ngành Giáo dục tỉnh Gia lai đưa ra giải pháp hạn chế học sinh bỏ học là tổ chức cho gia đình viết cam kết với nhà trường chăm lo các điều kiện học tập, không cho con em bỏ học. Đoàn, Đội tổ chức các cuộc đố vui để học. Nhiều trường học mời già làng, Hội Cựu chiến binh đến trường nói chuyện với học sinh về truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của cha ông, động viên con em học tập… Tổ chức mở lớp nói tiếng dân tộc cho giáo viên, nhằm tạo điều kiện cho công tác giảng dạy, tiếp xúc và vận động gia đình đưa con em trở lại trường. Ngành Giáo dục tổ chức tăng cường kiểm tra thực tế tại các cơ sở, nhất là những nơi học sinh bỏ học nhiều, và hình thành tiêu chí thi đua đối với cán bộ quản lý, giáo viên trong việc khắc phục tình trạng học sinh bỏ học. Bằng những giải pháp đó, những năm gần đây, tình trạng học sinh bỏ học ở Gia Lai giảm hẳn”.

 

X.Hoàng - Hữu Vi