Chật vật giữ con

Hai vợ chồng chị Hoàng Thị Lam ở xã Nghi Kim (thành phố Vinh) đều là công chức Nhà nước, chồng chị đang phải công tác xa nhà, 1 tháng chỉ về được vài lần. Gia đình chị có 2 con nhỏ, trong đó có cháu chưa đến 2 tuổi nên việc giữ con là bài toán khó.

Cũng vì điều này nên khi con gái thứ 2 được 15 tháng là gia đình đã quyết định gửi cháu ở một trường mầm non ngoài công lập, hàng ngày cứ gần 6h chiều mới đón về nhà. Nhưng từ giữa tháng 5 trở lại đây, khi trường buộc phải tạm dừng hoạt động để phòng dịch theo thông báo của Sở Giáo dục và Đào tạo thì vợ chồng chị bí bách vì không biết gửi con ở đâu.

image_9759237_15122020.jpgCông nhân ở Khu công nghiệp Bắc Vinh gửi con tại các cơ sở mầm non tư thục. Ảnh: Mỹ Hà

“Ngày nào cũng vậy từ sáng sớm là ba mẹ con lại kéo nhau về bà ngoại ở Hưng Nguyên rồi tối về lại đón con. Nhưng nói gửi con cho bà nhưng tôi đi làm cũng không yên tâm vì ông bà đã nhiều tuổi, bà lại đau ốm thường xuyên. Trong khi đó con tôi lại còn nhỏ, hay quấy khóc. Cực chẳng đã tôi cũng đã gửi con cho một nhóm trẻ gia đình gần nhà nhưng vì điều kiện không đảm bảo nên cháu đi học ngày nào là lại về ốm, tiêu chảy. Bây giờ tôi chỉ mong trường mở cửa trở lại để con có thể đến trường vì dù sao các cháu cũng đã quen lớp, quen bạn, quen thầy cô”.

Từ đầu tuần nay, vì không có ai trông con nên chị Như Bình ở phường Hưng Bình (thành phố Vinh) cũng đã phải nghỉ làm vì không có ai ở nhà trông 2 con nhỏ. Lo sợ tình trạng này sẽ phải kéo dài nên vợ của anh cũng đã phải lên mạng xã hội tìm người trông trẻ… Bài viết vừa đăng chưa được 1 tiếng đồng hồ, chị Bình rất ngạc nhiên bởi lớp trông trẻ chưa thấy nhưng chị lại nhận được rất nhiều chia sẻ khác của những ông bố, bà mẹ cùng cảnh ngộ. Qua mạng xã hội chị cũng biết hiện có một số giáo viên phải nghỉ dạy ở nhà và đang rất muốn nhận trông trẻ để tăng thu nhập. Tuy nhiên, vì quy định của ngành nên các giáo viên này vẫn lo ngại vì sợ vi phạm quy định.

Trường Nầm non Lê Mao hướng dẫn học sinh rửa tay sát khuẩn trước khi vào trường. Ảnh: Mỹ Hà

Từ ngày 17/5, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tất cả các trường học trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã cho học sinh nghỉ học sớm hơn 2 tuần. Với các bậc học khác, điều này không ảnh hưởng quá nhiều đến chương trình dạy học vì đây cũng là thời điểm cuối học kỳ 2. Tuy nhiên, với bậc học mầm non, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của nhà trường, nhất là với trường mầm non tư thục.

Cô giáo Lê Thị Thủy - Phó Hiệu trưởng một trường mầm non trên địa bàn phường Hưng Dũng cho biết: “Trường chúng tôi thành lập chưa lâu và giáo viên chủ yếu còn rất trẻ. Thế nên, khi phải nghỉ học thì hầu hết các giáo viên đều rơi vào thất nghiệp. Trước mắt, chúng tôi đang cố gắng trả lương cho các giáo viên trong tháng 5 nhưng nếu nghỉ học dài ngày thì nhà trường không có đủ kinh phí để trả lương cho giáo viên”.

Cân nhắc khi “mở cửa” cho các nhà trường

Liên quan đến nội dung này, Sở Giáo dục và Đào tạo vừa tổ chức cuộc họp mở rộng để bàn về nội dung chăm sóc trẻ trong hè. Tham gia cuộc họp này ngoài lãnh đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo thì còn có đại diện của các trường mầm non tư thục. Qua ý kiến phát biểu của các nhà trường cũng cho thấy, quyết định dừng nghỉ học không chỉ tác động đến sinh hoạt của phụ huynh, học sinh mà còn gây khó khăn rất nhiều cho các nhà trường.

Bà Võ Thị Duyên - Hiệu trưởng Trường Mầm non Green School cho biết: “Từ 2 năm trở lại đây, các trường mầm non tư thục chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Điều đáng lo ngại nhất là hiện nay các trường tư thục hoạt động phụ thuộc vào việc thu học phí của học sinh và theo mô hình doanh nghiệp. Do đó, nếu học sinh không đi học, nhà trường sẽ không có nguồn thu trả lương cho giáo viên, không có kinh phí để trả nợ cho ngân hàng... Rất nhiều giáo viên đợt dịch trước vì phải nghỉ dài ngày nên phải nghỉ việc. Ngay như đợt dịch này, vì nhiều phụ huynh lo sợ cho con nghỉ từ đầu tháng 5 nên các trường không thu được học phí hoặc có nhiều phụ huynh chưa nộp. Trong khi đó, các trường vẫn phải trả lương cho giáo viên đầy đủ”.

Đại diện các trường mầm non tư thục trên địa bàn thành phố Vinh cho ý kiến về việc đi học trở lại của học sinh. Ảnh: Mỹ Hà

Những bất cập trên cũng cho thấy, việc nghỉ học hiện nay đang có nhiều vấn đề nảy sinh, từ cả phụ huynh, học sinh và các nhà trường. Với tinh thần vừa chống dịch nhưng vẫn phải thực hiện nhiệm vụ kép là phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống của nhân dân, Sở Giáo dục và Đào tạo đã cân nhắc đến việc cho các trường học hoạt động trở lại. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là phải làm sao đảm bảo an toàn cho trẻ khi đến trường.

 Trên địa bàn thành phố Vinh hiện có hơn 40 trường mầm non tư thục và hơn 100 cơ sở mầm non tư thục. Nếu tất cả các trường, cơ sở này đều nghỉ học thì sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng trăm giáo viên, nhân viên. Hơn nữa, nhu cầu muốn gửi trẻ của phụ huynh là có thật.

Tuy nhiên, nếu tổ chức cho trẻ đi học trở lại thì vấn đề an toàn cho trường học, cho trẻ phải là nhiệm vụ cần phải quan tâm hàng đầu, đặc biệt là ở các cơ sở mầm non tư thục, nơi điều kiện cơ sở vật chất còn rất bất cập. Chính vì vậy, nếu mở cửa lại trường học thì ngoài việc thực hiện nghiêm túc quy định "5K" thì các trường cần có phương án riêng về đảm bảo an toàn cho học sinh trong mùa Covid-19, tùy theo từng điều kiện, từng đối tượng học sinh khác nhau. Nhà trường phải có cam kết với phụ huynh, học sinh với sự an toàn của trẻ.

Bà Hoàng Thị Phương Thảo - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vinh.

 
Việc dạy học ở các trường mầm non chỉ được thực hiện khi đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh. Ảnh: Đức Anh

Về phía Sở Giáo dục và Đào tạo, ông Nguyễn Văn Khoa - Phó Giám đốc Sở cho biết: “Thời điểm này, Sở vẫn giữ quan điểm, an toàn cho trẻ phải được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, để hài hòa giữa nhu cầu phụ huynh học sinh và nhà trường, chúng tôi sẽ xem xét nguyện vọng và tạo điều kiện cho các trường hoạt động trở lại nếu điều kiện về phòng, chống dịch bệnh được đảm bảo và các trường làm tốt công tác tuyên truyền cho phụ huynh, học sinh. Bên cạnh đó, việc đi học chỉ được triển khai khi tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh được kiểm soát”.

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cũng cho rằng, việc tổ chức dạy hè phải trên nguyên tắc tự nguyện, phụ huynh có nhu cầu gửi con trong hè phải có đơn xin học hè. Trong quá trình triển khai, các nhà trường cần phải xây dựng chương trình giáo dục phù hợp, thực hiện nghiêm túc các quy định về trường học an toàn. Các trường cũng cần bố trí nhân viên y tế của trường theo dõi sức khỏe, phối hợp với giáo viên trong công tác chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ theo Chương trình giáo dục mầm non hiện hành.