(Baonghean) - Hàng loạt phụ huynh ở xã Thanh Mai (Thanh Chương) bức xúc vì bỗng dưng UBND xã không phê duyệt để con em họ tiếp tục được hưởng hỗ trợ bán trú đối với xã đặc biệt khó khăn.

Cắt chế độ, gạo chở về lại... chở đi

Trung tuần tháng 12, nhiều hộ dân ở các xóm vùng cao của xã Thanh Mai (Thanh Chương) đang “rục rịch” vay mượn tiền để sắm xe máy cho con đang học THCS đi học. Họ nói rằng, vì trường quá xa, trong khi lại bị cắt hỗ trợ bán trú, đành phải cho con đi học bằng xe máy, mặc dù biết như vậy là vi phạm pháp luật.

Chị Nguyễn Thị Ngân (35 tuổi, xóm Nam Sơn) cho biết: “Tôi có 3 đứa con, hai đứa học THCS, còn một đứa tiểu học. Vì không còn được hỗ trợ chế độ bán trú, tôi đành phải để các con đi xe máy đến trường bởi đi xe đạp sợ các con đến trường không kịp, lại không đủ sức để học hai buổi một ngày”. 

1513826489964.jpgCon đường đến trường của học sinh xóm Nam Sơn, xã Thanh Mai, huyện Thanh Chương. Ảnh: Phương Thảo

Chị Ngân là một trong những phụ huynh ở các xóm Nam Sơn, Đá Bia, Trung Sơn viết đơn gửi Báo Nghệ An khiếu nại về việc con em họ không nhận được hỗ trợ bán trú từ năm học này vì UBND xã Thanh Mai không chịu ký xác nhận. Đây là những xóm xa xôi nhất của xã đặc biệt khó khăn này. 

Chế độ bán trú mà các phụ huynh phản ánh thuộc Nghị định 116/2016/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn. Theo tìm hiểu, năm học trước, Trường THCS Thanh Mai có hơn 40 em được hỗ trợ theo chính sách này.

Tuy nhiên, năm nay chỉ còn một em được hưởng. Em học sinh này có hộ khẩu ở xã Thanh Xuân nhưng qua Thanh Mai thuê trọ để học. Tương tự, năm ngoái Trường Tiểu học Thanh Mai cũng có đến 47 em được hỗ trợ nhưng năm nay, con số này giảm xuống còn 16 em. 

Trong khi đó, gạo hỗ trợ cho học sinh bán trú trường THCS Thanh Mai lại được chở về theo đúng số lượng như năm trước (3,5 tấn). Sau khi chất trong nhà kho suốt nửa tháng, nhà trường đành phải thuê xe chở hàng tấn gạo đến xã khác có nhu cầu theo sự hướng dẫn của cấp trên. 

Một chính sách, một địa bàn, hai cách xét duyệt

Lý giải về việc cắt hỗ trợ của học sinh, thầy Võ Đình Nho - Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Mai cho hay, quyết định này do Hội đồng xét duyệt chế độ ăn, ở bán trú của UBND xã Thanh Mai đưa ra. Hội đồng này gồm lãnh đạo UBND xã, ban đại diện phụ huynh học sinh và lãnh đạo nhà trường.

“Xét về tiêu chí khoảng cách từ nhà đến trường cũng như các tiêu chí khác mà Nghị định đã đưa ra, thì các em đủ điều kiện. Tuy nhiên, năm học này hội đồng dựa theo văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo mới ban hành nên các em không được”, thầy Nho nói và cho hay, đó là Văn bản 5129/BGDĐT-CTHSSV ngày 14/10/2016 và theo văn bản này, những học sinh được hưởng hỗ trợ phải đáp ứng tiêu chí “không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày”.

“Chúng tôi đã đi xe đạp về tận nhà các em và kết luận, những em này đi từ trường về nhà cũng chỉ mất hơn 30 phút. Vì thế, chắc chắn có thể đi đến trường và trở về nhà trong một ngày”, hiệu trưởng Nho nói và cho biết đường sá từ các xóm Nam Sơn, Đá Bia và Trung Sơn tới trường học mặc dù xa nhưng đã được đầu tư nên “rất dễ đi”. 

Cùng quan điểm với thầy Nho, ông Nguyễn Hữu Hưng - Bí thư Đảng ủy xã Thanh Mai cho rằng cần phải “làm cứng rắn”, mặc dù biết phụ huynh sẽ phản ứng. “Chúng tôi chỉ làm theo văn bản hướng dẫn của Bộ. Nếu không làm theo, cứ phê duyệt sau này phát hiện cấp sai, bắt thu hồi thì rất khó”. 

Phụ huynh xã Thanh Mai bức xúc vì con bị cắt chế độ nội trú. Ảnh: Tiến Hùng

Trong khi đó, tìm về nhà của nữ sinh Nguyễn Thị Hằng (lớp 9A), ở xóm Nam Sơn, phóng viên Báo Nghệ An ghi nhận một thực trạng hoàn toàn khác. Hằng là một trong những học sinh vừa bị cắt hỗ trợ bán trú, mặc dù 3 năm nay, em phải ở lại nhà của cô giáo chủ nhiệm để trọ học.

Con đường ngoằn ngoèo, men theo triền núi, muốn vào được nhà nữ sinh này, phải băng qua những con suối sâu gần nửa mét. Mỗi lần mưa xuống, nhiều hộ dân ở đây bị cô lập bởi nước từ trên núi đổ xuống khe. Vì thế, phần lớn con em ở đây, đều phải thuê nhà trọ gần trường để học. Chị Nguyễn Thị Tình (35 tuổi, mẹ Hằng) cho biết cứ mỗi tuần Hằng chỉ về nhà một lần để xin tiền mẹ mua thực phẩm cũng như chi phí sinh hoạt. 

Gặp và trao đổi với các phụ huynh khác, phóng viên đều ghi nhận được sự bức xúc. “Chúng tôi không hiểu căn cứ vào đâu mà trường và xã đưa ra kết luận con em chúng tôi có thể đi về trong ngày. Nếu đi về được trong ngày thì tại sao con chúng tôi phải thuê nhà trọ. Các thầy nói đã đạp xe về tận nhà nhưng sức khỏe các thầy khác, các em học sinh khác. Chưa kể thầy chỉ đi một ngày, còn con chúng tôi đạp xe ngày mấy chuyến, quanh năm mưa gió, chịu sao được”, chị Nguyễn Thị Lịch (41 tuổi) nói. 

Cũng thuộc xã đặc biệt khó khăn, các trường học ở xã Thanh Hà lại có quy trình xét duyệt khác. Được biết, Trường THCS Thanh Hà có đến 75 trong tổng sĩ số gần 300 em của trường được hưởng chính sách này.

Theo ông Phan Văn Lân - Chủ tịch UBND xã, vào đầu năm học, xã cùng với nhà trường sẽ kiểm tra những xóm nào có khoảng cách từ 7 km trở lên đối với học sinh THCS và 4 km trở lên đối với tiểu học, đồng thời, những em này phải ở bán trú. “Các em phải ở trọ nghĩa là đã không thể đi về trong ngày. Như vậy là các em đủ điều kiện được hưởng chế độ hỗ trợ”, ông Lân nói. 

Thậm chí cùng tại xã Thanh Mai, trường tiểu học ở đây lại không xét duyệt như ở cấp THCS. “Ở cấp tiểu học, chúng tôi dựa vào 2 tiêu chí, thứ nhất là khoảng cách từ nhà các em đến trường, thứ hai là các em phải ở trọ.

Nhiều em khai trong hồ sơ có ở bán trú nhưng thực sự lại đi đi về về, như vậy cũng không được hưởng chế độ. Hội đồng xét duyệt đã về tận nhà các em thuê trọ để kiểm tra xem có thực sự các em ở trọ hay chỉ là nhờ người quen xác nhận”, hiệu trưởng Lê Xuân Minh nói và cho biết đầu năm học có đến hơn 50 hồ sơ xin được hỗ trợ, tuy nhiên sau khi đi kiểm tra, hội đồng kết luận chỉ có 16 em là thực tế trọ học.

Như vậy, cùng 1 chính sách, 1 địa bàn nhưng lại có nhiều cách xét duyệt khiến phụ huynh học sinh phản ứng. Các trường tại xã Thanh Hà và Trường tiểu học Thanh Mai chỉ dựa vào 2 yếu tố, về khoảng cách và các em ở nội trú thực chất, nhưng tại Trường THCS Thanh Mai, ngoài 2 yếu tố đó phải có thêm tiêu chí “không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày”. Tuy nhiên, cách xem xét đến tiêu chí này lại mơ hồ, không rõ ràng, chủ yếu dựa vào cảm tính, đã ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi học sinh. 

Điều kiện học sinh tiểu học, THCS được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP phải là học sinh mà bản thân và bố, mẹ hoặc người giám hộ có hộ khẩu thường trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn đang học tại các trường tiểu học, THCS thuộc xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi; nhà ở xa trường khoảng cách từ 4 km trở lên đối với học sinh tiểu học và từ 7 km trở lên đối với học sinh trung học cơ sở hoặc địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn, phải qua sông, suối không có cầu, qua đèo, núi cao, qua vùng sạt lở đất, đá...

Những học sinh thuộc trường hợp này được hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà bằng 50% mức lương cơ sở, cộng với 15 kg gạo mỗi tháng. Tương đương, một năm học, mỗi em được hỗ trợ hơn 5 triệu đồng và gần 1,5 tạ gạo./.

Tiến Hùng - Phương Thảo 

TIN LIÊN QUAN