(Baonghean) - Tuần qua, các cầu thủ nhí U13 SLNA đã có chuyến du đấu tại đất nước mặt trời mọc khá ấn tượng khi toàn thắng cả 3 trận (thắng U12 Azul CalaroB 4-0; U12 Vivace FC: 10-1; U12 Azul CalaroA 8-1).
Tất nhiên đây chỉ là những trận đấu mang tính chất giao hữu, nhưng dẫu sao kết quả đó đã nói lên sự xuất sắc của các cầu thủ trẻ lò đào tạo xứ Nghệ, họ không chỉ chơi ngang ngửa mà còn thắng đậm các cầu thủ ở các lò đào tạo bóng đá Nhật Bản, cho dù SLNA mới chỉ là “cây nhà lá vườn” chưa liên kết với các học viện bóng đá  lớn như HAGL Arsenal của bầu Đức. Điều này cho thấy, bóng đá Việt Nam không bao giờ thiếu tài năng trẻ.
 
images1039089_u_13_slna_2.jpgCác cầu thủ U13 SLNA đã có chuyến du đấu thành công tại Nhật Bản. Ảnh: internet
 
Trong chuyến đi đến xứ sở Hoa Anh Đào, ngoài chuyên môn, các cầu thủ U13 SLNA còn học hỏi được rất nhiều ở các cầu thủ cùng trang lứa ở Nhật Bản trong cách giao tiếp, ứng xử. Đầu tiên là các em biết nói “cảm ơn” đối thủ sau mỗi trận đấu. Điều mà các em cho là kỳ lạ và chưa bao giờ gặp, khi chứng kiến các cầu thủ nhí Nhật Bản mặc dù bị thua nhưng vẫn xếp hàng cảm ơn mình khi kết thúc trận đấu. Chính những điều tưởng chừng như không đáng để ý này đã giúp cho các cầu thủ Nhật Bản học được cách tôn trọng đối thủ ngay từ khi bắt đầu “học việc”. Chứ không phải cái cách mà một số ông thầy ở ta “dạy” các học trò của mình khi thấy đối thủ chơi hay hơn thì “đá cho nó gãy chân”, “cho nó khiếp” để tránh ra cho mình đá! 
 
Gieo nhân nào thì gặt quả ấy, bóng đá Nhật Bản đã vượt khỏi tầm châu lục và vươn ra thế giới bắt đầu từ những việc làm nhỏ nhặt. Còn chúng ta, từ những tài năng trẻ đến kẻ... bán độ lại gần hơn bao giờ hết, khi mà hàng loạt tuyển thủ trẻ trong đó có người từng là đội phó đội tuyển U21 quốc gia “dính chàm” trong các vụ bán độ vừa được phanh phui trong mùa bóng năm 2014. 
 
Trước đây, các CLB ở Việt Nam cũng từng có một vài cầu thủ trẻ được gửi đi đào tạo lâu dài ở nước ngoài, như trường hợp cầu thủ Thái Sung của Đà Nẵng đã “tu nghiệp” 3 năm ở Học viện Aspire (Qatar) và được giới thiệu sang thử  việc ở các đội bóng châu Âu, nhưng khi về Việt Nam lại không có nổi một suất trong đội hình chính của Đà Nẵng. Nhiều chuyên gia cho rằng, do gánh nặng áp lực về thành tích, do đó lối chơi bóng mà HLV Việt Nam thường chọn là chuyền dài rồi “khoán cho ngoại binh ghi bàn”, dẫn đến cầu thủ có thể hình thấp bé như Thái Sung không thể là mẫu tiền đạo mà các HLV Việt ưa dùng. Ngoài ra, các kỹ xảo chơi bóng ở V.League cũng hoàn toàn khác với các nước có nền bóng đá phát triển. Đó là chiến thuật “chém đinh chặt sắt”, chiến thuật “câu giờ”, chiến thuật “đổ lỗi” và cộng thêm cả chiêu “bẻ còi” của trọng tài... mà các học viện bóng đá ở châu Âu không đưa vào giáo án, còn ở Việt Nam thì cầu thủ thường được BHL “hướng dẫn” hàng ngày! 
 
Hy vọng rằng, qua chuyến du đấu giao hữu ở Nhật Bản, các cầu thủ nhí SLNA mà đặc biệt là BHL SLNA “học được một sàng khôn” về cách chăm chút, bồi dưỡng và phát triển những tài năng trẻ thành những cầu thủ chuyên nghiệp, có bản lĩnh và khả năng thi thố ở các đấu trường trong và ngoài nước, tạo danh tiếng cho “lò” đào tạo SLNA được vang xa và góp phần phát triển nền bóng đá Việt Nam.
 
Đức Dũng