Chật vật vì học online
Đã đến giữa học kỳ nhưng cho đến thời điểm này cô giáo Thủy Thanh – giáo viên ở một trường THPT ngoài công lập trên địa bàn thành phố Vinh vẫn chưa được gặp học trò, ngoài những hình ảnh của các em hàng ngày qua camera. Điều này, với những giáo viên đang dạy lớp 11, 12 không có gì bất thường nhưng với những giáo viên là chủ nhiệm ở các lớp đầu cấp thì thực sự khó khăn. “Trước đây, khi dạy trực tiếp, tùy theo thời khóa biểu, tôi có thể thoải mái thời gian. Tuy nhiên, từ khi chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến, khoảng 6h30 tôi đã phải mở phòng học zoom, điểm danh từng học sinh. Nếu học trò ngủ quên hoặc không thấy các em đăng nhập, tôi lại phải liên lạc với gia đình để kiểm tra các em”, cô Thủy Thanh chia sẻ.
Mặc dù đã giám sát học trò khá chặt, nhưng cho đến thời điểm này, cô giáo Thủy Thanh vẫn thừa nhận việc dạy học trực tuyến khó đạt như kỳ vọng: “Chỉ những học sinh có ý thức thì việc dạy học trực tuyến mới đem lại hiệu quả. Còn lại, các em có rất nhiều phương thức để đối phó giáo viên như cố tình không bật camera, không ghi bài, không làm bài hoặc có những em cùng lúc sử dụng 2 thiết bị. Do đó, không tránh được các em vừa dùng điện thoại bật camera để học bài nhưng thực chất lại sử dụng máy tính để chơi game hoặc ngược lại. Nếu kiểm tra vở ghi bài của các em cũng khó chính xác vì các em có thể mượn vở của bạn, hoặc chép lại bài trên mạng để ứng phó với giáo viên…”.
Học sinh THPT là vậy, với những học sinh đầu cấp lại càng khó khăn hơn nếu như các em không có sự giám sát của bố mẹ. Cô giáo Hoàng Trâm Anh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghi Tân (thị xã Cửa Lò) cho biết: “Không ít học sinh ở trường chúng tôi bố hoặc mẹ đi làm ăn xa, các cháu ở nhà với ông bà. Do đó, khi các cháu học online không nhận được sự hỗ trợ từ bố mẹ nên việc học khó đạt được như kỳ vọng, nhất là với những học sinh đầu cấp. Chúng tôi chỉ mong sớm được học trực tiếp, vì như vậy mới có thể giám sát, quan tâm đến được từng học trò và giúp các em có thể nắm rõ được từng bài học”.
Gần 2 tháng học online, nhiều phụ huynh cũng “đứng ngồi không yên” vì nhận ra việc học của con em mình ngày càng chểnh mảng. Con gái của chị Hà Thị Thu ở phường Lê Mao (TP. Vinh) vốn có học lực khá tốt và chăm chỉ. Tuy nhiên, từ đầu năm học đến nay, lực học của cháu giảm sút và cháu bắt đầu chán nản vì học online kéo dài.
“Học online không có giáo viên đôn đốc ghi bài, kiểm tra bài tập thường xuyên nên rất nhiều bài học cháu không ghi, bài tập cũng làm không đầy đủ. Giáo viên dù có đôn đốc thì cũng không thể ngày nào cũng kiểm tra bài tập được 40 – 50 cháu. Trong khi đó, học sinh tiểu học tính tự giác chưa cao, thích học hơn chơi và thích mày mò, khám phá vi tính nếu không có bố mẹ ngồi bên giám sát”, chị Thu chia sẻ.
Nỗi lo còn đè nặng lên những phụ huynh đang có con chuẩn bị thi cuối cấp. Con trai của anh Hữu Dũng năm nay học lớp 12 và chỉ vài tháng nữa là cháu bước vào kỳ thi quan trọng nhất của học sinh. Từ khi dịch bùng phát đến nay, đã 5 tháng gần như cháu không ra khỏi nhà và suốt ngày ngồi trên máy vi tính khiến gia đình anh hết sức lo lắng: “Cháu học online cả sáng và chiều, thậm chí là cả tối bởi lịch học chính khóa và học thêm dày đặc. Dù cháu vẫn bảo là ổn nhưng chúng tôi không thể yên tâm vì điều đó sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý của các cháu”.
Cần khách quan trong kiểm tra, đánh giá học sinh
Ngoài thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò, trong tuần qua, nhiều trường học trong tỉnh thuộc các đơn vị như Quỳnh Lưu, thị xã Thái Hòa cũng đã phải chuyển sang hình thức học online sau khi trên địa bàn xuất hiện các ca bệnh Covid – 19 mới. Đây cũng là thời điểm các trường học bắt đầu vào thời điểm kiểm tra giữa kỳ để lấy điểm tổng kết học kỳ I nên việc kiểm tra, đánh giá được các nhà trường và phụ huynh, học sinh hết sức quan tâm.
Trước đó, mặc dù Sở Giáo dục và Đào tạo đã có hướng dẫn về việc ra đề, kiểm tra, đánh giá nhưng việc thực hiện phương án kiểm tra như thế nào đối với hình thức dạy học trực tuyến thì vẫn phải tính toán cặn kẽ. Tại Trường Tiểu học Nghi Kim (thành phố Vinh), theo kế hoạch việc kiểm tra giữa kỳ sẽ được bắt đầu thực hiện từ tuần thứ 10 và trong điều kiện hiện nay, nhà trường chỉ tổ chức thi giữa kỳ với học sinh lớp 4 và lớp 5 với 2 môn Tiếng Việt và Toán.
Chia sẻ về điều này, cô giáo Lâm Thị Thúy Hòa – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Thời gian qua, mặc dù thực hiện chương trình tinh giản nhưng chúng tôi vẫn chỉ đạo các giáo viên tổ chức dạy học để đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng. Vì thế, trong tuần tới, khi bắt đầu kiểm tra giữa kỳ nhà trường đã chủ động xây dựng kế hoạch ôn tập cho học sinh tận tình, chu đáo và dù có học trực tuyến thì bài vở của học sinh vẫn được đảm bảo cho học sinh. Hiện chúng tôi cũng đã xây dựng ma trận đề kiểm tra và dự kiến sẽ tổ chức thi trên hệ thống LMS. Giáo viên sẽ trực tiếp coi thi, chấm thi và ban giám hiệu sẽ kiểm tra theo xác suất để đảm bảo việc đánh giá của các giáo viên được chính xác”.
Trên toàn địa bàn thành phố Vinh, qua trao đổi, bà Hoàng Thị Phương Thảo – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Hiện nay, các trường trong toàn thành phố đã sử dụng phần mềm dạy học trực tuyến LMS khá tốt nên việc tổ chức kiểm tra trực tuyến sẽ được triển khai đồng bộ trên phần mềm này. Chúng tôi cũng chỉ đạo các trường xây dựng ma trận đề thi với 70% nội dung đề thi ở mức độ nhận biết, thông hiểu (thay vì 50% như trước đây) và 30% là vận dụng. Các câu hỏi ở mức vận dụng cao chỉ từ 2 – 3%”.
Tại Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP. Vinh), từ tuần này, nhà trường cũng đã bắt đầu ôn tập cho học sinh và xây dựng phương án kiểm tra giữa kỳ bằng cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Nếu tổ chức bằng phương án trực tuyến, việc thực hiện sẽ được triển khai qua hệ thống LMS – dạy học và kiểm tra trực tuyến.
Cô giáo Nguyễn Thị Kim Duyên – Tổ trưởng Tổ chuyên môn môn Toán cho biết: “Tinh thần của chúng tôi đó là thông qua việc kiểm tra giữa kỳ để đánh giá việc dạy học online và sẽ có những điều chỉnh thích hợp về hình thức tổ chức dạy học. Quá trình tổ chức thi chúng tôi sẽ thực hiện theo đúng tinh thần giảm tải của Bộ và hiện các tổ, nhóm chuyên môn đã xây dựng kế hoạch kiểm tra giữa kỳ, xây dựng ma trận đề kiểm tra và tổ chức ôn tập cho học sinh. Nếu tổ chức thi online, chúng tôi sẽ yêu cầu học sinh bật camera và micro, động viên các em phát huy tinh thần tự giác và có thể sẽ yêu cầu phụ huynh cùng đồng hành để đánh giá ý thức học tập của các con”.