(Baonghean) - 1. Trong một dịp đến thăm ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi của nhà văn - dịch giả Ông Văn Tùng tại quê Nam Đàn, chúng tôi hết sức thú vị với nét chạm khắc nơi vì kèo. Qua lớp bụi thời gian, nét chạm khắc tinh xảo của người xưa đã kể lại tích cá chép vượt vũ môn như gửi gắm cả vào mái nhà của mình cái khát vọng “công thành danh toại” bằng con đường học vấn…
Đã hàng trăm năm nay, sự học đã luôn được đề cao như vậy. Ngay từ câu ca dao bà mẹ xứ Nghệ mình ru con, dặn con cũng đã chất chứa mong mỏi “Con ơi nhớ lấy câu này/ Chăm lo đèn sách cho tày áo cơm”. Chẳng thế mà, cái nợ con chữ đeo đẳng những cậu trò quê nghèo, đã khiến đất Nghệ sinh ra “ông đồ Nghệ”. Người xưa nói nhiều đến cái lý của sự học: học để làm quan, học để thoát cái kiếp “đi sau con trâu”, học để mở mang với đời… xem ra là đúng nhưng chưa đủ. Cái sự học như mong mỏi ấy cao hơn rất nhiều: học để làm người. Làm người có ích, làm người tự tin, làm người kiêu hãnh, làm người có trí tuệ để đưa đất nước “sánh vai với các cường quốc năm châu”.
2. Lại nói về chuyện ngày 9/1 được chọn là Ngày Học sinh - Sinh viên Việt Nam. Ngày này của 64 năm về trước, Đoàn Thanh niên cứu quốc và Đoàn học sinh Sài Gòn- Chợ Lớn đã vận động và tổ chức cho hơn 2000 học sinh, sinh viên và hơn 7000 dân biểu tình đòi đảm bảo an ninh học tập và trả tự do cho các sinh viên, học sinh bị bắt trong phong trào đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ. Trong cuộc xung đột với cảnh sát và lính lê dương, sinh viên Trần Văn Ơn - người thanh niên tiêu biểu của tinh thần yêu nước và ý chí đấu tranh bất khuất của học sinh, sinh viên đã bị giết hại. Câu hỏi vang lên từ đám tang Trần Văn Ơn, rằng ai chết vinh, ai sống nhục đã thổi bùng ngọn lửa căm hờn và ý chí đấu tranh mãnh liệt của thế hệ trẻ. Như vậy, không chỉ đơn giản ngày 9/1 được nhắc đến để nhớ về một sự kiện, một con người, mà nó được chọn để ghi dấu rằng những con người ngồi trên ghế nhà trường năm ấy đã biết biến cái “sự học” của mình thành hành động. Họ không phải học để làm quan, học để tiến thân, để thoát khổ, mà họ đã học để hiểu, để yêu hơn đất nước, để biết đấu tranh với cái bất công, phi lý, với cái xấu, cái ác…
3. Trở về với những bà mẹ quê Nghệ mình nhắn con yêu lấy sự học ngay từ trong nôi. Đất quê mình bao đời vẫn thế, vẫn gió Lào, cát trắng, vẫn núi cao mây mù, vẫn suối sâu, sông rộng… Tà áo mẹ, áo cha vẫn màu bạc ấy trên ruộng, trên nương. Con đường theo đuổi cái chữ không ít lo toan, nhọc nhằn. Nhưng thật tự hào, trong đội ngũ học sinh, sinh viên hôm nay, chúng ta tiếp tục có những tấm gương ngời sáng về ý chí, trí tuệ, về tinh thần sáng tạo. Những “Hoa Trạng Nguyên”, những “Sao Tháng Giêng” trong lễ vinh danh, lấp lánh những nụ cười và lấp lánh cả những giọt mồ hôi chát mặn. Nghệ An vẫn thuộc tỉnh nằm trong tốp đầu cả nước về tỷ lệ học sinh giỏi quốc gia, học sinh đậu đại học. Tự hào, nhưng cũng không khỏi nghĩ suy, làm sao để cái “sự học” ấy được ghi dấu mạnh mẽ hơn bằng những đổi mới trên quê hương này. Làm sao để đằng sau nụ cười của mẹ, của cha không còn mặn đắng nhọc nhằn? Làm sao để bước ra với thế giới rộng lớn mà biết trở về trên mảnh đất đã cho ta hạt gạo với niềm biết ơn, với sự đền đáp? Ấy là học để hiểu, để yêu thương, học để làm người vậy!
Nghệ An cuối tuần