(Baonghean) - Này bố nó, tôi đọc báo thấy người ta bảo: Bộ Giáo dục và Đào tạo ra công văn đề nghị các địa phương tự quyết định dừng hay tiếp tục nhân rộng mô hình VNEN. Ai thích làm cứ làm, ai làm không được thì thôi, không ép. Thằng Tún nhà mình cũng đang học VNEN, bố nó xem có cho nó học tiếp không hay là thôi? 

Lớp học theo chương trình VNEN ở Trường THCS Hưng Dũng

- Mẹ nó toàn lo những chuyện không đâu. Con học chứ mẹ nó có học đâu mà mẹ nó phải ý kiến ý cò. Bao giờ thằng Tún đề đạt nguyện vọng với tôi là: “Bố ạ, xét thấy mô hình VNEN không hiệu quả và không phù hợp với năng lực của con. Con đề nghị bố cho con chuyển lớp, chuyển trường, trở về học chương trình đại trà”, lúc ấy hẵng hay!

- Bố nó nói chuyện như phim. Con còn bé, biết gì mà ý kiến với chả nguyện vọng? Mà tôi nói là vì nó chứ vì ai, con nhà hàng xóm học trường bình thường toàn khoe điểm 9, điểm 10, đứng nhất nhì lớp. Con mình đi học về mẹ hỏi chỉ thấy bảo: Đi học được chơi trò chơi, dựng mô hình, kể chuyện cho nhau nghe…Toàn những trò vô bổ không đâu, sau này không biết thi cử có nên cơm cháo gì không?

- Mẹ nó thật là thiển cận. Đấy là giáo dục theo kiểu nước ngoài, rèn luyện kỹ năng sống, tạo hứng thú cho học sinh. Đã là nước ngoài thì tất nhiên phải tiên tiến, hiện đại hơn truyền thống, rõ chửa?

- Tưởng gì, nước ngoài ở đây là Colombia chứ có phải Pháp, Mỹ, Nhật gì cho cam. Tôi cũng tìm hiểu đến nơi đến chốn hẳn hoi rồi tôi mới nói nhé. Mô hình của người ta chỉ dùng cho học sinh ở vùng sâu vùng xa, lớp sỹ số ít. Đằng này lớp học thì đông như ong vỡ tổ, sách giáo khoa còn chưa đủ nói gì đến thiết bị với chả mô hình. Con tôi học được gì chưa biết, chỉ biết xếp bàn ghế ngồi quay vào nhau, muốn nhìn lên bảng là lại phải ngoái vẹo hết cả lưng cả cổ. Chỉ tổ cận thị với vẹo xương sống ra, rõ tai hại!

- Thì lỗi có phải tại mô hình đâu, tại người ta thực hiện rập khuôn, cứng nhắc đấy chứ. Sợ vẹo lưng thì cứ cho các cháu ngồi bình thường, đến lúc cần học nhóm thì cho quay vào nhau. Chưa có mô hình logo sẵn thì cho các cháu làm thủ công kỹ thuật, vẽ hình, cắt dán. Vừa đơn giản, vừa tiết kiệm lại vừa vui. Chuyện nhỏ như con gián sao cứ phải phức tạp hoá? Cái cần băn khoăn thì tôi chẳng thấy mẹ nó băn khoăn…

- Bố nó băn khoăn điều gì?

- Tôi thấy lo là lo ở khâu tổ chức, giáo viên. Đừng tưởng chương trình lấy học sinh làm trung tâm, cho học sinh tự quản là giáo viên nhàn rỗi, nhẹ gánh. Mẹ nó thử nghĩ mà xem: Trước đây giáo viên chỉ việc giảng bài thao thao bất tuyệt cho học sinh chép, dễ ợt như đút cơm cho con ăn. Còn bây giờ, giáo viên phải dẫn dắt, hướng dẫn để học sinh tự hiểu và tiếp thu kiến thức, tức là bày mâm ra và khuyến khích để con tự xúc ăn. Cái nào khó hơn? Đương nhiên là cái thứ hai rồi. Giáo viên mà không dẫn dắt được thì học sinh chẳng tiếp thu được gì, tôi lo là lo chỗ ấy. 

- Bố nó nói cũng có lý, thế nên mô hình nước ngoài tiên tiến đến mấy, cũng phải tuỳ vào tình hình thực tế để có phương án thích hợp, chứ không là kiểu gì cũng thất bại. Học nước người ta nhưng còn phải chắt lọc xem học cái gì, học như thế nào, bố nó nhỉ?

Hải Triều

TIN LIÊN QUAN