(Baonghean.vn) - Đó là chia sẻ của anh Quan Pet Poung Ma La - Bí thư Tỉnh đoàn Bôlykhămxay, Lào khi đến thăm trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh sáng 23/8.
Nghệ An - “gia đình thứ hai”
Từ các tỉnh Xiêng Khoảng, Viên Chăn, Bôlykhămxay, Khăm Muộn, Hủa Phăn…, các du học sinh Lào khi đến Nghệ An học tập đều nhận được sự quan tâm, hỗ trợ giúp đỡ của cả cộng đồng.
Chị Phạm Thị Ngọc Lan, chuyên viên Quản lý lưu học sinh Lào, Phòng Công tác học sinh sinh viên, trường ĐHSPKT Vinh cho biết, một trong những khó khăn lớn nhất của du học sinh Lào trong quá trình học tập là khả năng sử dụng tiếng Việt, đặc biệt là các sinh viên học chuyên ngành kỹ thuật.
Vì thế, thời gian đầu đến Nghệ An học tập, du học sinh Lào thường rụt rè, e ngại trong giao tiếp với người Việt, nên khó hoà nhập cuộc sống. Để giúp đỡ sinh viên Lào trong trao đổi và tiếp thu kiến thức, nhà trường đã tích cực bồi dưỡng tiếng Việt cho các em.
Cùng đó, nhằm tạo cơ hội trao đổi ngôn ngữ và văn hoá Việt Nam cho sinh viên Lào, Đoàn trường, phòng công tác HSSV đã phối hợp với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Nghệ An áp dụng mô hình “Đưa lưu học sinh Lào đi thực tế tại nhà dân – homestay”.
Những kết quả thực tế cho thấy, đây là mô hình thiết thực, ý nghĩa, gắn lý thuyết trong nhà trường với thực tế đời sống. Tham gia chương trình này, khả năng tiếng Việt của các du học sinh Lào được nâng lên, đặc biệt phần lớn các em tự tin hơn trong giao tiếp.
Em Kongnamvong Chittavanh, sinh viên Khoa Công nghệ thông tin, trường ĐH SPKT Vinh là một trong những lưu học sinh Lào được thụ hưởng từ mô hình homestay, chia sẻ: “Tiếng Việt của em ngày càng tiến bộ vì được trực tiếp nói chuyện, giao lưu với người dân. Được mọi người giúp đỡ, dạy nói, và nghe tiếng Việt, em biết thêm nhiều câu thành ngữ, hiểu thêm nhiều về nét văn hoá của Nghệ An”. Chàng sinh viên này cũng là người đạt giải nhất trong cuộc thi “Nói tiếng Việt cho sinh viên, tình nguyện viên quốc tế năm 2016”.
Song điều đặc biệt nhất đối với Chittavanh, Nghệ An đã trở thành “gia đình thứ hai” của em, khi em được nhận làm con nuôi trong gia đình tại TP.Vinh. “Với em và gia đình của em bên Lào, món nợ lớn nhất đối với Việt Nam là món nợ tình cảm" - Chittavanh xúc động chia sẻ.
Bền chặt tình anh em
Hầu hết các đoàn viên thanh niên Lào khi đến Nghệ An học tập đều được bố trí vào ăn ở, sinh hoạt tại ký túc xá các trường đại học. Song song với công tác đào tạo, các bạn có điều kiện, cơ hội tham gia các hoạt động như đoàn viên, sinh viên Việt Nam, nhất là trong các hoạt động Đoàn, Hội.
Anh Đặng Minh Việt - Bí thư Đoàn trường ĐH SPKT Vinh cho biết, tại các trường đại học trên địa bàn tỉnh, nơi có sinh viên Lào theo học, Đoàn Thanh niên luôn là "cầu nối" vận động và tạo điều kiện cho các bạn sinh viên Lào tham sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, các các câu lạc bộ, các cuộc thi tìm hiểu lịch sử quan hệ hai dân tộc… Tổ chức Đoàn luôn hỗ trợ các bạn sinh viên, sáng tạo các hoạt động nhằm gắn kết sinh viên hai nước, để các bạn xem Việt Nam như quê hương thứ hai của mình.
Mùa hè 2017 là một mùa hè ấn tượng, không thể nào quên đối với đoàn viên, thanh niên Nghệ An và Lào, khi lần lượt các đoàn tình nguyện viên xứ Nghệ sang nước bạn Lào cho mùa tình nguyện quốc tế đầy ý nghĩa, nhân văn.
Em Quang Thắng Lộc - sinh viên Khoa Công nghệ kỹ thuật điện trường ĐH Vinh, đã tham gia vào chương trình tình nguyện hè tại tỉnh Xiêng Khoảng (Lào), chia sẻ: “Tham gia tình nguyện ở Lào không những giúp em có thể góp một phần nhỏ để giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn mà còn là cơ hội rất tốt để trải nghiệm, trau dồi kiến thức, kỹ năng, kết thêm được nhiều bạn mới”.
Nói về các tình nguyện viên quốc tế, anh Quan Pet Poung Ma La - Bí thư Tỉnh đoàn Bôlykhămxay đánh giá cao các hoạt động tình nguyện của thanh niên Nghệ An.
"Đây là điều đáng trân trọng. Những nghĩa cử cao đẹp của các bạn có ý nghĩa rất đặc biệt đối với nhân dân Lào. Chúng tôi mong muốn sẽ có nhiều hoạt động đa dạng hơn nữa giữa thanh niên Việt Nam nói chung, thanh niên Nghệ An và thanh niên 3 tỉnh Xiêng Khoảng, Bôlykhămxay, Hủa Phăn nói riêng".
Nhiều năm qua, thanh niên hai nước đã tổ chức nhiều hoạt động giao lưu hữu nghị, hợp tác trên nhiều lĩnh vực với nhiều nội dung phong phú như: trao đổi, học tập kinh nghiệm công tác Đoàn; giao lưu thanh niên biên giới; phối hợp đào tạo cán bộ; tổ chức các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng; xây dựng làng hữu nghị thanh niên biên giới Việt - Lào... Với những hoạt động đa dạng, ý nghĩa như vậy, thanh niên và tuổi trẻ Nghệ An đã và đang góp trí tuệ, sức lực vun đắp tình hữu nghị anh em Việt - Lào.
Mỹ Nga