(Baonghean) - Nhằm thắt chặt mối tình hữu nghị đặc biệt thuỷ chung gắn bó giữa 2 nước, 2 dân tộc Việt - Lào, tăng cường năng lực ngoại ngữ cho cán bộ dự nguồn, Trường Chính trị Nghệ An đã được Văn phòng Ban đề án 165 chọn làm địa điểm mở các lớp bồi dưỡng tiếng Lào cho cán bộ Việt Nam trên khắp cả nước.


Từ năm 2009 đến nay đã mở được 3 lớp với gần 100 học viên. Thời gian mỗi khoá là 12 tháng, trong đó học tại Nghệ An là 5 tháng, học và thực hành tại nước bạn Lào 6 tháng. Trong quá trình học có kiểm tra nghe, viết và nói. Sau khi học hết chương trình có tổ chức thi và phát chứng chỉ, những học viên được cấp chứng chỉ mới có điều kiện sang Lào học tiếp. Nhìn chung các học viên Việt Nam tiếp thu nhanh, sau khi học xong đã có trình độ tương đối, có thể giao tiếp.

772726_small_70978.jpg

Đoàn đại biểu Báo Pasaxon Lào tham quan dây chuyền làm báo
của Báo Nghệ An.                 Ảnh: Sỹ Minh

Trong suốt 3 khoá học, bạn đã cử 8 chuyên gia (tiếng Lào gọi là Phu sao san) sang trực tiếp giảng dạy. Khóa 1 năm 2009 có thầy Nu và thầy Hương Xẻng; khoá 2 năm 2010 có thầy Xỉ xa mút, cô Bua phỏn, cô Bun nắc; khoá 3 năm 2011 có thầy Xỉ phon, cô Khăm mết, cô Bua xỉ. Các chuyên gia Lào rất nhiệt tình trong công tác, hiền lành, sống giản dị, chan hoà với mọi người, tôn trọng phong tục tập quán và văn hoá Việt Nam.


Tuy xa quê hương, xa gia đình, nhưng được sự quan tâm tạo điều kiện hết sức thuận lợi từ phía Việt Nam, trước hết là từ trường Chính trị Nghệ An và các cấp lãnh đạo tỉnh, nên các đồng chí cũng đã vơi đi phần nào nỗi nhớ nhà, nhớ quê và tập trung vào công tác để hoàn thành nhiệm vụ trên giao. Trước khi kết thúc khoá học, các đồng chí chuyên gia bạn đã được mời đi tham quan các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Có năm vào dịp nghỉ hè của Lào (Phắc họn) một số đồng chí còn đem vợ con, gia đình sang thăm và nghỉ mát tại bãi biển Cửa Lò, thăm quê Bác...


Trong số các chuyên gia bạn có cô Bua-Phỏn-Ma-lay-khăm quê ở Xiêng Khoảng, tỉnh giáp giới với Nghệ An. Lúc còn nhỏ, năm 1969, khi ta và bạn chuẩn bị mở chiến dịch Cù Kiệt tại Lào, cô cùng với mấy vạn người Lào theo gia đình sang sơ tán, sinh sống và học tập tại huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An hơn 6 năm trời. Mãi đến sau ngày đất nước Lào được giải phóng, cô mới trở về Lào, nên cô nói tiếng Việt rất sõi. Cô có dáng người mảnh mai, hát hay múa đẹp, am hiểu phong tục tập quán, sống chan hoà với mọi người, học viên và cán bộ nhà trường ai cũng mến.


Trong nhiều hoạt động nhằm củng cố, tăng cường tình hữu nghị đặc biệt và hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước Việt Nam - Lào thì việc đào tạo tiếng Lào cho cán bộ Việt Nam trên đất Nghệ An là một trong những hoạt động thiết thực, hiệu quả và mang nhiều ý nghĩa, được lãnh đạo hai bên ghi nhận và đánh giá cao. Hướng tới "Năm đoàn kết hữu nghị Việt - Lào 2012", Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1962 - 2012) và 35 năm ký Hiệp ước Hữu nghị hợp tác Việt Nam - Lào (1977 - 2012), hi vọng sẽ có nhiều hoạt động tích cực hơn nữa không chỉ ở cấp Trung ương mà còn cả ở cấp tỉnh, nhằm góp phần vun đắp mối tình hữu nghị đặc biệt Việt - Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.


Quang Đạo