(Baonghean.vn) - Triển khai Quy chế làm việc của Chính phủ;  Nâng cao chất lượng chi tiêu công; Mở rộng nâng cấp đô thị Việt Nam; Bổ sung kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ; Thủ tướng yêu cầu có ngay thông tin chính thức về chất lượng nước mắm;... là những chỉ đạo, điều hành nổi bật tuần qua của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

1- Triển khai Quy chế làm việc của Chính phủ gắn với tăng cường kỷ cương, trách nhiệm

images1728803_1.jpgThủ tướng yêu cầu triển khai Quy chế làm việc của Chính phủ gắn với tăng cường kỷ cương, trách nhiệm. ảnh: vgp.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện Nghị định số 138/2016/NĐ-CPngày 1/10/2016 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ.

Trong đó, phải quán triệt thực hiện nghiêm túc các quy định về nguyên tắc làm việc, thẩm quyền, chế độ trách nhiệm, quan hệ công tác, cách thức, quy trình giải quyết công việc thuộc trách nhiệm của bộ, cơ quan, địa phương.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương rà soát, xây dựng và ban hành Quy chế làm việc của bộ, cơ quan, địa phương mình phù hợp với Quy chế làm việc của Chính phủ và tình hình thực tiễn. Thời hạn hoàn thành trong năm 2016.

Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc tình hình xây dựng và ban hành Quy chế làm việc của các bộ, cơ quan, địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

2 - Nâng cao chất lượng chi tiêu công

Ảnh minh họa.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình "Nâng cao chất lượng chi tiêu công" do ADB tài trợ.

Mục tiêu tổng thể của Chương trình nhằm hỗ trợ Chính phủ cải thiện điều kiện hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm cải thiện đời sống nhân dân và giảm nghèo bền vững.

Mục tiêu cụ thể là trợ giúp Chính phủ cải thiện hệ thống quản lý tài chính công của Việt Nam thông qua việc phân bổ nguồn lực tài chính công một cách hiệu quả; tăng cường năng lực xác định và quản lý rủi ro tài khóa; và cải thiện công tác giám sát, theo dõi và đánh giá chi tiêu công.

Tổng kinh phí Chương trình là 200 triệu USD, do ADB tài trợ, trong đó, vốn vay ưu đãi từ Quỹ Phát triển Châu Á (ADF) 117,3 triệu USD, vốn vay thông thường (OCR) 82,7 triệu USD.

3 - Để sở hữu trí tuệ thực sự là động lực cho đổi mới sáng tạo

Triển lãm sản phẩm sáng tạo

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại buổi làm việc về tình hình hoạt động thời gian qua và định hướng phát triển trong thời gian tới của Cục Sở hữu trí tuệ.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ đạo Cục Sở hữu trí tuệ tập trung từng bước rút ngắn thời hạn xử lý đơn, sớm khắc phục tình trạng tồn đọng đơn. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin thông qua hình thức dịch vụ công trực tuyến trong việc tiếp nhận, xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp.

Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ đạo Cục Sở hữu trí tuệ khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ 2016 - 2020, đưa quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp, tổ chức thành tài sản trí tuệ, đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp và nền kinh tế.      

4 - Mở rộng nâng cấp đô thị Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ đồng ý đề xuất Dự án "Mở rộng nâng cấp đô thị Việt Nam" tại 7 tỉnh: Vĩnh Long, Bến Tre, Long An, Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Bạc Liêu và Bộ Xây dựng.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, mục tiêu của dự án là xóa đói nghèo tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hải Phòng và tỉnh Nam Định bằng cách cải thiện đời sống và môi trường sống cho người thu nhập thấp thông qua việc nâng cấp hạ tầng cơ sở cấp 1, 2 và cấp 3, cung cấp nhà ở cho người thu nhập thấp, xây dựng quỹ cho vay nhà ở.

Các hạng mục của dự án đã hoàn thành với sự hài lòng cao của người dân ở 4 tỉnh, thành phố về chất lượng xây dựng của dự án tốt, đời sống của người dân được cải thiện một cách đáng kể. Đặc biệt, dự án đã mang lại cho các địa phương hệ thống hạ tầng mở rộng và môi trường được cải thiện.

5 - Sớm hoàn thành mục tiêu 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã

Ảnh minh họa.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa có ý kiến chỉ đạo về việc đầu tư đường ô tô đến trung tâm xã.

Cụ thể, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương còn có xã chưa có đường ô tô đến trung tâm xã chủ động lồng ghép các chương trình, đề án trên địa bàn; đồng thời, ưu tiên bố trí vốn từ ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư xây dựng đường ô tô đến trung tâm xã.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn các địa phương thực hiện việc lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình, đề án trên địa bàn, sớm hoàn thành mục tiêu 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã.

6 - Thanh tra việc bổ nhiệm, đề bạt công chức tràn lan ở Sở LĐTB&XH Hải Dương

Ảnh minh họa.

Ngày 22/10, Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Nội vụ thực hiện thanh tra công vụ tại Sở LĐTB&XH tỉnh Hải Dương về sự việc báo chí phản ánh việc bổ nhiệm, đề bạt công chức tràn lan.

Công văn nêu rõ: Ngày 17/10/2016, Báo Nhân dân có bài viết “Chuyện như đùa ở Hải Dương” thông tin, phản ánh việc tuyển dụng lao động, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, công chức diễn ra một cách tràn lan thời gian vừa qua tại Sở LĐTB&XH tỉnh Hải Dương.

Về việc này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Nội vụ thực hiện thanh tra công vụ tại Sở LĐTB&XH tỉnh Hải Dương về sự việc báo nêu. Nếu đúng như báo chí phản ánh, báo cáo Thủ tướng trước ngày 10/11/2016.

7 - Cơ chế đặc thù cho 6 nhà máy điện lớn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng

Ảnh minh họa.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt danh mục nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Theo đó, có 6 nhà máy điện lớn, gồm: Thủy điện Sơn La (công suất lắp đặt 2.400 MW); Thủy điện Hòa Bình (1.920 MW); Thủy điện Lai Châu (1.200 MW); Thủy điện Ialy (720 MW); Thủy điện Trị An (400 MW); Thủy điện Tuyên Quang (342 MW).

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế giá điện, cơ chế đặc thù trong vận hành và tham gia thị trường điện của các nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam nghiên cứu, đề xuất mô hình tổ chức và quản lý sản xuất - kinh doanh đối với các nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.

8 - Bổ sung kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ

Ảnh minh họa.

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định bổ sung dự toán năm 2016 số tiền 199,009 tỷ đồng cho các Bộ, ngành, cơ quan từ nguồn chi sự nghiệp khoa học và công nghệ thuộc ngân sách trung ương năm 2016 để thực hiện các đề tài, dự án, nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

Việc quản lý, sử dụng số kinh phí được bổ sung trên thực hiện theo quy định hiện hành.

Bộ Tài chính chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu báo cáo; thông báo cụ thể số kinh phí bổ sung cho các Bộ, ngành, cơ quan theo quy định.

Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm hướng dẫn đơn vị quản lý và sử dụng số kinh phí được bổ sung theo đúng quy định, bảo đảm hiệu quả, thiết thực.

9 - Thủ tướng yêu cầu có ngay thông tin chính thức về chất lượng nước mắm

Ảnh minh họa.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế để có ngay thông tin chính thức, công khai, rõ ràng, đầy đủ tới nhân dân về loại và hàm lượng Asen an toàn trong sản phẩm nước mắm cũng như các thông tin cần thiết khác liên quan, tránh gây hoang mang trong dư luận.

Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét cụ thể việc chấp hành các quy định pháp luật trong quá trình đưa thông tin trên báo chí của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS), xử lý nghiêm các sai phạm (nếu có).

Bộ Thông tin và Truyền thông kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật về hoạt động báo chí đối với trường hợp nêu trên. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan báo cáo kết quả xử lý trước ngày 10/11/2016.

10 - Trường hợp đình chỉ, thu hồi GCN hoạt động giáo dục nghề nghiệp

Ảnh minh họa.

Cụ thể, Nghị định quy định cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp vi phạm một trong những trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 20 của Luật giáo dục nghề nghiệp thì cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp sẽ tổ chức kiểm tra để đánh giá mức độ vi phạm.

Căn cứ mức độ vi phạm của cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp quyết định đình chỉ hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Quyết định đình chỉ hoạt động giáo dục nghề nghiệp phải xác định rõ lý do đình chỉ, thời hạn đình chỉ, biện pháp bảo đảm lợi ích hợp pháp của người học, giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý, nhân viên và người lao động. Quyết định đình chỉ hoạt động giáo dục nghề nghiệp được thông báo đến cơ quan liên quan biết để phối hợp thực hiện và được công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.

Thái Bình

 (Tổng hợp)