(Baonghean.vn) - Đầu tư 21 chương trình mục tiêu giai đoạn 2016-2020; Thủ tướng đi công tác địa phương, các tỉnh tham gia không quá 3 xe ô tô; Triển khai bồi thường thiệt hại sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung;Khẩn trương kiểm tra việc sử dụng quỹ khám chữa bệnh BHYT; Phòng, chống oan, sai trong hoạt động tố tụng hình sự;... là những chỉ đạo, điều hành nổi bật tuần qua của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
1- Đầu tư 21 Chương trình mục tiêu giai đoạn 2016-2020
Chính phủ vừa ra Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư 21 Chương trình mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020.
Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ 3 Chương trình; Bộ Y tế 2 Chương trình; Bộ Công an 1 chương trình; Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì 4 Chương trình; Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì 1 chương trình; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội 2 chương trình; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch 2 chương trình; Bộ Tài nguyên và Môi trường 2 chương trình; Bộ Công Thương 1 chương trình; Bộ Thông tin và Truyền thông 1 chương trình.
Đối với Chương trình mục tiêu Biển Đông - Hải đảo bảo đảm cho lĩnh vực Quốc phòng an ninh trên biển và hải đảo giai đoạn 2016 - 2020, Chính phủ yêu cầu thực hiện theo Quyết định số 610/QĐ-TTg ngày 08/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
2 - Thủ tướng đi công tác địa phương, các tỉnh tham gia không quá 3 xe ô tô
Theo đó, lãnh đạo các tỉnh, thành phố không tổ chức đón đoàn trên đường đi, chỉ tổ chức đón tại địa điểm đến công tác, trừ lực lượng công an dẫn đường. Thành phần tham gia đoàn của tỉnh, thành phố đi không quá 03 xe ô tô, bao gồm xe chung của đồng chí Bí thư, Chủ tịch và xe chung của các Sở, cơ quan, thành phần khác theo yêu cầu.
Đối với các Bộ, Bộ trưởng đi xe riêng, Thứ trưởng và thành phần khác đi xe chung do Văn phòng Chính phủ (Cục Quản trị hoặc Cục Hành chính - Quản trị II) chủ trì bố trí.Khi đoàn đến thăm, khảo sát các địa điểm, thành phần tham gia đoàn gồm lãnh đạo các tỉnh, thành phố, lãnh đạo các Bộ và Văn phòng Chính phủ. Các xe chở các thành phần khác không đi cùng đoàn, phải đi trước và về sau. Khi đoàn đi thăm đối tượng chính sách, thành phần tham gia gồm: Đại diện lãnh đạo tỉnh, thành phố, lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Văn phòng Chính phủ.
3- Triển khai bồi thường thiệt hại sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luậncủa Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tại cuộc họp về tiến độ triển khai công tác xác định, bồi thường thiệt hại sự cố môi trường biển do Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa gây ra.
Thông báo nêu rõ, Phó Thủ tướng đồng ý bổ sung các đối tượng gián tiếp bị thiệt hại là chủ tàu và người lao động làm thuê trên tàu cá lắp máy công suất từ 90CV trở lên; chủ các cơ sở và người lao động làm thuê tại cơ sở (thu mua) tạm trữ thủy sản có kho đông, kho lạnh, cơ sở chế biến nước mắm, làm mắm tôm, các cơ sở nuôi trồng thủy sản phải tạm dừng sản xuất do nguồn nước biển bị ô nhiễm tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế...
4- Khẩn trương kiểm tra việc sử dụng quỹ khám chữa bệnh BHYT
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam khẩn trương thực hiện rà soát, thanh tra, kiểm tra việc sử dụng quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT).
Thời gian vừa qua, các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin, bài phản ánh việc trục lợi quỹ BHYT tại một số tỉnh, thành phố dẫn đến tình trạng có nguy cơ bội chi quỹ khám chữa bệnh BHYT trong năm 2016.
Về việc này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam khẩn trương thực hiện rà soát, thanh tra, kiểm tra việc sử dụng quỹ khám chữa bệnh BHYT, kịp thời xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng, trục lợi nhằm sử dụng hiệu quả quỹ khám, chữa bệnh BHYT bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia BHYT.
5- Cải cách toàn diện kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu
Văn phòng Chính phủ có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc kiểm tra việc thực hiện công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu theo Nghị quyết 19-2016/NQ-CP của Chính phủ tại Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh.
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ quản lý hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải cách toàn diện công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
6- Phòng, chống oan, sai trong hoạt động tố tụng hình sự
Chương trình nhằm thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, yêu cầu đề ra trong Nghị quyết số 96/2015/QH13: Chấp hành nghiêm pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự. Không bỏ lọt tội phạm, không để xảy ra oan, sai. Khi xác định đã có oan, sai phải kịp thời minh oan cho người bị oan, bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định pháp luật. Chủ động, tích cực điều tra, khám phá kịp thời các loại tội phạm...
7- Tăng cường xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng đất
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Đề án tăng cường xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai giai đoạn đến 2020”. Đề án được triển khai thực hiện trên phạm vi cả nước từ tháng 1/2016 đến tháng 12/2020.
Mục tiêu tổng quát của Đề án là thực hiện đồng bộ các giải pháp để khắc phục khó khăn, vướng mắc, hạn chế hiện nay nhằm tăng cường phát hiện và xử lý dứt điểm các vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai nhằm chấn chỉnh, tăng cường quản lý nhà nước về đất đai; góp phần nâng cao hiệu lực pháp luật đất đai, ngăn chặn, hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật đất đai trên phạm vi cả nước.
8- Bố trí Phó Giám đốc Sở đảm bảo đúng quy định
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu UBND tỉnh Thanh Hóa rút kinh nghiệm và sắp xếp, bố trí nhân sự Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bảo đảm đúng quy định của pháp luật.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu UBND tỉnh Thanh Hóa rà soát và có giải pháp để bảo đảm thực hiện nghiêm quy định về số lượng cấp phó các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện, các cơ quan hành chính khác và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nội vụ kiểm tra việc bổ nhiệm Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời rà soát, báo cáo tổng hợp số lượng cấp phó của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện trên cả nước, kiến nghị giải pháp bảo đảm chấp hành các quy định về số lượng cấp phó.
9- Xử lý ngay vướng mắc, tạo mọi thuận lợi cho phát triển du lịch
Theo đó, để thực hiện mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển bền vững và đóng góp xứng đáng vào sự phát triển kinh tế - xã hội và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương đổi mới tư duy phát triển du lịch; quán triệt và tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch; lồng ghép phát triển du lịch trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Khai thác tốt tiềm năng du lịch, không chỉ các danh lam thắng cảnh, các địa danh, giá trị văn hóa, lịch sử mà cả tiềm năng du lịch trong cộng đồng và mỗi người dân, gắn với giữ gìn truyền thống, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
10 - Nâng công suất nhà ga Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất
Hệ thống nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất được nâng công suất đạt khoảng 40-50 triệu hành khách/năm trong giai đoạn từ nay đến năm 2025.
Do sự tăng trưởng nhanh của ngành hàng không trong thời gian qua, hiện nay Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã quá tải, thiếu cả đường lăn, sân đỗ và nhà ga, dẫn đến nhiều chuyến bay phải bay chờ, gây thiệt hại lớn về kinh tế và đe dọa an ninh, an toàn hàng không. Để giải quyết tình thế trong thời gian Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang chuẩn bị được triển khai đầu tư (nhanh nhất đến năm 2025 mới có thể hoàn thành), việc nâng cao năng lực khai thác Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất là giải pháp hiệu quả nhất và cần thiết trong giai đoạn trước mắt.
Thái Bình
(Tổng hợp)