(Baonghean.vn) - Đảm bảo ATGT Lễ Quốc khánh 2/9 và khai giảng năm học mới; Không xem xét điều chỉnh tuổi của đảng viên; Tai biến tiêm chủng được bồi thường; Quy định về kê khai, thu, nộp phí, lệ phí;... là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 22-26/8/2016.
1 - Đảm bảo ATGT ngày lễ Quốc khánh 2/9 và khai giảng năm học mới
Tại Công điện 1502/QĐ-TTg về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong thời gian Lễ Quốc khánh 2/9 và khai giảng năm học mới 2016 - 2017, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan: Công an, Quốc phòng, Giao thông vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung triển khai tổ chức, điều tiết giao thông hợp lý, bố trí đầy đủ lực lượng, phương tiện, kịp thời giải quyết các sự cố, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài, đặc biệt là tuyến cửa ngõ ra vào thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, nhất là những vi phạm về tốc độ, nồng độ cồn, đi sai phần đường, làn đường, chở hành khách, hàng hoá quá tải trọng quy định, sử dụng phương tiện quá niên hạn, quá thời gian kiểm định...
2- Không xem xét điều chỉnh tuổi của đảng viên
Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc xác định tuổi của đảng viên.
Căn cứ ý kiến kết luận của Ban Bí thư tại Thông báo số 13-TB/TW ngày 17/8/2016 về việc xác định tuổi của đảng viên, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kể từ ngày 18/8/2016, không xem xét điều chỉnh tuổi của đảng viên mà thống nhất xác định tuổi của đảng viên theo tuổi khai trong hồ sơ Lý lịch đảng viên (hồ sơ gốc) khi được kết nạp vào Đảng.
Đây là căn cứ, cơ sở để các cấp ủy, tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét khi quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; bố trí, sử dụng và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ là đảng viên.
3- Hoàn thiện cơ chế giám sát dự án được Chính phủ bảo lãnh
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường thực hiện kiểm tra, giám sát việc quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay; tiếp tục hoàn thiện cơ chế giám sát, thông tin, báo cáo đối với các dự án được Chính phủ bảo lãnh. Định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ các dự án bảo lãnh kém hiệu quả, nguyên nhân, trách nhiệm cụ thể.
Trước hết, Thủ tướng yêu cầu hạn chế việc cho vay ứng vốn từ Quỹ tích lũy trả nợ nếu doanh nghiệp vẫn còn có thể huy động từ các nguồn vốn khác. Các doanh nghiệp phải nỗ lực tự thu xếp nguồn vốn đảm bảo nghĩa vụ trả nợ, đàm phán với bên cho vay để tái cơ cấu khoản vay.
Trong năm 2016, xem xét kỹ các dự án ngay từ giai đoạn phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh để hạn chế dần bảo lãnh Chính phủ. Từ năm 2017, tạm dừng phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh cho các dự án mới để đảm bảo an toàn nợ công. Trường hợp đặc biệt cấp thiết, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định cấp bảo lãnh Chính phủ đối với từng trường hợp cụ thể.
4- Xem xét việc khởi tố vụ giả giấy tờ kiểm định sản phẩm thủy sản
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình giao Bộ Công an chỉ đạo đơn vị chức năng của Bộ kiểm tra, đánh giá các tài liệu, chứng cứ về vụ việc vi phạm pháp luật tại Trung tâm khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản, nếu có dấu hiệu tội phạm thì quyết định khởi tố, điều tra để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Báo cáo Thủ tướng trước ngày 30.9.2016 về việc xác định có căn cứ khởi tố hoặc không có căn cứ khởi tố.
5- Tập trung CCHC đồng bộ, xây dựng cơ quan hành chính phục vụ
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cán bộ, công chức trong bộ máy công quyền phải nhận thức và thể hiện vai trò là “công bộc” của dân, tận tụy phục vụ nhân dân, không gây phiền hà, nhũng nhiều, nhất là trong giải quyết thủ tục hành chính. Khẩn trương xây dựng Chính phủ điện tử, bảo đảm sự chỉ đạo, quản lý thông suốt của người đứng đầu cơ quan nhà nước các cấp đối với quá trình xử lý công việc, làm cơ sở đánh giá hoạt động công vụ và mức độ hài lòng của người dân.
Kiên quyết thay đổi từ tư duy quan liêu, mệnh lệnh sang tư duy phục vụ, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo đánh giá hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ xây dựng chương trình hành động cụ thể, nâng cao hiệu quả hoạt động, đổi mới cách làm, đề xuất nhân rộng các mô hình cải cách thành công; chú trọng kiểm tra, đôn đốc công tác cải cách hành chính.
Nghị định 120/2016/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phí và lệ phí quy định về kê khai, thu, nộp phí, lệ phí; quản lý, sử dụng phí; quyết toán phí, lệ phí; trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức trong việc thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí. Nghị định quy định, số tiền phí được khấu trừ hoặc để lại = Số tiền phí thu được x Tỷ lệ để lại.
Tỷ lệ để lại (%) = Dự toán cả năm về chi phí cần thiết cho các hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí/Dự toán cả năm về phí thu được x 100%. Trong đó:
- Dự toán cả năm về chi phí cần thiết cho các hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí được xây dựng căn cứ nội dung chi trên và căn cứ chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi theo quy định.
- Dự toán cả năm về phí thu được do tổ chức thu thực hiện được xây dựng căn cứ mức phí dự kiến và số lượng dịch vụ cung cấp trong năm; - Trường hợp điều chỉnh mức tỷ lệ để lại, dự toán thu, chi còn căn cứ số liệu thu, chi của năm trước liền kề; - Tỷ lệ để lại tối đa không quá 100%.
7- Tai biến tiêm chủng được bồi thường
Nghị định 104/2016/NĐ-CP quy định khi sử dụng vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng chống dịch nếu xảy ra tai biến nặng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe hoặc gây thiệt hại đến tính mạng của người được tiêm chủng, Nhà nước có trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại.
Trường hợp người được tiêm chủng được Nhà nước bồi thường là người lao động theo quy định của pháp luật về lao động thì được hỗ trợ thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút trong thời gian cứu chữa. Mức hỗ trợ tương tự như mức hỗ trợ cho người chăm sóc được quy định ở trên.
Cơ sở y tế nơi xảy ra tai biến nặng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe hoặc gây thiệt hại đến tính mạng của người được tiêm chủng phải chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, tài liệu có liên quan nhằm phục vụ cho Hội đồng tư vấn chuyên môn tỉnh xác định các trường hợp được bồi thường.
8- Kiện toàn Ban chỉ đạo Trung ương thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Theo Quyết định, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương là Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. Các Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương gồm: Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Huỳnh Văn Tí (Phó Trưởng Ban thường trực); Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam.
Ban Chỉ đạo Trung ương có nhiệm vụ tham mưu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về phương hướng, cơ chế, chính sách và các giải pháp thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”; tổ chức, điều phối hoạt động giữa các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan và các địa phương trong việc triển khai thực hiện chính sách, chương trình, kế hoạch và các hoạt động của Đề án. Trong trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.
9 - Lập Ban chỉ đạo về giải pháp ổn định đời sống nhân dân bị ảnh hưởng sự cố môi trường
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định thành lập Ban chỉ đạo về các giải pháp để ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh cho nhân dân 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng sự cố môi trường gồm 19 thành viên do Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình làm Trưởng ban.
Thành viên Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ chủ động đề xuất về các vấn đề liên quan đến việc xây dựng, thực hiện các giải pháp ổn định đời sống. Căn cứ chức năng, thẩm quyền của mình, chủ động triển khai thực hiện các giải pháp ổn định đời sống được cơ quan có thẩm quyền ban hành. Đồng thời, tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các giải pháp ổn định đời sống theo chức năng, nhiệm vụ của mình.
Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm và tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo.
10- Chính sách phát triển bền vững rừng ven biển
Theo Nghị định 119/2016/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu, ngân sách trung ương bảo đảm kinh phí sự nghiệp kinh tế cho khoán bảo vệ rừng và khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên rừng ven biển.
Cụ thể, mức kinh phí hỗ trợ khoán bảo vệ rừng ven biển tối đa bằng 1,5 lần so với mức bình quân khoán bảo vệ rừng phòng hộ theo quy định hiện hành; mức kinh phí khoanh nuôi tái sinh tự nhiên 4 triệu đồng/hécta trong thời gian 5 năm (bình quân 800.000 đồng/hécta/năm); kinh phí lập hồ sơ khoán bảo vệ rừng và khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên 50.000 đồng/hécta, chỉ thực hiện năm đầu tiên đối với diện tích mới khoán.
Thái Bình (Tổng hợp)