(Baonghean) - Thuốc là một mặt hàng đặc biệt, phục vụ trực tiếp cho sức khoẻ và tính mạng con người nên việc kinh doanh thuốc cũng phải đáp ứng đủ những điều kiện đặc thù. Những năm qua, trên địa bàn tỉnh ta, hoạt động buôn bán thuốc đã và đang phát triển nhanh chóng về số lượng lẫn quy mô dịch vụ, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh những đơn vị kinh doanh tốt thì vẫn còn đó những công ty, doanh nghiệp vi phạm pháp luật…

Từ quầy, đại lý, nhà thuốc


Nghệ An là một trong những địa phương có số lượng cơ sở hành nghề dược tư nhân cao của cả nước. Theo thống kê của Sở Y tế Nghệ An, hiện nay toàn tỉnh có 1524 cơ sở hành nghề y, dược tư nhân, trong đó có 1.159 cơ sở hành nghề dược (62 công ty và chi nhánh dược, 167 nhà thuốc và 930 cơ sở thuộc loại hình khác). Tuy nhiên cũng phải nói rằng “đông không phải là mạnh”. Bởi thực tế, ở tỉnh ta, thời gian qua, tình trạng các nhà thuốc thuê mượn bằng, chứng chỉ hành nghề vẫn đang tồn tại.

Bên cạnh đó,  còn rất nhiều quầy, đại lý, nhà thuốc không đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định về nhà thuốc thực hành tốt (chủ nhà thuốc phải có chứng chỉ hành nghề dược và phải có mặt tại cửa hàng trong thời gian hoạt động. Một số loại thuốc theo quy định phải bán theo toa của bác sĩ. Nhân viên trực tiếp bán thuốc phải có bằng chuyên môn dược. Khu vực bán thuốc có diện tích tối thiểu là 10m2, có chỗ rửa tay cho người bán và người mua, có đủ thiết bị để bảo quản thuốc tránh các ảnh hưởng bất lợi của ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm, sự ô nhiễm, sự xâm nhập của côn trùng. Đối với trường hợp thuốc bán lẻ không đựng trong bao bì thì phải ghi rõ: tên thuốc, dạng bào chế, nồng độ, hàm lượng thuốc; trường hợp không có đơn thuốc đi kèm phải ghi thêm liều dùng, số lần dùng và cách dùng…). Chính vì vậy, công tác thanh, kiểm tra đã và đang được các cơ quan chức năng thực hiện thường xuyên.

801793_small_104019.jpg

Kiểm tra cơ sở kinh doanh thuốc chữa bệnh ở đường Phong Định Cảng (TP. Vinh).  Ảnh: Từ Thành

Ví như trong đợt kiểm tra về hành nghề y - dược tư nhân vào cuối năm 2012, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đã phát hiện nhiều quầy, đại lý, nhà thuốc sai phạm trên địa bàn huyện Thanh Chương. Các sai phạm chủ yếu là quầy thuốc, nhà thuốc không đủ điều kiện về diện tích, cơ sở vật chất; không phân loại bảo quản thuốc theo nhóm, không có sổ theo dõi các loại thuốc, vệ sinh kém, thực phẩm chức năng để lẫn lộn các sản phẩm dược, thực hiện việc niêm yết giá thuốc không đầy đủ, chưa thực hiện niêm yết giá trên đơn vị sản phẩm và không đủ điều kiện hành nghề….

Đợt kiểm tra này đã phát hiện những sai phạm Điển hình ở 2 đại lý thuốc Công ty Dược Thành An: đại lý ở khu vực chợ Rộ, xã Võ Liệt do bà Nguyễn Thị Nga đứng bán, vi phạm về diện tích, bảo quản và không xuất trình được chứng chỉ hành nghề dược, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc (Vi phạm Điều 9, 12, 13, 25 Luật Dược); đại lý do chị Nguyễn Thị Thúy đứng bán ở ngay trên Đường mòn Hồ Chí Minh, xã Thanh Thủy, ngoài các vi phạm về cơ sở vật chất thì bản thân chị Thúy chỉ mới vừa tốt nghiệp Trung cấp y dược chưa được 1 năm (Vi phạm Điều 13 Luật Dược, quy định người bán đã qua thực hành 2 năm tại cơ sở dược hợp pháp).

Đoàn liên ngành đã lập biên bản và yêu cầu ngành y tế, địa phương xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm… Những tưởng các quầy, đại lý thuốc vi phạm nghiêm trọng nói trên sẽ bị “đóng cửa” như Luật quy định. Nhưng  sau hơn nửa năm quay lại, các quầy thuốc nói trên vẫn hoạt động bình thường như chưa có gì xảy ra.

Trao đổi vấn đề này với ông Nguyễn Viết Kiên, Trưởng phòng Y tế huyện Thanh Chương thì được biết: Đối với đại lý do bà Nguyễn Thị Nga đứng bán, đoàn kiểm tra của huyện đã lập biên bản và yêu cầu đóng cửa tạm thời để khắc phục và yêu cầu xã Võ Liệt giám sát, thực hiện. Tuy nhiên xã còn buông lỏng. Đối với đại lý do chị Nguyễn Thị Thúy đứng bán thì huyện không thể xử lý bởi Sở Y tế đã cấp chứng chỉ hành nghề dược, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc cho bản thân chị này từ trước đó (trong khi chị Thúy chưa đủ điều kiện để cấp chứng chỉ hành nghề dược)…

Cũng theo ông Kiên, trong năm 2013, huyện Thanh Chương đã xây dựng, thực hiện kế hoạch 660 yêu cầu các xã cùng vào cuộc kiểm tra với đoàn của huyện. Qua 2 đợt kiểm tra, đã rà soát 173 cơ sở hành nghề y dược (riêng cơ sở dược là trên 120), trong đó có 153 cơ sở có giấy phép và phát hiện 18 cơ sở không giấy phép. Huyện đặt ra mục tiêu trong năm sẽ xóa hết các cơ sở không giấy phép bằng biện pháp kiểm tra, tuyên truyền chứ chưa xử phạt.

Ông Kiên cũng nêu lên cái khó của việc quản lý hoạt động kinh doanh dược trên địa bàn là: “Phòng y tế hiện có 2 người nhưng chỉ 1 người có chuyên môn để kiểm tra; xuất hiện hiện tượng đoàn kiểm tra đi đến đâu thì quầy, đại lý thuốc đã biết trước để đóng cửa; rất dễ để bắt phạt các đại lý công ty dược nhưng người bán lại là con em địa phương, còn chủ công ty dược, người đại diện đứng tên thì rất khó có thể liên lạc chứ chưa nói đến chuyện xử lý”…

Theo tìm hiểu của phóng viên: Không riêng gì ở huyện Thanh Chương mà rất nhiều địa phương trong tỉnh, câu chuyện nhà thuốc GPP (Good Pharmacy Practices, nghĩa là nhà thuốc thực hành tốt, có đủ tiêu chuẩn hoạt động) vẫn còn quá xa vời; hiện tượng các công ty dược mở đại lý không đủ tiêu chuẩn là rất phổ biết. Bằng chứng là kết quả đợt kiểm tra đầu năm 2013 của ngành y tế: kiểm tra 57 cơ sở hành nghề dược bất kỳ thì chỉ có chưa đến 20 cơ sở chấp hành đúng các quy định của Luật Dược. Phần đa các cơ sở vi phạm đều là đại lý các công ty dược.

Đến phòng khám “lưu động” của các công ty

Nếu chiến lược kinh doanh, mở rộng địa bàn của các hãng, công ty, doanh nghiệp dược hiện nay là thuê người dân địa phương chưa đạt yêu cầu kỹ năng trình độ rồi hợp lý hóa bằng cấp, chứng chỉ giấy phép cho họ để làm đại lý không đạt chuẩn, gây nguy hiểm đến sức khỏe cộng đồng; thì chiến lược các công ty buôn bán, thực phẩm chức năng, máy móc là “giấu trời qua biển” để lừa tiền người dân.

Cũng tại huyện Thanh Chương, tháng 3/2013, Công ty Cổ phần Dược phẩm Quốc tế Thăng Long đến phòng Y tế huyện xin tổ chức hội thảo giới thiệu sản phẩm và xuất trình 2 loại giấy tờ của Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm tỉnh và của Sở Y tế Nghệ An. Phòng Y tế huyện đã có công văn đồng ý cho giới thiệu sản phẩm thực phẩm chức năng tại xã, thị trấn. Có “bảo bối” này trong tay, Công ty Cổ phần Dược phẩm Quốc tế Thăng Long về các xã “chơi chiêu” nói một đường làm một nẻo - không tổ chức hội thảo giới thiệu sản phẩm mà tổ chức khám, chữa bệnh miễn phí. Ai mua thực phẩm chức năng (lúc này đã được quảng cáo sai sự thật nói quá lên như một loại thần dược) thì mới được bác sỹ siêu âm và chuẩn đoán bệnh miễn phí cho. Và tất nhiên giá “thần dược” thực phẩm chức năng được đẩy lên cao chót vót (theo tìm hiểu, mỗi người dân tiêu tốn gần 1 triệu đồng).

Trong 35 ngày (13/3-18/4/2013), Công ty Cổ phần Dược phẩm Quốc tế Thăng Long đã quét qua 10 xã. Dẫu các trạm y tế đều biết công ty này đã vi phạm Luật Dược và Luật Khám và Chữa bệnh nhưng không có trạm nào báo cáo lên trên, chỉ khi về đến xã Hạnh Lâm mới bị nhân dân tố giác. Phòng Y tế đã yêu cầu đình chỉ hoạt động và được Công ty Cổ phần Dược phẩm Quốc tế Thăng Long chấp nhận nên không phát văn bản ?!

Đã không ít người dân trong tỉnh mắc lừa các công ty bán thực phẩm chức năng và công ty bán máy tập sức khỏe, khử độc. Bà Nguyễn Thị Loan, phường Huy Tập, Thành phố Vinh cho biết: “Thì tôi cũng nghe loa của khối giới thiệu có đoàn y bác sĩ trung ương về khám, tư vấn sức khỏe nên đi. Đến nơi nghe họ nói chuyện, siêu âm, khám và giới thiệu thuốc, máy chữa bệnh tốt cho sức khỏe nên mua. Thuốc uống vào bệnh chẳng đỡ, máy ôzôn hay mát xa cũng chẳng thấy hiệu quả gì. Khối tôi đón 3-4 đoàn như vậy rồi, cũng lỡ dại mất 5-6 triệu đồng. Nhưng biết răng được, có bệnh thì vái tứ phương”… Trao đổi về những sai phạm đang diễn ra phổ biến nói trên, ông Lê Hồng Lĩnh, Trưởng phòng Quản lý hành nghề dược Sở Y tế tỉnh Nghệ An cho biết một cách chung chung: “Công tác quản lý nhà nước về hành nghề y, dược tư nhân đang gặp không ít khó khăn - đặc biệt là đội ngũ làm công tác thanh tra chuyên ngành còn mỏng nên chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.

Mặt khác, sự phối hợp giữa các ngành, các cấp, chính quyền địa phương chưa chặt chẽ, công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực dược có lúc còn chồng chéo, nhiều ngành cùng kiểm tra, thanh tra (Y tế, Công Thương...), vai trò tham mưu của phòng y tế và công tác quản lý hành nghề y, dược ở các địa phương chưa thường xuyên, quyết liệt, còn lỏng lẻo, nhiều quy định trong xử phạt vi phạm hành chính không áp dụng được, nhất là đối với các cơ sở nhỏ lẻ”. Còn ông Hồ Sơn, Chánh Thanh tra Sở Y tế tỉnh Nghệ An thì cho rằng: Sau khi có chỉ thị chấn chỉnh của Tỉnh ủy về quản lý hoạt động hành nghề y dược tư nhân, từ đầu năm đến nay ngành y tế tỉnh mới chỉ đạo cho các phòng y tế cấp huyện tiến hành thanh kiểm tra, còn Sở Y tế vẫn chưa tổ chức được đợt thanh kiểm tra nào. Từ nay đến cuối năm ngành sẽ tổ chức một đợt kiểm tra liên ngành để rà soát, chấn chỉnh các sai phạm.

Rõ ràng trách nhiệm chính để xảy ra tình trạng các công ty dược vi phạm pháp luật, công ty bán thực phẩm chức năng và máy móc lừa người dân thuộc về các cơ quan y tế. Để chấm dứt tình trạng này, thiết nghĩ, ngành y tế cần coi trọng công tác kiểm tra đi đôi với cấp phép. Sau thanh kiểm tra thì cần rút kinh nghiệm, xử lý thật nghiêm đối với các cơ sở, đơn vị vi phạm để răn đe, tránh tình trạng nể nang, giơ cao đánh khẽ. Các địa phương cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình đối với việc tham gia quản lý hoạt động kinh doanh dược, buôn bán thuốc theo sự phân cấp quản lý. Nếu các địa phương không vào cuộc tích cực, sâu sát thì chắc chắn không thể kiểm soát hết được các cơ sở kinh doanh dược tư nhân. Và về phía người dân, rất cần sự nêu cao tinh thần tố giác các sai phạm bởi nếu không, hậu quả cuối cùng phải gánh chịu vẫn là người dân.


Thiền Thanh