(Baonghean.vn) - Ở một số quốc gia, hội phụ huynh phát triển thành tổ chức quy mô toàn quốc, đóng góp lớn cho nền giáo dục. Mục đích chính của hội phụ huynh ở các nước là tạo diễn đàn trao đổi những vấn đề bức thiết, kết nối gia đình và trường học. Tiền quỹ thường được quyên góp thông qua các sự kiện và chi cho những khoản cần thiết. 

1. Nhật Bản

image_8055023.jpgHoạt động ở một trường mầm non của Nhật Bản có sự tham gia của hội phụ huynh.

Hội phụ huynh ở Nhật Bản sinh ra là để các phụ huynh giúp đỡ lẫn nhau trong việc chăm sóc con cái. Hội phụ huynh chỉ kêu gọi đóng góp khoản quỹ 300 yên, tương đương 60 nghìn đồng. Số tiền này được chi cho việc in ấn các thông báo.

Hội phụ huynh ở Nhật là những người giám sát, hỗ trợ các con đi học, vì ở Nhật học sinh phải tự đi đến trường. Ngoài ra, hội phụ huynh hỗ trợ nhà trường tổ chức các hoạt động cho các con, như hội thể thao, hội chợ bán đồ cũ, và quyên góp tiền từ đó; kết hợp với nhà trường tổ chức các buổi học mở và có thể vào lớp con để dự giờ.

2. Áo

Học sinh Áo. Ảnh minh họa

Hội phụ huynh ở nước Áo giống như hội phụ huynh của Việt Nam ngày xưa (những năm 80 của thế kỷ trước). Đầu năm học đều có một buổi họp phụ huynh và chỉ có lần họp duy nhất này. Trong buổi họp này cũng bầu ra ban đại diện phụ huynh, còn sau đó mọi liên lạc đều là qua email, điện thoại. Tiền đóng cũng là các cháu cầm đến đưa cho con của ban đại diện (phong bì dán kín, ghi tên). 

Ban phụ huynh ở đây có thu một số khoản tiền nhưng đều là hỏi ý kiến thông qua dân chủ (giơ tay biểu quyết) trong đó nêu rõ mục đích thu, dự định chi tiêu khoản tiền.

Thường thì số tiền không nhiều lắm, do cơ sở vật chất ở Áo đều rất tốt, nên không bao giờ phải thu tiền để ủng hộ trường nâng cấp. Nếu vật dụng nào trong lớp, trong trường hỏng thì họ chỉ thúc ép hiệu trưởng hay phòng giáo dục sửa chứ không có chuyện bàn góp công góp của để sửa.

3. Pháp

Hoạt động gây quỹ trong lễ bế giảng của trường tiểu học ở tây nam nước Pháp - phụ huynh ngồi vẽ mặt cho các cháu với giá 50 cents/mặt.

Ở Pháp ban đại diện phụ huynh được quy định bởi luật của Bộ Giáo dục, ở nhiều cấp bậc khác nhau: lớp học, trường học, tỉnh, quốc gia. Thậm chí ở Pháp còn có những Liên đoàn phụ huynh học sinh rất lớn, hoạt động có uy tín và được nhà nước công nhận. Ví dụ như hội PEEP được thành lập từ năm 1926, hoạt động nhằm nâng cao, cải tiến chất lượng giáo dục tại các trường học trên khắp nước Pháp.

Nhiệm vụ của Hội phụ huynh là đại diện cho tiếng nói của phụ huynh, ví dụ như họ nhận thấy điều gì không hài lòng thì họ đại diện cho phụ huynh phản ảnh tới nhà trường, tới thanh tra giáo dục. Ngoài ra họ cũng hỗ trợ nhà trường nâng cao chất lượng trường học, ví dụ như gây quỹ, xin tài trợ cho các hoạt động ngoại khoá ở trường, cùng nhà trường tổ chức các hoạt động học tập cho học sinh.

Về việc đóng góp, hằng năm, vào đầu năm họclà tuỳ tâm, bố mẹ bỏ tiền vào phong bì, dán kín, viết tên con ở ngoài rồi đề gửi tới Hội phụ huynh, cô giáo lớp con sẽ chuyển dùm.

Ngoài ra, trong năm học, hội phụ huynh thường tổ chức gây quỹ bằng cách tổ chức tiệc trà sau buổi học, vào các ngày như Halloween, Ngày của mẹ, Ngày của bố, Valentine, Noel... Tại những buổi tiệc này, bố mẹ đóng góp bánh kẹo, đồ uống, và bán với giá "tuỳ tâm", tức là ai muốn ăn thì bỏ xu vào, 10 cents, 20 cents, 1 euros bao nhiêu cũng được.

Số tiền này, cùng với tiền tài trợ mà nhà trường và hội phụ huynh xin được từ các tổ chức, doanh nghiệp khác, được dùng để tổ chức các hoạt động ngoại khoá cho học sinh. Ví dụ cho học sinh đi vườn thú, bảo tàng, rạp chiếu phim, học chèo thuyền, đi xem nhạc kịch, hoặc mời các đoàn biểu diễn chuyên nghiệp về diễn ở trường... Buổi lễ bế giảng cuối năm cũng được tổ chức theo hình thức tương tự nhưng quy mô to hơn.

4. Úc

Ngoài học phí và tiền đồng phục, phụ huynh ở Australia chỉ phải chi tiền cho các chuyến dã ngoại của con. Ảnh minh họa: Weekend Notes

Vì trường ở Úc không có nhiều học sinh, cả trường chỉ khoảng 300 em nên ban phụ huynh lập theo dạng cả trường một ban. Ban này hoạt động rất nhiệt tình, hầu như tuần nào cũng có mặt ở trường để giúp thêm các hoạt động ngoại khoá. Ngoài ra, ban phụ huynh cũng giúp trường gây quỹ khá nhiều, từ kêu gọi đóng tiền trực tiếp đến tổ chức hội chợ, bán hàng ăn vặt hàng tuần vào chiều thứ 6.

Hai tuần một lần vào thứ 7, ban phụ huynh cùng nhà trường tổ chức Farmer's market (chợ quê) để gây quỹ cho trường. Hoạt động này được tổ chức tại sân trường, nơi các bác nông dân mang sản phẩm của nông trại nhà mình đến bán. Phụ huynh trường cũng có một quầy bán đồ ăn nhanh như bánh mì kẹp xúc xích để gây quỹ.

Các khoản gây quỹ cũng được trích ra để xây dựng cơ sở vật chất cho trường, nhưng không nhiều vì trường công ở đây cũng được nhà nước đầu tư khá rồi, chỉ mua thêm ghế đá để ở sân trường hay mua thêm phương tiện để ở sân chơi, chủ yếu mua sách cho thư viện trường.

5. Anh quốc

Cách các học sinh tiểu học gây quỹ ở một buổi hội chợ mùa hè Summer Fair tại Trường Tiểu học Milton Road (Cambridgeshire, Anh) với giá 50p/3 lần bắn cung trúng đích. Ban tổ chức hội chợ chính là do các cha mẹ trong PTA phối hợp với các thầy cô. Ảnh: Intermet

Tại Anh, nhiều trường học có hội phụ huynh và giáo viên (Parent Teacher Association - PTA), nhằm xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường. PTA được biết đến nhiều bởi hoạt động gây quỹ, giúp phụ huynh, nhân viên nhà trường và học sinh có cơ hội gần gũi nhau. 

Thực tế, tất cả phụ huynh và giáo viên đều tự động trở thành thành viên của PTA. Cuộc họp chung hàng năm được tổ chức vào tháng 9, đầu năm học. Tại đây, một ủy ban được lựa chọn để điều hành PTA - thường bao gồm một chủ tịch, một phó chủ tịch, một thủ quỹ, một thư ký và các ủy viên thường trực.

Ủy viên thường trực gồm ít nhất một hoặc hai phụ huynh từ mỗi lớp, được xem là đại diện của lớp đó. Công việc của họ là chuyển thông tin từ PTA cho các ông bố bà mẹ khác trong lớp của con mình. Các ủy ban PTA họp mỗi kỳ một lần và thành lập nhiều nhóm nhỏ để tổ chức nhiều sự kiện. Các ý tưởng mới được phát triển liên tục, tạo cơ hội gây quỹ. 

Mỗi học kỳ thường có một sự kiện chính, chẳng hạn hội chợ Giáng sinh vào mùa đông, cuộc thi giải đố vào mùa xuân và một hội chợ vào mùa hè. Các sự kiện khác thường là ngày giảm giá đồng phục trường học, tiệc khiêu vũ, xem bắn pháo hoa… 

Quỹ của PTA có mục đích cung cấp những thứ không được chi bởi quỹ trường, khiến môi trường học tập trở nên thú vị. Ủy ban PTA và hiệu trưởng quyết định cách sử dụng số tiền hợp lý. Một số mặt hàng phổ biến là máy tính, thiết bị ở sân chơi, xe buýt mini, quà Giáng sinh để ông già Noel đi phân phát cho học sinh…

6. Mỹ

Các hoạt động ngoại khóa của trường học ở Mỹ đa số đều có hội phụ huynh tham gia hỗ trợ, vừa tiết kiệm chi phí vừa tạo sự gắn kết giữa gia đình với nhà trường . Ảnh: Internet

Ở Mỹ, Hội phụ huynh (PTA) đôi khi được coi là một nhóm gây quỹ, nhưng đây không phải là trách nhiệm chính. Ở những bang mà trường học phải đối mặt với nhiều hạn chế về ngân sách, cha mẹ trong PTA địa phương có thể gây quỹ để trang trải mọi thứ, từ trang thiết bị sân chơi đến tiền lương cho giáo viên âm nhạc ở tiểu học.

Tại các trường học được ủng hộ số tiền đáng kể, PTA có rất nhiều quyền hạn trong việc quyết định đầu tư vào chương trình nào. Lý tưởng nhất là PTA sẽ làm việc với hiệu trưởng và hội đồng trường học để quyết định chương trình có lợi nhất.

Các cuộc họp PTA thường là nơi thảo luận nhiều vấn đề giáo dục. Giáo viên có thể phổ biến với cộng đồng phụ huynh về chương trình đọc sách hoặc vấn đề kỷ luật. Nhiều chuyên gia sẽ góp ý cách xây dựng mối quan hệ tốt hơn với thanh thiếu niên hoặc chia sẻ sáng kiến cải cách trường học. Phụ huynh có thể nêu những lo ngại liên quan đến bài tập về nhà, đề xuất thay đổi chương trình giảng dạy.

Ở cấp trung học phổ thông, PTA có thể mở rộng thành PTSA (Hội phụ huynh – giáo viên – học sinh), nơi người lớn khuyến khích học sinh nêu quan điểm và tham gia vào quá trình đưa ra quyết định.

7. New Zealand

Ảnh minh họa

Các tổ chức phụ huynh riêng lẻ trên khắp cả nước thuộc Hiệp hội Giáo viên - Phụ huynh New Zealand (NZPTA). Đây là tổ chức tình nguyện phi lợi nhuận, trong đó nhiều người thuộc ban điều hành quốc gia cũng là tình nguyện viên trong PTA địa phương.

Thành viên trong ban điều hành NZPTA bao gồm chủ tịch, thư ký và thủ quỹ, được bầu tại đại hội thường niên, có sự tham gia của các đại biểu - thành viên của các trường. Ban điều hành họp mặt khi cần thiết trong năm.

Sự cần thiết có một tổ chức quy mô toàn quốc trở nên rõ ràng khi các liên đoàn dần tham gia nhiều hơn vào giáo dục cả nước, chứ không chỉ ở cấp địa phương. Do đó, năm 1951 Hiệp hội Giáo viên - Phụ huynh New Zealand được thành lập.

Trải qua hơn một thế kỷ, hội phụ huynh được mở rộng ở các cấp trong hệ thống giáo dục và được công nhận trên toàn quốc, đóng góp cho sự phát triển của học sinh. Phụ huynh là thành viên của NZPTA có cơ hội tham gia đại hội thường niên, truy cập tài nguyên miễn phí, được tư vấn và hỗ trợ khi có yêu cầu. Mỗi người đều có thể chia sẻ góc nhìn độc đáo, kinh nghiệm và các hoạt động của trường mình, kết nối với các trường khác để trao đổi về cách làm việc của họ.

NZPTA cũng hợp tác chặt chẽ với Bộ Giáo dục và các tổ chức giáo dục quốc gia khác, giúp phụ huynh hình dung viễn cảnh lớn hơn của nền giáo dục đất nước.

8.  Singapore

Một lớp học ở Singapore. Ảnh: Internet

Ở  Singapore thì không thấy có ban đại diện cha mẹ học sinh. Nhà trường thường liên lạc với cha mẹ học sinh bằng thư, email hoặc điện thoại nếu cần gấp. Phụ huynh muốn biết về tình hình học tập, rèn luyện của con sẽ được bộ phận hành chính của nhà trường tiếp đón rất chu đáo. Nếu cần thì phụ huynh có thể gặp thẳng hiệu trưởng.

Ở Singapore, học sinh phải đóng học phí. Mức phí đó là theo quy định của Bộ GD-ĐT. Nhà trường gửi thông báo, phụ huynh chuyển khoản hoặc thanh toán tự động. 

Thái Bình

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN