(Baonghean) -Trong những ngày này, nhiều nơi đang tiến hành hoạt động kỷ niệm 225 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. Câu chuyện Quang Trung đại phá quân Thanh đã đi vào lòng dân tộc như một huyền thoại oai hùng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta. Một vấn đề mà tôi muốn nhắc đến, đó là những dấu ấn đối với Nghệ An của vị anh hùng áo vải. Phải chăng cuộc đời của Hoàng đế Quang Trung có một mối liên hệ đặc biệt với mảnh đất địa linh nhân kiệt này? 

Đền thờ Vua Quang Trung trên núi Dũng Quyết. Ảnh: Sỹ Minh
Đền thờ Vua Quang Trung trên núi Dũng Quyết. Ảnh: Sỹ Minh

Điều đầu tiên chúng tôi muốn nói đến là tổ tiên của các thủ lĩnh Tây Sơn. Theo nhiều tài liệu thì gốc của dòng họ Hồ này là ở Nghệ An. Đến khoảng giữa thế kỷ 17, sau những biến cố của lịch sử, ông tổ 4 đời của Nguyễn Huệ vào lập ấp ở vùng Tây Sơn… Từ đó, nơi đây trở thành quê hương thứ hai của dòng họ Hồ ở Đàng Trong. Sau khoảng 100 năm “nối dài dòng họ” thì đã sinh ra Hồ Thơm (tức Quang Trung – Nguyễn Huệ).  

Một dấu ấn đáng nhớ, là trên đường hành quân ra Bắc, ngày 29 tháng 11 năm Mậu Thân, quân Tây Sơn dừng chân tại Nghệ An hơn 10 ngày để chiêu mộ binh sĩ. “Cứ 3 suất đinh lấy 1 suất lính”. Sau 1 thời gian ngắn, ông đã có thêm hàng vạn “lính Nghệ”. Theo sử gia Nguyễn Khắc Thuần trong sách Đại cương Lịch sử cổ trung đại Việt Nam ghi: thanh niên địa phương nô nức gia nhập hàng ngũ Tây Sơn. Như vậy, trong đội quân thần tốc ra Thăng Long, có hàng vạn người con Nghệ An.

Dấu ấn tiếp theo, ngay trong những ngày tháng ấy, Quang Trung đã quyết định chọn Nghệ An để xây dựng kinh đô. Trong chiếu gửi La Sơn Phu tử  Nguyễn Thiếp, có đoạn viết: "Chỉ đóng đô ở Nghệ An là độ đường vừa cân, vừa có thể khống chế được trong Nam ngoài Bắc, và sẽ làm cho người tứ phương đến kêu kiện, tiện việc đi về". Đành rằng, Phượng Hoàng Trung Đô còn sơ sài và dang dở, nhưng rõ ràng đây đã là một sự lựa chọn có tính chiến lược và thiện cảm mà Hoàng đế đã dành cho mảnh đất và con người Nghệ An.

Dấu ấn cuối cùng là, trong một số tài liệu nghiên cứu được công bố tại các cuộc hội thảo khoa học gần đây, thì mộ thật của Hoàng đế Quang Trung có thể vẫn tồn tại và cũng rất có thể đã được bí mật mai táng tại Nghệ An. Đành rằng, đây mới chỉ là một giả thuyết khoa học, nhưng không phải là hoàn toàn không có căn cứ để chúng ta nghĩ đến điều ấy. 

Từ những điều được tìm hiểu và tiếp nhận qua các tài liệu, có thể nói rằng: người Anh hùng áo vải, vị Hoàng đế bách chiến bách thắng Quang Trung – Nguyễn Huệ đã có những mối liên hệ và cả những dấu ấn đặc biệt với mảnh đất và con người Nghệ An chúng ta!

An Khánh