Năm 2021, công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng, có mặt cao hơn năm trước, sự phối hợp đồng bộ giữa công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đối với các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực ngày càng chặt chẽ, có hiệu quả.
Thời gian qua, các cấp, các ngành và địa phương đã gắn PCTN với công tác tổ chức, cán bộ, xử lý nghiêm sai phạm theo quy định về kỷ luật của Đảng, Nhà nước và xử lý hình sự; khẳng định quyết tâm mạnh mẽ, “không ngừng”, “không nghỉ”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong đấu tranh PCTN.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức bên hành lang Quốc hội, đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau) cho rằng: Cuộc chiến chống tham nhũng do Đảng lãnh đạo thời gian qua đã đạt được những kết quả ấn tượng, được nhân dân quan tâm theo dõi.
“Tuy nhiên, tham nhũng vẫn có diễn biến phức tạp và có chiều hướng tinh vi hơn. Mặc dù Đảng và Nhà nước ta đã củng cố cơ sở chính trị, pháp lý, thậm chí tăng cường năng lực bộ máy cơ quan PCTN, nhưng những nhận diện và biểu hiện của hành vi tham nhũng rất "ranh ma", nó thích ứng với biến đổi theo các quy định mới. Đấy là điều đáng lo ngại”, đại biểu Lê Thanh Vân nói.
Đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng, chúng ta cần nhận diện đúng những nguyên nhân gốc rễ dẫn đến tình trạng tham nhũng, trong đó có nguyên nhân từ sự lạm dụng quyền lực. “Đó là quyền lực về bổ nhiệm cán bộ, cài cắm lợi ích, từ đó đẻ ra các chính sách để bảo vệ cho lợi ích nhóm. Tiếp đó là cài cắm nhân sự để bảo vệ lẫn nhau khi có vi phạm, che chắn sự lộ lọt và bảo vệ lẫn nhau, khi bị xử lý thì bênh vực nhau. Điều này rất nguy hiểm”, đại biểu Lê Thanh Vân cho hay.
Thiếu tướng Trần Đức Thuận cho biết, giá thiết bị y tế trong thời gian qua, đặc biệt là trong đợt dịch Covid-19 có liên quan đến cơ chế chính sách chưa đảm bảo công khai minh bạch, khiến một số đối tượng lợi dụng.
“Nếu việc mua các loại thiết bị y tế có thể công khai bằng cơ chế đấu thầu, minh bạch hơn thì các đối tượng không có cơ hội tham nhũng. Ở góc độ quản lý, cần phải nghiên cứu kỹ từ vụ án này để có biện pháp cụ thể, giảm thiểu lỗ hổng trong quản lý tránh để các đối tượng lợi dụng”, Thiếu tướng Trần Đức Thuận kiến nghị.
Phát hiện, xử lý nhiều vụ án tham nhũng được dư luận quan tâm
Theo ông Đoàn Hồng Phong - Tổng Thanh tra Chính phủ, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 32-QĐ/TW ngày 16/9/2021 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực (Ban Chỉ đạo). Ban Chỉ đạo đã sâu sát, quyết liệt, chỉ đạo toàn diện công tác PCTN; chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định, định giá tài sản, nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản; phát huy ngày càng hiệu quả cơ chế chỉ đạo, xử lý các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Công tác xây dựng, hoàn thiện chể chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội và PCTN được tiếp tục quan tâm; chỉ đạo xây dựng, hoàn thành nhiều Đề án, nhiệm vụ quan trọng theo Kết luận và Chương trình công tác của Bộ Chính trị. Chú trọng chỉ đạo sơ kết, tổng kết thực tiễn, đúc rút kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả công tác PCTN…
Cũng theo Tổng Thanh tra Chính phủ, các cơ quan điều tra thuộc Bộ Công an đã thụ lý điều tra 582 vụ án, 1.262 bị can phạm tội về tham nhũng; trong đó khởi tố mới 310 vụ, 665 bị can (tăng 20 vụ, 49 bị can so với kỳ báo cáo năm trước). Đã kết luận điều tra và đề nghị truy tố 305 vụ, 804 bị can; tạm đình chỉ điều tra 37 vụ, 58 bị can; đình chỉ điều tra 4 vụ, 3 bị can; xử lý khác (thay đổi tội danh, nhập vụ án...) 10 vụ, 13 bị can. Hiện đang điều tra 226 vụ, 384 bị can. Thiệt hại trong các vụ án thụ lý trên 800 tỷ đồng, 398.643,83 m2 đất, 21 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn truy tố, Viện Kiểm sát Nhân dân các cấp thụ lý giải quyết 402 vụ với 1.222 bị can, trong đó án mới 369 vụ với 1100 bị can; đã giải quyết 330 vụ với 989 bị can. Trong đó, truy tố 329 vụ với 983 bị can; đình chỉ 1 vụ với 6 bị can. Hiện đang giải quyết 72 vụ với 233 bị can.
Tòa án Nhân dân các cấp đã thụ lý 415 vụ với 1.163 bị cáo; đã xét xử sơ thẩm 254 vụ với 631 bị cáo về các tội tham nhũng. Trong số 631 bị cáo phạm tội tham nhũng đã xét xử, các Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên phạt tù chung thân 6 bị cáo; xử phạt tù từ trên 15 năm đến 20 năm đối với 22 bị cáo.
Kết quả công tác thi hành án liên quan đến việc thu hồi tài sản tham nhũng, kinh tế, số việc phải thi hành 4.799 việc; số việc có điều kiện đang được tổ chức thi hành là 3.691 việc; đã thi hành xong 2.697 việc. Tổng số tiền phải thi hành trên 72 nghìn tỷ đồng; đang tổ chức thi hành trên 34.000 tỷ đồng; đã thu được trên 4.000 tỷ đồng.
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội, PCTN, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh, từng bước hình thành cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”. Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về PCTN có nhiều đổi mới, vai trò tích cực của các cơ quan truyền thông, báo chí trong PCTN ngày càng được khẳng định và phát huy.
Công tác cán bộ, cải cách hành chính, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động công vụ và các giải pháp phòng ngừa tham nhũng được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và đạt nhiều kết quả tích cực. Vai trò, trách nhiệm của các cơ quan và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp và nhân dân trong PCTN ngày càng phát huy hiệu quả thiết thực.
Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán được tăng cường, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh nhiều sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước, góp phần đắc lực nâng cao hiệu quả công tác PCTN. Công tác điều tra, truy tố, xét xử được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng, của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo là “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” tạo bước đột phá trong công tác PCTN.