"Việt Nam khi đó rất đẹp. Chỉ cần bấm máy là có ngay ảnh đẹp và người dân thì luôn nở nụ cười trên môi", nhà báo Michel Blanchard hồi tưởng.
Từ 8/4, triển lãm Việt Nam những năm 80 của nhà báo Michel Blanchard tại Trung tâm văn hóa Pháp (Tràng Tiền, Hoàn Kiếm) giới thiệu tới công chúng những bức ảnh về đất nước, con người Việt Nam trước thời kỳ đổi mới. Là phóng viên của AFP từ năm 1976 đến năm 2006, Michel Blanchard đảm nhiệm vị trí giám đốc văn phòng AFP tại Hà Nội từ năm 1981 đến năm 1983. Trong hồi ức và những tấm ảnh ông ghi lại, Việt Nam khi ấy rất đỗi bình dị. Cuộc sống một vài năm sau khi đất nước thống nhất còn khó khăn. Mọi người hầu như đi xe đạp, có rất ít xe máy. Michel hay thuê xe đạp đi khắp nơi ở Hà Nội vì thành phố đẹp, có nhiều hồ và công viên. Bức ảnh ghi lại một "tiệm nhiếp ảnh di động" trong công viên Thống Nhất. Kỷ niệm mà ông nhớ nhất khi ấy là nơi ngã tư giao nhau gần công viên ban đêm chỉ có một đèn điện chiếu sáng. "Có lần, tôi trông thấy hai học sinh ngồi học bài ngay dưới đèn đường. Đó là hình ảnh tôi không bao giờ quên, tiếc là không ghi lại được", ông nói. Trong thời gian thường trú tại Việt Nam, Michel Blanchard có cơ hội đưa tin về Đại hội Đảng lần thứ V, tháng 3/1982. Trong điều kiện tác nghiệp khó khăn, điện thoại thường xuyên hỏng, chỉ có máy chữ, máy điện toán và máy fax, ông vẫn thường xuyên truyền những tin tức đại hội về Paris. Giao thông đường thủy trên sông Hồng. Cha và con bên bờ hồ Hoàn Kiếm. Trong ký ức của nhà báo Pháp, dù không hiểu tiếng nước ngoài nhưng người Việt Nam những năm 80 của thế kỷ 20 vẫn rất thân thiện, dễ gần. Nụ cười là thứ thường trực trên môi mỗi khi họ trông thấy ông giơ máy ảnh lên. Văn phòng của AFP khi ấy đóng trên phố nhỏ Phùng Khắc Khoan. Đối diện văn phòng là ngôi nhà có 4 đứa con là Phong, Phương, Dương, Mai thường hay chơi đùa. Michel đã ghi lại hình ảnh cậu bé Phong vào một ngày mùa hè năm 1983, trước cửa nhà. Sau này khi trở lại Việt Nam, ông có vài lần hội ngộ Phong - nay đã là một người đàn ông hơn 30 tuổi. Hoa phượng nở bên hồ Thiền Quang thoáng đãng, những gánh hàng buôn thường đi qua đây. "Trong ký ức của chúng tôi, những hình ảnh này cũng không quá xa. Nhưng cũng thật vui vì có thể nhìn lại một thời đã qua, từ trang phục giản dị của người phụ nữ chân đất đi khắp phố phường, hay những cậu bé ló đầu qua ô cửa tàu điện. Đó là những hình ảnh rất quen thuộc với thế hệ chúng tôi. Qua những bức ảnh, thấy tác giả có cái nhìn ấm áp, hiền hòa về con người Việt Nam thời ấy", bà Nguyễn Thị Lan, một người Hà Nội nhận xét khi xem các bức ảnh. Chợ hoa Tết ở Hà thành. Theo nhà báo Pháp, Tết ở Việt Nam là dịp rất đặc biệt, hoa ở khắp nơi và ra đường thấy sự hân hoan chờ đón năm mới trên gương mặt mỗi người. Có lần, Michel Blanchard được người dân mời đến nhà chơi Tết, ăn mứt, uống trà. Đó là những kỷ niệm đặc biệt với ông. Một thương binh chống nạng đi trên phố Chả Cá (Hà Nội) năm 1982, hình ảnh thường bắt gặp vào thời kỳ hậu chiến. Michel chia sẻ, đã đi khắp Việt Nam để viết bài và ghi lại cuộc sống của người dân qua những tấm ảnh. Trong ảnh là cầu treo và phiên chợ sớm ở Lạng Sơn. Cổng trường Quốc học Huế cách đây 30 năm không khác so với ngày nay. Một cửa hiệu tại Đà Lạt. Trước những năm đổi mới có rất ít doanh nghiệp, một vài cửa hàng tư nhân lớn bán đồ cho người nước ngoài, còn lại là các cơ sở mậu dịch quốc doanh. Nền kinh tế của Việt Nam lúc này ở đà xuống dốc, xuất nhập khẩu bị thu hẹp, khó khăn bủa vây tứ phía. Khác với Hà Nội thanh bình, Sài Gòn khi ấy sôi động, đông đúc hơn. Hình ảnh thợ cắt tóc ở phố Đồng Khởi năm 1983. "Tôi đã viết rất nhiều sách du lịch về Việt Nam để giới thiệu cho mọi người biết. Tôi nghĩ rằng sẽ rất đáng tiếc nếu không chia sẻ những tấm ảnh này. Đây có thể không phải là hình ảnh đẹp nhất nhưng ý nghĩa nhất với tôi vì nó thể hiện chân thực cuộc sống Việt Nam khi ấy", Michel Blanchard nói và cho biết thêm, khi nghe người bạn nói "Có thể người Việt Nam sẽ quan tâm đấy, bởi thanh niên Việt Nam bây giờ thường không biết nhiều về giai đoạn này" khiến ông có thêm động lực mở cuộc triển lãm. Triển lãm sẽ diễn ra đến hết ngày 30/4.