(Baonghean) Với nụ cười ấm áp, họa sỹ Nguyễn Thọ (Nguyễn Việt Thọ) cùng vợ mở cửa đón tôi vào nhà. Trong căn hộ tràn ngập không khí nghệ thuật tại Khu tập thể Liễu Giai, Ba Đình (Hà Nội), chúng tôi đã trò chuyện thân tình, bắt đầu bằng những câu chuyện về tuổi thơ của người họa sỹ trên mảnh đất xứ Nghệ…Thẳm sâu ký ức“Tôi có tuổi thơ đầy kỷ niệm ở một vùng quê cách biển trong tầm tiếng sóng”, Nguyễn Thọ kể về vùng quê Diễn Châu của mình. Ông nói, đêm đêm nằm nghe tiếng sóng biển rì rào, thứ âm thanh ấy đi vào trong từng giấc ngủ, từng giấc mơ của ông như tiếng hời ru. Ông nhớ như in những buổi chiều mùa hè cùng lũ bạn đi chăn trâu rồi nhảy xuống sông Trài tắm mát. Diễn Châu ngày ấy bạt ngàn là dừa. Những rặng dừa mát rượi tỏa bóng che cái nắng bỏng rát của mùa hè cho lũ trẻ. Nhà nghèo, Nguyễn Thọ bên cạnh việc học ở nhà trường còn giúp mẹ đi gánh rạ. Vào những buổi lộng gió, dây buộc rạ bị bung ra, rạ bay lả tả xuống mặt đường. Cậu bé Thọ phải nhặt từng bó, từng cọng để buộc lại rồi cẩn thận gánh chúng về cho mẹ. Cuộc sống ngày đó vất vả nhưng Nguyễn Thọ yêu nó vô cùng, bởi tâm hồn nhạy cảm của ông đã bắt đầu cảm nhận được cái dịu dàng của gió, cái nồng nàn mùi thơm rơm rạ, những buồn vui mùa màng. Hình ảnh những đống rạ, những người gánh rạ, hình ảnh rặng dừa xanh tươi, con sông Trài nước lợ miệt mài đổ về cửa biển, cây cầu Lồi nhỏ bé bên Quốc lộ 1… đã đi vào trong ký ức ông như những ám ảnh.

Họa sỹ Nguyễn Thọ và “con mắt của ký ức” ảnh 1

Người họa sỹ kể lại, khi ông bắt đầu biết đi lẫm chẫm, bố ông, vốn là một bậc tiền bối cách mạng, giỏi thơ Đường và viết chữ Nho rất đẹp, đã vẽ xuống nền nhà bằng đất hình một con trâu. Cậu bé Thọ nhoẻn cười vì thấy con trâu ngộ quá, đẹp quá. Ông nhớ mãi kỷ niệm đó, bởi với ông đấy là bức vẽ đầu tiên ông có trong đời, bức vẽ do chính người cha của mình tạo nên, về một hình ảnh vô cùng thân thuộc ở quê nhà. Và trong ý thức bé bỏng của ông, có lẽ đã bắt đầu hình thành nên khái niệm “tranh”, khái niệm “vẽ”. Từ đấy, khi biết cầm trong tay viên gạch, viên phấn, ở bất cứ đâu, chỗ nào có giấy, có nền phẳng, cậu bé Thọ lại nguệch ngoạc vẽ nên những hình ảnh ngộ nghĩnh đáng yêu. Lớn hơn chút nữa, cậu xé vở và nối lại thành những tờ giấy khổ lớn, dành dụm tiền quà của bố mẹ cho để đi mua từng chiếc bút màu và dần góp lại để có được một hộp đầy đủ các sắc màu. Hình ảnh làng quê, những con trâu, đống rạ, những người đi cày bừa, những chiếc nón… hiện lên trên khuôn giấy học trò, nhiều khi được bạn bè khen ngợi, thích thú. Nguyễn Thọ kể về những kỷ niệm thời ấu thơ ấy với một nỗi nhớ khôn nguôi…Vợ chồng ông cùng gợi nhớ lại câu chuyện hồi Nguyễn Thọ học lớp 5, câu chuyện ông đã kể đi kể lại nhiều lần cho vợ nghe, về một buổi học vẽ tại nhà thờ họ Ngô xã Diễn Kỷ. Thầy giáo vẽ một bàn tay đang nắm trên bảng và ra đề cho học sinh vẽ lại. Cậu bé Thọ vẽ một bức tranh không giống ai: một bàn tay nắm nhưng người xem có thể thấy hết được từng góc cạnh lập thể của nó. Bạn bè nhìn thấy, bảo: “Mày vẽ sai rồi! Đừng nộp bài nữa, kẻo thầy lại mắng cho!”. Cuối cùng, thầy giáo không những không mắng mà còn cho điểm 5 (là điểm cao nhất lúc bấy giờ) và khen bài vẽ của Nguyễn Thọ trước cả lớp. Với bàn tay mạnh bạo và đầy bản lĩnh ấy, sau này, Nguyễn Thọ đã trở thành họa sỹ, thực hiện niềm đam mê sáng tạo nghệ thuật của mình.Theo đuổi đam mêNăm 1960, Nguyễn Thọ 17 tuổi, bắt đầu xa quê để ra Hà Nội học Trường Mỹ thuật Công nghiệp, lúc đó còn là hệ Trung cấp. Năm 1964, ông ra trường, lên công tác trên Vĩnh Phú (Vĩnh Phúc và Phú Thọ bây giờ) tại Ty Thông tin – Văn hóa với công việc chính là vẽ pa-nô, áp phích, minh họa sách báo, vẽ tranh tuyên truyền, cổ động. Cuộc sống thực tế lúc mang lại những điều mới mẻ, thú vị cho tâm hồn Nguyễn Thọ. Cái háo hức buổi lên vùng Tây Bắc, nhìn những cây cọ xòe rợp bóng mà nhớ đến bài thơ “Ta đi tới” của Tố Hữu, cuộc sống tập thể đầy gian khó mà vui vẻ với những buổi tự làm phim, tự chiếu phim, sự gắn bó ngày một sâu nặng hơn với cuộc sống của đồng bào dân tộc Dao, Mường, Sán Dìu…, tất cả tràn ngập tâm hồn ông, để từng ngày, những bức tranh được vẽ ra, cũng tràn đầy không khí lao động và lung linh vẻ đẹp diệu kỳ vùng rừng núi.Thời gian này, bên cạnh mảng đề tài khá đậm nét là vẽ tranh cổ động, tuyên truyền, nhiều tranh được dự các cuộc triển lãm toàn quốc như bức “Tìm diệt giặc mối”, Nguyễn Thọ còn sáng tác những bức tranh với chủ đề yêu dân tộc mà tiêu biểu là bức “Giỗ tổ Hùng Vương 1” (đồng tác giả với Vương Chùy), đoạt giải Nhì của Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1980.

Hai tác phẩm: Đền Hùng và Hòa tấu của họa sỹ Nguyễn Thọ.

Đây là bức sơn khắc khá hoành tráng của ông, cùng với các bức khác chung đề tài như “Giỗ tổ Hùng Vương 2”, “Ngày hội non sông trên đất Tổ”, “Nơi ấy - Đền Hùng”, “Xóm núi Thậm Thình”…, được nhiều người trong ngành đánh giá cao. “Đề tài về đền Hùng lôi cuốn tôi, bắt đầu từ năm 1975, khi tôi khao khát có một bức tranh vẽ về sự thống nhất đất nước, lấy văn hóa và những câu chuyện lịch sử về Đền Hùng làm biểu tượng cho sự thống nhất ấy. Tôi chọn sơn khắc, bởi chất liệu ấy có thể chuyển tải được những vấn đề, hoạt động, sự kiện, phong cảnh to lớn, hoành tráng”, họa sỹ Nguyễn Thọ nói. Hai lần, Nguyễn Thọ đoạt Giải thưởng Văn học nghệ thuật Hùng Vương, và sau này, ông còn đoạt Giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 1994, giải Khuyến khích của Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1995.Trong thời gian làm ở Ty Thông tin – Văn hóa Vĩnh Phú, ông đi học tiếp 5 năm Đại học Mỹ thuật Công nghiệp (1972 – 1977). Đây là thời kỳ ông được bồi dưỡng, rèn luyện thêm rất nhiều về kiến thức chuyên môn và kỹ năng hội họa. Bên cạnh chất liệu bột màu và sơn khắc, Nguyễn Thọ còn yêu vô cùng vẻ đẹp lộng lẫy, sang trọng của sơn mài. Một số bức sơn mài của ông được công chúng yêu thích như “Lễ cầu đinh”, “Tát nước gầu sòng”, “Trong buôn”, “Gặp nhau”, “Tình yêu”, “Bà cháu người Mạ”, “Sau chiến tranh”, “Hòa tấu”, “Nhịp điệu”, “Chợ núi Sa Pa”… Ông nói: “Nếu như sơn khắc mang tính đồ họa, tính trang trí, thì sơn mài gần gũi  hơn với hội họa, thiên biến vạn hóa hơn về màu sắc. Tôi yêu vẻ thâm trầm, sâu lắng của sơn mài”. Tình yêu ấy đã được Nguyễn Thọ bày tỏ trên các tấm vóc, khi say sưa và cần mẫn gắn từng mảnh vỏ ốc lấp lánh, vỏ trứng hay thậm chí cả vàng, bạc lên đó. Đôi trai gái nhảy múa trong lễ hội cầu đinh, người mẹ già nua và anh thương binh tàn phế dựa vào nhau để sống sau chiến tranh, buôn làng họp mặt và cùng nhau chênh chao trong một giai điệu…, tất cả đều trở nên lung linh trong các bức vẽ Nguyễn Thọ với chất liệu sơn mài. Tôi cảm giác như ở Nguyễn Thọ, sơn mài đã có dịp bộc lộ được hết vẻ đẹp tự nhiên, quyến rũ của nó. Một vẻ đẹp khiến người ta không muốn rời mắt.Từ năm 1994 đến nay, Nguyễn Thọ làm giảng viên dạy môn Mỹ thuật cho Trường Đại học Kiến trúc. Với công việc này, ông cũng dồn hết tâm sức. Ông viết nhiều công trình nghiên cứu về các danh họa, về màu sắc, về các vấn đề chuyên môn khác của mỹ thuật, nhưng trước mắt ông chỉ muốn giữ lại cho riêng mình như vốn liếng quý báu cho việc giảng dạy. “Những kiến thức chưa từng được công bố ấy sẽ giúp cho sinh viên hứng thú hơn với việc học”, ông nói. Và có vẻ như, đó cũng là giáo trình của riêng ông - người thầy luôn trăn trở tìm sự khác biệt cho các bài giảng của mình.Khắc tạc những ám ảnh đồng quê Gần đây, Nguyễn Thọ lại khám phá mình ở chất liệu sơn dầu. Ông giới thiệu với tôi một số bức sơn dầu mới vẽ như: “Gánh rạ”, “Gió đồng”, “Tát nước”, “Mục đồng”… Đây là những bức tranh ông vẽ cho tuổi thơ mình, nơi lúc nào ông cũng khắc khoải muốn trở về với đầy vơi nhung nhớ. Những ám ảnh xưa cũ của quê hương Diễn Châu được khắc tạc vào tranh ông với những hình ảnh hết sức thân thuộc: người phụ nữ gánh rạ trong một chiều lộng gió, lũ trẻ chăn trâu đang thả hồn lên bầu trời xanh thẳm, gió đồng cuộn tung những mái tóc người… Ông từng nói, “con mắt cũng có ký ức”, và tất nhiên, tôi chợt nhận ra, trái tim cũng có ký ức của nó. Những ký ức ấy khiến con người trăn trở, và với người nghệ sĩ thì chúng hối thúc. Chừng nào những bức tranh chưa được vẽ, hoặc được vẽ mà chưa thỏa mãn được ký ức thì chừng ấy người họa sỹ còn như mắc nợ. Những bức tranh về đồng quê của Nguyễn Thọ là món nợ đã được trả của ông. Tuy sức khỏe ngày càng kém, ông vẫn cố gắng hoàn thiện các ý tưởng nghệ thuật của mình.Tiễn tôi ra ngõ, họa sỹ Nguyễn Thọ hẹn một ngày sắp tới, khi ông tổ chức cuộc triển lãm tranh cá nhân thứ 3 của ông về đề tài đồng quê. Rồi ông trở về với người vợ đang bận rộn bếp núc của mình, người vợ lúc nào cũng yêu thích tranh của ông và ủng hộ ông, để sau đó lại có  một ngày say sưa bên giá vẽ và giáo án… Tôi ra về, không hiểu sao cứ nghĩ mãi về vùng quê ngày ấy của Nguyễn Thọ, nơi những rặng dừa tỏa bóng che mát cho lũ trẻ mục đồng, nơi xưa kia có một cậu bé cầm bài tập điểm 5 vẽ hình bàn tay mang về nhà khoe bố mẹ với một nỗi hân hoan…

Quỳnh Lâm