(Baonghean.vn) - Căn hộ nhỏ bé 4 tầng nằm sâu trong ngõ Văn Chương, Đống Đa, Hà Nội của họa sỹ Hoàng Nguyễn Đoan nhìn đâu cũng thấy tranh. Tranh treo đầy trên các bức tường, tranh xếp dựa nhau ở phòng vẽ, tranh ken chật ở những ngóc ngách có thể, đến nỗi người họa sỹ già muốn lấy ra một bức cho tôi xem đã phải rất vất vả sau một lúc loay hoay lôi kéo nó. Họa sỹ Hoàng Nguyễn Đoan sinh năm 1942 tại xã Nhượng Bạn (nay là Cẩm Nhượng), huyện Cẩm Xuyên – Hà Tĩnh. Gia đình ông có 6 anh chị em thì đã có 4 người theo các nghề liên quan đến nghệ thuật: ông theo hội họa, 2 em trai của ông là kiến trúc sư, còn cô em út là giáo viên môn Mỹ thuật của Trường Sư phạm Mẫu giáo Trung ương. Trong làn khói thuốc vảng vất, ông hồi tưởng lại, từ năm 1954, bởi mê hội họa quá nên chàng trai cửa biển Cẩm Nhượng đã quyết chí khăn gói ra Hà Nội theo con đường thi cử. Để có tiền ăn học, ông từng có dự định sẽ hành nghề sửa chữa đồng hồ, là nghề được người cha thân yêu của ông truyền cho, hoặc gói bánh chưng bán ăn sáng.

Họa sỹ Hoàng Nguyên Đoan – người mắc nợ quê nhà ảnh 1Họa sỹ Hoàng Nguyễn Đoan

Người thầy đầu tiên của ông chính là cố họa sỹ Phạm Viết Song, nhà sư phạm hội họa nổi tiếng một thời. “Nguyện vọng tha thiết của tôi là làm sao thi được vào hệ Trung cấp của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam. Bấy giờ trường này có ba hệ: sơ cấp, trung cấp và cao đẳng. Tôi chỉ dám mơ thi được vào hệ trung cấp thôi!”. Rồi bỗng ông hạ giọng như chạm phải sự nuối tiếc của chàng trai trẻ cách đây gần sáu chục năm: “Nhưng… tôi thi đến ba lần thì đều trượt cả ba! Tôi buồn lắm. Buồn, nhưng thật may là không bị chán nản…!”. Mãi đến năm 1972, nghĩa là ngót nghét 18 năm sau kể từ ngày đầu tiên khăn gói ra Hà Nội, Hoàng Nguyễn Đoan mới thi đậu vào chuyên ngành hội họa của trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, tiền thân là trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Số phận đã mỉm cười, đã không phụ bạc ông bởi lẽ tình yêu đối với hội họa lúc nào cũng rừng rực cháy trong ông. Rồi sau này, chính nhờ tình yêu ấy, chàng trai xứ Nghệ Hoàng Nguyễn Đoan đã vừa tự nuôi sống bản thân, vừa nuôi các em ăn học bằng việc dạy vẽ trong suốt cả khóa học. Năm 1977, sau khi tốt nghiệp, Hoàng Nguyễn Đoan vẫn tiếp tục đi dạy vẽ và lại được mời làm giảng viên của Trường Sư phạm Nhạc - Họa Hà Nội. Đến năm 1983, ông cùng một số họa sỹ được Hội Mỹ Thuật Việt Nam và Bộ Tư lệnh - Bộ Quốc phòng cử lên biên giới phía Bắc để kịp thời ghi lại những khoảnh khắc hào hùng của dân tộc trong công cuộc chống ngoại xâm. Hình tượng người lính và cuộc chiến máu lửa đã được ông khắc họa, phản ánh bằng bút pháp hiện thực, tái hiện cuộc sống nóng bỏng, thấm đẫm máu, mồ hôi và cả nước mắt của một thời không thể quên lãng. Đợt đi thực tế ấy có ý nghĩa lớn đối với Hoàng Nguyễn Đoan. Nhãn quan chính trị của người nghệ sỹ không những được nâng cao mà vốn sống cũng được bồi bổ, chi phối tích cực trong nhiều tác phẩm của ông. Sau đợt đi thực tế ấy, họa sỹ Hoàng Nguyễn Đoan được chuyển về công tác tại Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin với trách nhiệm là họa sỹ biên tập mỹ thuật thuộc Ban biên tập Mỹ thuật, cho đến năm 2002 thì nghỉ hưu.

Bức “Con trai tôi” (sơn dầu) của Hoàng Nguyễn Đoan

Có thể nói, họa sỹ Hoàng Nguyễn Đoan là người rất say nghề. Ông được tiếng là người cẩn trọng, nghiêm túc, chịu khó tìm tòi, tra cứu. Đây là những đức tính hết sức cần thiết đối với nghề biên tập sách báo nói chung. Ngoài thời gian ở công sở, hễ rỗi là ông vẽ tranh. Đến nay ông đã có hàng trăm đứa con tinh thần làm đẹp cho cuộc sống. Những bức tranh ấy đã tham gia nhiều cuộc triển lãm chung, triển lãm nhóm ở trong và ngoài nước để công chúng yêu nghệ thuật thưởng thức. Tranh của ông còn được chọn lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Quân đội, Bảo tàng Châu Á - Thái Bình Dương và trong các bộ sưu tập tư nhân trong và ngoài nước.v.v.  Họa sỹ Hoàng Nguyễn Đoan vẽ tranh bằng nhiều chất liệu, nhưng chủ yếu là sơn dầu, bằng các phương pháp có khi là trực họa hoặc phác thảo ngay tại các đợt đi thực tế rồi về “đắp da thịt” và thổi linh hồn vào chúng, cũng có khi được sáng tạo nhờ trí nhớ, ký ức hoặc nhờ những tư liệu ghi chép lại… Đề tài mà ông phản ánh khá phong phú như đề tài về người lính, tĩnh vật hoa, phong cảnh, chân dung, sinh hoạt. Ông cũng là họa sỹ tài hoa đối với dòng tranh cổ động và châm biếm. Hầu hết tác phẩm của ông được vẽ với kỹ thuật nhuần nhuyễn đến từng nét di, nét vờn, điểm nhấn.  Hội họa của Hoàng Nguyễn Đoan nghiêng nhiều hơn về phong cách ấn tượng, tả thực. Ông là họa sỹ của đời thường. Những gì diễn ra quanh ông đều có thể là đối tượng phản ánh của người nghệ sỹ đã từng ngấm sự đời, như có thể cắt ra đặt lên tranh từng phân khúc vậy. Ông còn là người họa sỹ rất hào hiệp. Ông không chỉ vẽ tranh cho công việc, vẽ để bán mà còn vẽ tặng bạn hữu và những người ông yêu mến, quý trọng, đặc biệt là tranh chân dung. Khi được hỏi về các giải thưởng, họa sỹ Hoàng Nguyễn Đoan cau mày một lúc như thể lục lọi tâm trí rồi mới chậm rãi: “Thực ra tôi không còn nhớ rành rẽ lắm. Nhưng hình như là thế này…thế này…”. Cuối cùng chúng tôi vẫn chắp lại được các giải thưởng mà ông đã từng đoạt được, tuy không được chính xác tên tác phẩm và thời gian: Giải về tranh Cổ động của Hội Chữ thập đỏ Quốc tế tổ chức tại Liên Xô cũ năm 1981; Tác phẩm Bài toán khó (khắc gỗ), năm 1975 đoạt hai giải thưởng ở Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô và Giải Tuổi trẻ sáng tạo do Thành phố Hà Nội tổ chức. Năm 2000, họa sỹ Hoàng Nguyễn Đoan còn được Hội Mỹ thuật Việt Nam tặng thưởng Huy chương Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam; được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen,...  Gần 40 năm gắn với giá vẽ, cây cọ, họa sỹ Hoàng Nguyễn Đoan chưa khi nào vơi mùi mặn mòi biển cả, đặc biệt là hình ảnh biển quê hương xứ Nghệ. “Tôi nhớ đến xao xác, nhớ đến nao lòng những chiều trên biển Cẩm Nhượng”, ông nói. Có lẽ tiếng sóng biển từ thuở ấu thơ vẫn còn dội về trong ký ức ông trong suốt những ngày tháng sống tha hương, để rồi tiếng sóng ấy lại vỗ trong các bức tranh ông vẽ. Giờ đây, khi sức khỏe không còn sung mãn để tham gia thật nhiều các chuyến đi thực tế xa, để định kỳ trở về với cửa biển Nhượng Bạn quê hương, nơi có ngọn núi Thiên Cầm, núi Tượng Lĩnh nổi tiếng, nhưng trong phòng vẽ chật chội của mình, ông vẫn hàng ngày phác thảo biển qua ký ức, qua các tư liệu cũ.  Biển trong tranh của Hoàng Nguyễn Đoan được mô tả đa dạng ở các góc độ không gian và thời gian, gắn với việc khắc họa đậm nét hình tượng người dân vùng biển. Không khí yên bình, ấm áp, cuộc sống no đủ, thanh tịnh gần như luôn tràn ngập trong mảng tranh vẽ về biển của ông như các tác phẩm Biển Nhượng Bạn, Mưa Biển, Tuổi thơ và biển cả, Cơn giông Cửa Nhượng …

Bức “Cơn giông Cửa Nhượng” (sơn dầu) của Hoàng Nguyễn Đoan

Họa sỹ Hoàng Nguyễn Đoan cho biết, tính đến nay ông đã vẽ được khoảng trên 40 bức về đề tài biển quê nhà. Ông từng có dự định tổ chức một triển lãm tranh về biển tại nơi mình đã sinh ra, lớn lên, nơi ông có bao kỷ niệm vui buồn như là một sự tri ân. Thế mà, đến nay, ông vẫn chưa thực hiện được cho dù mái đầu đã bạc. Người họa sỹ già lý giải rằng, để tổ chức được một triển lãm như thế tuy với quy mô nhỏ, không phải là chuyện dễ. Có đủ thứ việc phải lo toan: đóng khung tranh, vận chuyển tranh về quê, địa điểm triển lãm, rồi các vấn đề hậu cần cho cuộc triển lãm và nhất là kinh phí thực hiện… “Tôi luôn cảm thấy mắc nợ với quê nhà”, Hoàng Nguyễn Đoan đưa ánh mắt lên bức tranh biển Thiên Cầm, tâm sự. Chia tay người họa sĩ già, chúng tôi thầm mong cho ông sớm thực hiện được ước vọng trả nợ với quê hương. Khi đó, người dân xứ Nghệ và công chúng trong cả nước sẽ được chiêm ngưỡng những bức tranh của ông tại Nhượng Bạn, nơi lúc nào cũng rì rào tiếng sóng đón người con về cùng những yêu thương.

T.V