(Baonghean) - Bản nhỏ Sơn Thành (xã Tà Cạ, Kỳ Sơn) hướng mặt ra khe Xôi Lội và dãy Phiêng Phô bốn mùa choàng mây trắng. Những ngày này, khe Xôi Lội như reo vui, những dãy hoa săng lẻ tím quanh bản Sơn Thành như đang rộ nở hết mình để đón chào một công dân bản đem niềm vui từ phương xa trở về: Em Moong Thị Huyền vừa đoạt Huy chương Bạc môn Ngữ Văn lớp 10 tại Hội thi Văn hóa - Thể thao các trường dân tộc nội trú toàn quốc lần thứ VII - 2014.
 
Nhà Huyền nằm trên một sườn núi cheo leo, trong ngôi nhà nền đất cũ kỹ, bố Huyền - ông Moong Thái Nhi không giấu được phấn khởi, tự hào kể về cô con gái đầu và niềm vui của dân bản nói chung, người Khơ Mú nói riêng khi biết tin Huyền đạt giải cao tại một cuộc thi toàn quốc, 4 năm mới tổ chức một lần. Vừa trò chuyện, ông vừa đem giấy chứng nhận, giấy khen, cờ tặng thưởng các loại mà Huyền được trao tặng ra chia vui với khách. 
images1027789_a5_em_moong_th__huy_n.jpgEm Moong Thị Huyền và Giấy chứng nhận Huy chương Bạc môn Ngữ Văn 10 tại Hội thi Văn hóa - Thể thao toàn quốc.
 
Ông Nhi cho biết, Moong Thị Huyền sinh ngày 8/3/1998 ở bản Huồi Phuôn, xã Keng Đu, một xã miền
núi nghèo giáp Lào, xa xôi hẻo lánh bậc nhất của huyện miền núi Kỳ Sơn. Từ nhỏ, Huyền đã sớm bộc lộ tư chất thông minh, ham học. Thương con, vì sự học của con, gia đình ông Mong Thái Nhi đã chuyển nhà từ xã Keng Đu ra xã Tà Cạ, gần Thị trấn Mường Xén, để Huyền và cậu em trai là Moong Thái Hoàng có cơ hội học tập tốt hơn. Không phụ công sức của bố mẹ, lực học của Huyền ngày càng được khẳng định và em liên tục mang về nhiều niềm vui cho bản, cho trường, cho người Khơ Mú và đồng bào các dân tộc huyện Kỳ Sơn. Năm học lớp 3, Huyền đạt giải Nhất huyện, giải Nhì tỉnh trong cuộc thi “vở sạch chữ đẹp”; xuất sắc vươn lên trong học tập và rèn luyện để được nhận học bổng Vừ A Dính. Tiếp đó, em được Báo Thiếu niên Tiền phong tặng thưởng Học bổng Lê Văn Tám (4/2008). Mới đây, trong kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 huyện Kỳ Sơn, Huyền đạt giải Nhất môn Văn - Tiếng Việt, giải Nhì môn Lịch sử, giải Ba môn Văn trong kỳ thi học sinh giỏi tỉnh. 
 
Liên tục từ năm học lớp 1 đến lớp 9 Huyền đều đạt học sinh tiên tiến và học sinh tiến tiến xuất sắc. Năm học 2013 - 2014, Huyền thi đậu vào Trường THPT dân tộc nội trú tỉnh. Để bước tiếp con đường tri thức, em phải rời xa bản làng Khơ mú để đến Thành phố Vinh học tập. Năm đầu tiên xa nhà, rời xa vòng tay yêu thương của bố mẹ, lạ lẫm với môi trường mới, những đêm nhớ nhà nước mắt ướt gối, nhưng vượt qua tất cả, Huyền vẫn dẫn đầu về thành tích học tập. Không những giữ được phong độ học tập rèn luyện tốt mà Huyền còn lập kỳ tích mới: xếp loại giỏi năm học 2013-2014 và giành Huy chương Bạc môn Ngữ Văn tại Hội thi Văn hóa - Thể thao các trường phổ thông dân tộc nội trú toàn quốc lần thứ VII - 2014.
Em Moong Thị Huyền.
 
Không chỉ học giỏi, Huyền còn là cô bé có năng khiếu hát, vẽ tranh, tham gia các hoạt động ngoại khóa tích cực. Ở các cấp học tiểu học và trung học cơ sở tại Thị trấn Mường Xén, Huyền đều tham gia các kỳ thi “Vẻ đẹp tuổi thơ”, “Nét đẹp đội viên” và đạt giải cao. Nữ sinh lớp 10C, Trường THPT DTNT tỉnh là gương mặt sôi nổi, tích cực và trách nhiệm trong các hoạt động của lớp, của trường. Huyền mang trong mình hai dòng máu: bố người Khơ Mú và mẹ người Thái. Vì thế, trong sinh hoạt thường ngày cũng như trong học tập, Huyền cùng lúc có thể sử dụng 3 thứ tiếng gồm tiếng Khơ mú, Thái và Kinh. Đặc biệt, Huyền thuộc và hát rất hay các bài hát dân tộc Thái, Khơ mú. Dù xuống thành phố theo học, sống trong môi trường “mở” với rất nhiều bạn của các dân tộc khác, nhưng Huyền luôn có ý thức gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Trong các chương trình văn nghệ của lớp, của trường, bao giờ, Huyền cũng lựa chọn những điệu tơm của dân tộc Khơ mú, nhuôn, xuối của dân tộc Thái để thể hiện. Tiếng hát khi du dương, êm ái, tình tứ; lúc lại rộn ràng, nhộn nhịp; lời hát tơm cũng mộc mạc, ý nhị, ca từ trong sáng như chính người Khơ mú chân chất của Huyền làm say đắm lòng người. Huyền trở thành “trung tâm” tập hợp các bạn trong lớp, trong trường có ý thức giữ gìn bản sắc dân tộc. Đặc biệt, khi còn bé cho đến nay, hàng năm bố mẹ luôn may cho Huyền cùng lúc hai bộ trang phục, một bộ của người Khơ mú và một bộ của người Thái. Với em, mỗi bộ trang phục đều có một vẻ đẹp riêng và mang một niềm tự hào riêng khi mặc. Xuống học ở trường dân tộc nội trú tỉnh cũng như khi dự hội thi văn hóa - thể thao các trường dân tộc nội trú toàn quốc tại Cần Thơ vừa rồi, trong hành trang của Huyền không thể thiếu được hai bộ trang phục dân tộc Khơ mú và Thái.
 
Khi còn học tập ở Thị trấn Mường Xén, Huyền luôn chăm chỉ việc nhà, lúc rảnh thì cùng em trai đi hái rau rừng, kiếm củi, cùng bố lội suối thả lưới bắt cá. Huyền rất thích về với quê nội ở xã Keng Đu, nghe ông nội là Moong Phò Nhi, một cựu chiến binh tham gia kháng chiến chống Mỹ kể chuyện thời trai trẻ trong quân ngũ. Nghe bà nội - cô giáo Seo Thị Mai, kể những mẩu chuyện truyền thống xa xưa của tộc người Khơ mú, về sự tích về các điệu tơm của dân tộc... Huyền cũng thích về quê ngoại ở huyện Con Cuông, về thăm miền Trà Lân với những chiến công huyền thoại “Trúc chẻ tro bay” lẫy lừng sử sách... 
 
Thời gian qua, bao nhiêu lần Huyền tham dự các cuộc thi, hội thi, đều là bấy nhiêu lần bản làng hồi hộp đón đợi kết quả và trầm trồ thán phục thàch tích mà em đạt được. Hỏi chuyện về hội thi vừa qua, Huyền cho biết có 47 trường dân tộc nội trú trên toàn quốc với hơn 2.300 thí sinh tham gia hội thi. Các vận động viên tham gia tranh tài ở 3 phần thi văn hóa, văn nghệ và thể thao; trong đó, có gần 500 thí sinh dự thi 3 môn văn hóa (Toán, Ngữ Văn, tiếng Anh), hơn 800 thí sinh dự thi văn nghệ thanh lịch và hơn 1.000 vận động viên tham gia thi đấu các môn thể thao (điền kinh, kéo co, bóng bàn, cầu lông, cờ vua, đá cầu, bắn nỏ, bóng đá, bóng chuyền, đẩy gậy). Chọn môn Ngữ Văn tham gia dự thi và trở thành thí sinh đầu tiên của người Khơ mú ở Kỳ Sơn đạt Huy chương Vàng môn Ngữ Văn tại hội thi này là một niềm vinh dự lớn. Tuy nhiên, trước những lời khen, Moong Thị Huyền vẫn chỉ khiêm tốn nhỏ nhẹ: “Cháu học không giỏi đâu, chỉ vừa vừa thôi, kết quả đạt được là do cố gắng mà có”.
 
Chia tay Huyền, chia tay núi rừng Kỳ Sơn, mong rằng nơi đây sẽ tiếp tục có nhiều em nhỏ miền sơn cước đạt được nhiều kết quả học tập và rèn luyện. Thành tích học tập của Moong Thị Huyền là tín hiệu vui, là động lực quan trọng thúc đẩy lòng ham học của học sinh miền núi Nghệ An, khẳng định lực học của học sinh miền núi Nghệ An.
 
Bài, ảnh: Ngô Kiên