Thời gian tới, hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam có khả năng bị trả về rất cao do nhiều hóa chất mà Việt Nam đang cho sử dụng trong nông nghiệp lại là hóa chất bị cấm hoặc hạn chế sử dụng ở nhiều nước.
Đây là thông tin được một số hiệp hội ngành hàng sản xuất và xuất khẩu nông sản đưa ra tại Hội thảo Nâng cao năng lực cạnh tranh ngành trồng trọt trong quá trình triển khai các hiệp định thương mại tự do (FTA) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức tại TPHCM hôm nay, 7-7.
Theo ban tổ chức, thời gian qua Việt Nam đã tham gia đàm phán 16 FTA, trong đó, tám hiệp định đã được ký, còn lại đang đàm phán và làm thủ tục phê chuẩn.
Theo báo cáo viên của Bộ NN&PTNT, những thị trường sẽ có lợi thế cho sản phẩm nông sản Việt Nam vẫn là những thị truyền thống lâu nay như Mỹ, EU, Nhật Bản. Đây là cơ hội để nông sản của Việt Nam xâm nhập sâu rộng hơn vào những thị trường này nhờ giá bán sẽ rẻ hơn do không phải chịu thuế cao. Tuy nhiên, một số hàng rào kỹ thuật sẽ được các nước dựng lên, ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu các sản phẩm của ngành trồng trọt như cà phê, hồ tiêu, điều nhân, lúa gạo...
Phía doanh nghiệp cho biết, điều này không phải là cánh báo cho tương lai gần hay tương lai xa mà hiện tại đã có một số doanh nghiệp gặp khó bởi những ràng rào kỹ thuật này. Theo các đại biểu tham dự, đáng lo ngại là hiện tại ở nước ta có những hóa chất được cơ quan quản lý cho phép sử dụng nhưng ở những nước nhập khẩu nông sản của Việt Nam lại không cho phép sử dụng hoặc cho phép nhưng lại quy định khắt khe về dư lượng.
“Một container hàng nông sản xuất khẩu, chúng tôi chỉ có lãi được vài chục triệu đồng nhưng nếu bị trả về thì coi như cả lô hàng đó bị loại bỏ, thiệt hại lên đến vài tỉ đồng”, lãnh đạo một doanh nghiệp xuất khẩu nông sản chia sẻ. Vì thế, theo vị này, ngay từ bây giờ, các cơ quan quản lý cần sớm điều chỉnh các loại hóa chất được dùng trong nước cho phù hợp với các nước, còn không thời gian tới khả năng nông sản Việt Nam sẽ bị trả về do vướng hóa chất cấm là rất cao.
TBKTSG Online