(Baonghean.vn) - Ðược hun đúc từ truyền thống của vùng quê "địa linh nhân kiệt", chịu ảnh hưởng sâu sắc tấm gương vì nước, vì dân của ông nội và người cha thân yêu, người thanh niên Hồ Bá Cự sớm có lòng yêu nước, thương dân sâu sắc
Ðầu năm 1920, Hồ Bá Cự khi đó 24 tuổi, lấy tên Hồ Tùng Mậu, thoát ly gia đình với lời nhắn nhủ đầy nghĩa khí 'Con đi làm việc nước cũng là để báo hiếu với gia đình...'. Tới Quảng Châu (Trung Quốc), Hồ Tùng Mậu nhanh chóng cùng những thanh niên cấp tiến trong tổ chức Việt Nam Quang phục hội do Phan Bội Châu lập ra trước đó thành lập nhóm Tâm tâm xã.
Khi Nguyễn Ái Quốc từ Liên Xô đến Quảng Châu (11-1924), nhờ sự tích cực chắp mối liên lạc của Hồ Tùng Mậu, khoảng tháng 12-1924, Nguyễn Ái Quốc đã gặp các thành viên chủ chốt của Tâm tâm xã: Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Lâm Ðức Thụ, Lê Hồng Phong, Lê Quảng Ðạt... Nguyễn Ái Quốc chọn Hồ Tùng Mậu là một trong số năm thành viên đầu tiên của Cộng sản đoàn, là những hạt nhân để mở rộng tổ chức cách mạng của người Việt Nam ở Quảng Châu.
Hồ Tùng Mậu trợ giúp Nguyễn Ái Quốc tổ chức các lớp huấn luyện cán bộ; quản lý lớp học, chăm lo việc ăn ở, thuốc men, tài liệu học tập, tổ chức các hoạt động ngoại khóa và các sinh hoạt văn hóa cho các học viên...
Chặng đường cách mạng kiên cường, bất khuất của đồng chí Hồ Tùng Mậu trong lao tù đế quốc kéo dài hơn 14 năm. Nhiều nhà tù khắc nghiệt thử thách lòng trung kiên với lý tưởng, với nhân dân, với đất nước của người chiến sĩ cộng sản Hồ Tùng Mậu. Chí khí cách mạng của Hồ Tùng Mậu luôn tỏa sáng giữa chốn lao tù đế quốc:
”Cái nợ non sông trót hẹn hò
Ðường đời bao quản bước quanh co
Anh hùng khôn luận nơi thành bại
Thà chết còn hơn mất tự do”.
Năm 1941, Hồ Tùng Mậu hết hạn tù. Trước khi trả tự do cho đồng chí, chánh thanh tra mật thám ở Vinh là Amber cho dẫn vợ con Hồ Tùng Mậu vào nhà lao và dụ dỗ đồng chí hợp tác với chúng, thôi làm cách mạng. Ðồng chí Hồ Tùng Mậu cương quyết cự tuyệt. Vì sự cự tuyệt đó, chính quyền thực dân đưa Hồ Tùng Mậu đi an trí ở 'căng' Trà Khê (Phú Yên).
Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính hất cẳng Pháp ở Ðông Dương, Hồ Tùng Mậu và các đồng chí tranh thủ cơ hội thoát khỏi 'căng' an trí. Ra khỏi tù được ít ngày, Chính phủ Trần Trọng Kim viết thư mời nhà cách mạng lão thành Hồ Tùng Mậu vào Huế làm cố vấn. Hồ Tùng Mậu khéo léo từ chối lời mời này.
Trong thế hệ những thanh niên yêu nước từ thời kỳ vận động thành lập Ðảng, Hồ Tùng Mậu như người anh cả về tuổi tác và kinh nghiệm hoạt động.
Trưa 11/5/1925, mật thám Pháp bắt Phan Bội Châu ở ga Bắc Thượng Hải rồi bí mật đưa về Hà Nội giam tại nhà lao Hỏa Lò. Biết tin dữ, Hồ Tùng Mậu nhanh chóng viết một bài báo ký tên Hồ Mộng Tống tố cáo âm mưu hãm hại cụ Phan của Pháp trên báo chí Trung Hoa, kêu gọi các nhân sĩ và các tổ chức tiến bộ lên tiếng bảo vệ nhà yêu nước Việt Nam Phan Bội Châu....
“Nhân danh Á Ðông nhược tiểu dân tộc liên hiệp hội, chúng tôi lên tiếng tố cáo trước nhân dân thế giới nói chung và nhân dân Á Ðông nói riêng, hãy vì công lý và nhân đạo, kịch liệt lên tiếng phản đối bọn thống trị Pháp ở Ðông Dương về những hành động bắt người trái phép và đòi họ không được hành tội Phan tiên sinh...”. Bài báo kịp thời của Hồ Tùng Mậu đã làm phá sản âm mưu của thực dân Pháp, cũng là phát súng lệnh mở đầu phong trào đấu tranh rộng lớn dấy lên trên khắp các địa phương đòi thả Phan Bội Châu.
Tháng 6/1931, cũng nhờ sự nhạy bén, kịp thời của Hồ Tùng Mậu báo cho các đồng chí của mình về việc Nguyễn Ái Quốc bị bắt giam trái phép, chính quyền Anh ở Hồng Kông không thể thực hiện âm mưu câu kết với chính quyền Pháp ở Ðông Dương bí mật bắt để chuyển Tống Văn Sơ - Nguyễn Ái Quốc về Ðông Dương. Thông tin kịp thời của Hồ Tùng Mậu đã làm thất bại kế hoạch đã chuẩn bị công phu của chính quyền thực dân Pháp.
Hồ Tùng Mậu chính là người khởi đầu cho sự thất bại hai kế hoạch lớn của mật thám Pháp. Sự nhạy bén của Hồ Tùng Mậu đã góp phần quan trọng đầu tiên giải cứu hai lãnh tụ lớn của Việt Nam trong thế kỷ 20 là Phan Bội Châu và Nguyễn Ái Quốc. Sự nhạy bén đó chỉ có thể có được ở một chiến sĩ cách mạng đã có bề dày kinh nghiệm hoạt động trong những năm khó khăn của phong trào.
Cuối năm 1929, mặc dù vừa mới thoát khỏi sự giam cầm của chính quyền Tưởng Giới Thạch, đồng chí Hồ Tùng Mậu đã nhận thấy nguy cơ của sự chia rẽ giữa những nhóm cộng sản Việt Nam và đã hoạt động tích cực để loại trừ nguy cơ đó.
Ðầu năm 1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã kịp thời tổ chức Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản Việt Nam thành một Ðảng cộng sản chân chính duy nhất. Hồ Tùng Mậu đã tham gia tổ chức hai Hội nghị đầu tiên của Ðảng: Hội nghị hợp nhất thành lập Ðảng cộng sản Việt Nam trong mùa xuân năm 1930 và Hội nghị Trung ương tháng 10/1930. Cả hai Hội nghị đều đã diễn ra thuận lợi, an toàn và thành công.
Năm 1946, chuẩn bị đối phó với cuộc kháng chiến đang đến gần, Hồ Chủ tịch đích thân giao nhiệm vụ cho hai cán bộ dày dạn kinh nghiệm Lê Thiết Hùng và Hồ Tùng Mậu lãnh đạo quân sự và chính trị trên địa bàn xung yếu Chiến khu IV.
Ngay sau khi nhận nhiệm vụ Bác Hồ trao, Chính ủy khu Hồ Tùng Mậu lãnh đạo công tác Ðảng của Chiến khu IV đã nhanh chóng hình thành tổ chức, xây dựng Ðảng trong Chiến khu bộ, trong các chi đội của cả 6 tỉnh, hình thành hệ thống công tác chính trị - tư tưởng trong lực lượng vũ trang chiến khu. Ðồng chí còn là Giám đốc kiêm Chính ủy của Trường quân chính Khu IV - đặt nền móng cho công tác đào tạo cán bộ quân sự chính trị cấp cơ sở cho khu vực Bắc Trung bộ.
Ðồng chí Hồ Tùng Mậu đã vận dụng tốt chính sách đại đoàn kết dân tộc và đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, giữ vững vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh, bám sát chỉ đạo cuộc chiến đấu ở vùng Bình - Trị - Thiên gay go gian khổ.
Từ tháng 12-1949, đảm nhiệm trọng trách Tổng thanh tra Chính phủ, đồng chí Hồ Tùng Mậu đã tổ chức, lãnh đạo cơ quan Thanh tra Chính phủ hoạt động hiệu quả ngay từ những ngày đầu mới thành lập. Cơ quan thanh tra đã thật sự trở thành những “Bao Công của cách mạng”, làm tròn trách nhiệm cao cả Ðảng trao. Lão đồng chí Hồ Tùng Mậu làm việc quên mình với tác phong chan hòa, bình dị và khảng khái với phẩm chất cách mạng tốt đẹp cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, với tinh thần tận tụy, thanh liêm.
Ngày 23/7/1951, khoảng 5 giờ chiều, trên đường đi công tác qua thị trấn Còng (Thanh Hóa), đoàn cán bộ của đồng chí Hồ Tùng Mậu bị máy bay giặc Pháp phát hiện và đuổi bắn. Người cán bộ lãnh đạo ngành Thanh tra Chính phủ đã hy sinh giữa lúc còn tràn đầy năng lực cống hiến.
Tin dữ bay về Việt Bắc, Hồ Chủ tịch nghẹn ngào viết Lời điếu chia tay người đồng chí lâu năm, người cộng sự gần gũi và đắc lực: “... Mất chú, đồng bào mất một người lãnh đạo tận tụy, Chính phủ mất một người cán bộ lão luyện. Ðoàn thể mất một người đồng chí trung thành, và tôi mất một người anh em chí thiết”.
Trọn cuộc đời cách mạng 31 năm không ngừng nghỉ, đồng chí Hồ Tùng Mậu từ một người yêu nước đã trở thành một chiến sĩ cộng sản, một cán bộ lão luyện trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc. Ðồng chí Hồ Tùng Mậu đã thật sự trở thành tấm gương trong sáng của một người cộng sản: có lý tưởng cao cả, hoạt động nhiệt thành, phẩm chất kiên trung, trí tuệ mẫn tiệp, phong cách bình dị. Tên tuổi đồng chí là niềm tự hào của đất nước, của quê hương.
Thái Bình (Tổng hợp)