(Baonghean) - Còn 2 tháng nữa đến Tết Nguyên đán nhưng hiện các đơn vị sản xuất kinh doanh đã chuẩn bị nguồn hàng phục vụ thị trường. Đặc biệt, 7 doanh nghiệp được giao thực hiện Chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 đã tập kết hàng đầy đủ phục vụ nhu cầu người dân.

Để bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa dịp cuối năm 2016 và dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, góp phần ổn định kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, UBND tỉnh đã đồng ý đề nghị của Sở Công Thương hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng để mua 3 mặt hàng dự trữ phục vụ Tết Nguyên đán 2017.

Theo đó, 3 mặt hàng chính được dự trữ với trị giá 57,5 tỷ đồng, gồm gạo tẻ, gạo nếp và dầu ăn. Cụ thể gồm: 2.060 tấn gạo tẻ trị giá 25 tỷ đồng; 120 tấn gạo nếp trị giá 2,5 tỷ đồng và 900.000 lít dầu ăn trị giá 30 tỷ đồng. Thời gian dự trữ là 3 tháng, từ ngày 15/12/2016 đến ngày 15/3/2017.

Các doanh nghiệp tự vay vốn ngân hàng để mua và dự trữ những mặt hàng được giao, tỉnh sẽ hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay ngân hàng trên cơ sở hợp đồng vay, khế ước nhận nợ, hoá đơn nhận hàng và số lượng hàng hoá dự trữ trên được lưu trong thời gian quy định.

7 doanh nghiệp được hỗ trợ lãi suất dự trữ hàng hoá thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán Đinh Dậu gồm: Công ty TNHH thương mại Nam Long, Công ty CP Hữu Nghị, Công ty TNHH Nông sản thực phẩm Nghệ An, Công  ty TNHH TM&DV Đức Thành, Công ty CP XNK lương thực Thành Sang, Công ty TNHH Nhật Minh Tâm và Công ty TNHH Hùng Tiến.

images1769934_bna_584d65ca44bf9.jpgLãnh đạo Bộ Công Thương kiểm tra công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ thị trường Tết ở cơ sở.

Tại thành phố Vinh, Công ty TNHH Nam Long - tổng đại lý dầu ăn, đơn vị được hỗ trợ tiền lãi suất dự trữ hàng cũng đã tập kết hàng đầy đủ. Trong kho hàng 300.000 lít dầu ăn đã được chuyển về gồm: dầu Neptuyn, Simply, Meizan… Chị Võ Thị Thảo – Phó Giám đốc Công ty TNHH Nam Long - cho biết, năm nay chúng tôi được hỗ trợ lãi suất để dự trữ 300.000 lít dầu ăn tổng giá trị 11,6 tỷ đồng. Dự kiến tháng Tết chúng tôi tiêu thụ khoảng 800 tấn dầu ăn, ngoài dầu ăn, đơn vị cũng chuẩn bị đường trắng, sữa,… tổng doanh số các mặt hàng đạt 40 tỷ đồng, tăng 15% so với tháng thường.

Ngoài ra, còn có một số mặt hàng kinh doanh của doanh nghiệp như đường, sữa... Với 2 điểm bán hàng bình ổn ở TP. Vinh và 3 xe tải chuyên chở hàng cung ứng đến tận các huyện, thành, thị trong tỉnh: Quỳnh Lưu, Yên Thành, Diễn Châu, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương, Đô Lương…

Năm nay, doanh nghiệp được giao dự trữ hàng bình ổn có thêm doanh nghiệp đóng tại địa bàn miền núi Quế Phong là Công ty TNHH Nhật Minh Tâm. Hiện nay doanh nghiệp này cũng đã chủ động nguồn hàng phục vụ đồng bào gồm 30 tấn gạo tẻ, 150.000 lít dầu ăn với tổng trị giá hàng 3,8 tỷ đồng được hỗ trợ lãi suất 0% trong 3 tháng.

Nằm trong chương trình công tác bình ổn thị trường Tết Nguyên đán Đinh Dậu, vừa qua, đoàn công tác liên ngành do Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa dẫn đầu đã làm việc với UBND tỉnh Nghệ An về công tác đảm bảo hàng hóa cuối năm 2016 và Tết Nguyên đán 2017. Tại cuộc làm việc, thứ trưởng đề nghị tỉnh cần đánh giá sát đúng hơn nguồn cung, nhu cầu hàng hoá, nhất là các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn để chủ động có phương án hoặc đề xuất với các cấp có thẩm quyền biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đứt nguồn hoặc tồn ứ hàng hóa sau Tết. Thứ trưởng nhấn mạnh tỉnh cần có những chính sách sát đúng với công tác dự trữ, bình ổn giá, đồng hành cùng doanh nghiệp và sẵn sàng các phương án hạn chế, xử lý thông tin thất thiệt liên quan đến thị trường dịp Tết.

Hiện ngành Công Thương đang tăng cường giám sát thị trường, triển khai các biện pháp kiểm soát hoạt động phân phối, thu mua hàng hóa nông sản, thực phẩm thiết yếu, hạn chế tối đa các hành vi gây nhiễu thị trường, đầu cơ, găm hàng, nâng giá. Hệ thống các đơn vị tín dụng cũng được giao trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất vay vốn phát triển sản xuất phục vụ người dân trong dịp Tết.

Bà Võ Thị An – Phó Giám đốc  Sở Công Thương cho biết, chúng tôi chủ động theo dõi, dự báo sớm nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu tại địa bàn quản lý để chủ động có phương án bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường hàng hóa Tết. Sở cũng hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường nội địa, triển khai dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường; tiếp tục thực hiện chương trình đưa hàng Việt Nam về nông thôn kết hợp đẩy mạnh hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Song song với đó, chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng có liên quan kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng và các hành vi vi phạm về niêm yết giá bán hàng, đầu cơ găm hàng, kinh doanh hàng hóa hết hạn sử dụng,… Việc kiểm tra tập trung các mặt hàng như: Lương thực, thực phẩm kém chất lượng, hoạt động vận chuyển các loại hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm; các mặt hàng thiết yếu…

Bài, ảnh: Thu Huyền

TIN LIÊN QUAN