(Baonghean) - Trong khi hộ nghèo và các đối tượng khác đã được hưởng chính sách tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng CSXH thì hộ cận nghèo với đời sống mọi mặt không nhỉnh hơn hộ nghèo là bao, họ vẫn thiếu vốn đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế, nên với thực tế như lâu nay chưa được quan tâm tiếp sức từ nguồn tín dụng ưu đãi, nguy cơ tái nghèo đối với hộ cận nghèo rất cao.
Theo kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo ở Nghệ An đến cuối năm 2011 có đến 117.286 hộ, bao gồm cả hộ thoát nghèo những năm trước đó, chiếm 15,97%, cao hơn mức bình quân của khu vực Bắc Trung bộ 13,78%, trong lúc đó cả nước là 6,89% hộ cận nghèo. Số hộ cận nghèo chủ yếu tập trung vào các hộ thuần nông ở nông thôn miền núi, vùng đồng bằng ven biển, các hộ tiểu thương nhỏ.
Giao dịch tại Ngân hàng chính sách Nghi Lộc Ảnh: Quỳnh Lan
Đến một số huyện, tiếp cận với các hộ cận nghèo cho thấy, ngoài một số hộ nghèo và các đối tượng khác đã được xác định hưởng chính sách vay vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH, hộ cận nghèo tuy còn thiếu vốn đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế gia đình nhưng chưa hề được vay nguồn vốn nào nên nguy cơ trở lại hộ nghèo rất cao. Tại huyện Quỳ Châu, bà Sầm Thị Hòe - Chủ tịch Hội Nông dân xã Châu Hội, cho biết: Qua khảo sát, xã Châu Hội có 944 hộ nghèo ở 13 bản, trong đó có 152 hộ cận nghèo chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, khó khăn cũng ngang với hộ nghèo do thiếu vốn đầu tư cho sản xuất, chẳng hạn như có đất vườn rừng nhưng lại thiếu vốn để đầu tư mua cây giống trồng rừng... Gia đình chị Vi Thị Hồng Hà, 1 trong 25 hộ cận nghèo bản Hội 1, xã Châu Hội cho biết. Gia đình có 2 sào ruộng và 1 ha rừng đều thiếu vốn mua sắm tư liệu sản xuất đầu tư trồng rừng phát triển kinh tế gia đình. Trước đó, gia đình chị thuộc diện hộ nghèo được vay 20 triệu đồng đã hết hạn trả hết nợ, nay do đau ốm phải đi chữa bệnh, không còn vốn tái sản xuất nên trở lại hộ cận nghèo. Chị mong muốn gia đình được tiếp tục vay từ 30-40 triệu đồng để đầu tư mua cây keo giống trồng rừng và phát triển trang trại nhỏ. Ông Đỗ Kim Phượng, tổ trưởng tổ vay vốn thuộc Hội Cựu chiến binh bản Hội 1, cho biết thêm, trong số 47 hộ nghèo, có 25 hộ cận nghèo bao gồm cả hộ thoát nghèo như gia đình chị Hà trước đó. Các hộ cận nghèo rất khó khăn và có nguy cơ thành hộ nghèo do thiếu vốn sản xuất, nên họ có nhu cầu được vay vốn rất cao từ 30 đến 50 triệu đồng với lãi suất ưu đãi cao hơn cho vay hộ nghèo một mức; thời hạn cho vay cũng phải dài hơn. Cùng chung ý kiến như ông Đặng Kim Phượng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quỳ Châu - Vi Văn Vân cho biết, hộ cận nghèo ở huyện Quỳ Châu rất cao chiếm 25%, họ rất thiệt so với hộ nghèo. Nếu vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp, số hộ này không đủ tài sản thế chấp. Nếu được quan tâm có thể cho đối tượng này được vay từ 30 đến dưới 50 triệu đồng, mức lãi suất có thể cao hơn so với cho vay hộ nghèo 0,05% thời gian từ 3 đến 5 năm để họ đầu tư trồng rừng, khai hoang trồng mía...
Về Châu Thành, một xã vùng sâu, vùng xa của huyện Quỳ Hợp, bà Nguyễn Thị Thanh - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho biết, xã có tỷ lệ dân tộc thiểu số chiếm 95%, chủ yếu là dân tộc Thái. Khảo sát đến cuối năm 2011 có đến 380 hộ nghèo, chiếm 51,5%, tỷ lệ cao nhất huyện, trong đó 305 hộ cận nghèo. Hộ cận nghèo của xã này chủ yếu một phần do trình độ làm ăn hạn chế, thiếu vốn, đặc biệt ở bản Piêng Căm tỷ lệ hộ cận nghèo rất cao do thiếu đất sản xuất lại thiếu vốn. Do vậy ai cũng mong được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH từ 30 đến 50 triệu đồng với lãi suất có thể cao hơn hộ nghèo một mức hiện nay là 0,75%/ tháng; thời hạn cho vay từ 5 đến 7 năm bằng chu kỳ thu hoạch cây keo nếu đầu tư trồng rừng. Tương tự ý kiến đó, bà Xạ Thị Hoa, tổ trưởng tổ vay vốn Hội Phụ nữ khối 19, Thị trấn Qùy Hợp cho biết trong khối có 7 hộ cận nghèo cũng mong ước được vay vốn ưu đãi để phát triển chăn nuôi, đầu tư phát triển dịch vụ thương mại. Chị Lê Thị Minh An, hộ cận nghèo xóm Đồng Bồng, xã Yên Hợp cũng bày tỏ: Gia đình cũng mong được vay vốn ưu đãi từ 30 đến 50 triệu đồng thời hạn tối thiểu là 5 năm để đầu tư trồng 2 ha đất rừng và một số diện tích có thể khai hoang trồng mía, mở rộng chăn nuôi dê...
Bà Phan Thị Trí, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Hội đồng quản trị, NHCSXH chi nhánh Quỳ Hợp cũng cho rằng: Thực sự hộ cận nghèo có nhu cầu được tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi rất cao có thể tùy theo mức độ, nhu cầu của từng hộ để cho vay với mức lãi suất cao hơn so với cho vay hộ nghèo một mức; nếu được vay vốn từ nguồn này sẽ tạo được sự bền vững để xóa nghèo.
Ở Thị xã Thái Hòa, nhu cầu được tiếp cận tín dụng ưu đãi cũng rất cao. Theo ông Vương Sỹ Hòa - Giám đốc Ngân hàng CSXH thị xã cho biết, trước đó thị xã đã có đề án đề cập đến hộ cận nghèo, đề nghị Nhà nước quan tâm cho hộ cận nghèo được vay vốn ưu đãi do thu nhập của hộ cận nghèo không cao hơn hộ nghèo, vì trình độ phát triển kinh tế hạn chế, đặc biệt lại thiếu vốn mua sắm tư liệu sản xuất. Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Thuận, một trong số xã có tỷ lệ hộ nghèo khá cao của thị xã cho biết, toàn xã có 192 hộ cận nghèo vừa thiếu vốn mua tư liệu sản xuất lại không có kiến thức làm ăn, một số khó khăn do đông con... Tại xã Nghĩa Thuận, đa số hộ cận nghèo như gia đình Cao Xuân Trường, Lê Thị Dân, xóm 7B... đều mong muốn được vay tối thiểu từ 30 đến 40 triệu đồng với lãi suất ưu đãi để mua một cặp trâu sinh sản, máy cày, xe kéo, đầu tư hệ thống máy bơm nước... tham gia sản xuất vùng rau tập trung chất lượng cao của thị xã.
Qua tìm hiều ở các địa phương khác, nhu cầu của các hộ cận nghèo được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH để đầu tư sản xuất phát triển kinh tế xóa nghèo bền vững là rất cao. Thiết nghĩ, sắp tới đối tượng này rất cần được quan tâm hỗ trợ từ chính sách vốn vay ưu đãi của Nhà nước.