Đó là các hậu vệ Lê Thành Lâm, Hồ Trọng Vang, Thái Bá Sang, Nguyễn Văn Sơn, Bá Đức, cùng các tiền vệ Bùi Đình Châu, Trần Ngọc Ánh, Thái Bảo Trung, Nguyễn Văn Việt, Trần Đình Tiến và tiền đạo trẻ Trần Tiến Anh.
Trong những cái tên trên thì chỉ có trung vệ Bá Đức 21 tuổi đã được “nhúng tên” vào bảng điện tử của trọng tài trên sân Nha Trang. Phút 90+3 khi SLNA đang dẫn S.Khánh Hòa 4-1, Bá Đức đã được vào sân thay Võ Ngọc Toàn và chạm bóng…đúng 1 lần, hình như chưa kịp ra mồ hôi. Một ví dụ “tư duy nhiệm kỳ” và biểu hiện “nhát bóng” của BHL SLNA!
Điểm thừa, “giờ bay” thiếu
Số phận trung vệ Lê Thành Lâm còn bi đát hơn, khi không được ra sân 1 phút nào suốt cả mùa giải. Chuyện Bá Đức, Thành Lâm, Sỹ Nam, Thế Nhật liên tục bị nhốt trên ghế dự bị, trong khi các trụ cột lần lượt rũ nhau ra đi cuối mùa bóng khiến cho SLNA có một khoảng trống mênh mông mà HLV Quang Trường phải xoay xở trong 2 tháng chuẩn bị mùa giải.
Ngay như trung vệ Thế Nhật đã 28 tuổi, có thâm niên 6 V.League nhưng 2 năm vừa qua chỉ được ra sân 7 trận/mùa là điều khá khó hiểu. Nếu BHL xác nhận Thế Nhật không phát triển được thì cần trao vị trí cho cầu thủ trẻ. Nếu tiếp tục dùng trung vệ ngoại đá cặp với Văn Khánh thì khiến cả 5-6 hậu vệ trẻ…ngồi chờ, không biết đến bao giờ.
Bài học về cách dùng cầu thủ trẻ của Hà Nội rất cần được SLNA nghiên cứu, áp dụng. Ảnh: VFF
Có thể thấy Đậu Văn Toàn (22 tuổi) của Hà Nội FC có trình độ không hơn Thế Nhật nhưng trong mục tiêu bảo vệ chức vô địch vẫn được HLV Chu Đình Nghiêm cho ra sân 6 trận mới thấy cách dùng trẻ của SLNA “nhát tay”. BHL Hà Nội đã mạnh dạn tung Văn Nam (19 tuổi), Viết Trường (21 tuổi)… vào đá V.League 2019.
Ở một tầm thấp hơn, nhưng BHL Bình Dương đã tung Thiện Đức (20 tuổi), Anh Tỷ, Trọng Huy, Anh Vũ (đều 22 tuổi) vào sân và sớm trưởng thành. Tiền đạo Việt Cường mới 19 tuổi nhưng cũng được HLV Thanh Sơn cho ra sân 3 trận và đã có 1 bàn thắng. Còn tiền đạo Tiến Linh 22 tuổi cũng đã có 4 mùa bóng ra sân với 63 trận, ghi được 26 bàn thắng và sớm thành trụ cột của cả CLB lẫn đội tuyển.
Không phải ngấp nghé khu vực xuống hạng, cuối mùa bóng thừa khá nhiều điểm nhưng HLV Đức Thắng vẫn không trao cơ hội cho các cầu thủ trẻ. Ngược lại, BHL SLNA “tận thu” các cầu thủ ngoại, các trụ cột đến tận giờ phút cuối cùng, trước khi họ rời sân Vinh là điều đáng phê phán.
Do BHL không có con mắt nhà nghề hay chưa đủ lòng tin dành cho các học trò của mình, cũng có thể tâm lý “sợ thua” đã khiến các nhà cầm quân xứ Nghệ chùn tay. Các cầu thủ ngoại, chỉ cần khỏe mạnh là hiển nhiên được vào sân, thậm chí mua tiền đạo nhưng về chỉ để phòng ngự cho không thua là được.
Khi SLNA không chịu “cài cắm” vài cầu thủ trẻ vào mùa giải V.League năm ngoái lấy kinh nghiệm thi đấu thì đến nay HLV Quang Trường đang phải gánh hậu quả khi buộc phải tung những khuôn mặt mới tinh vào trận. Với bóng đá, nếu cầu thủ trẻ mà không có đủ “giờ bay” thì đừng vội hy vọng kết quả.
“Khoảng trống mênh mông”
Nhìn những sự nỗ lực của Bùi Đình Châu, Trần Ngọc Ánh, Thái Bảo Trung và các đồng đội trẻ trong trận giao hữu với Thanh Hóa là rất đáng ghi nhận. Song những đường chuyền như thế, chưa thể khiến cho khán giả có chút hy vọng. Nhìn bài học HAGL khi tung lứa Công Phượng, Văn Toàn vào đá V.League cách đây 4 năm, không ít cổ động viên xứ Nghệ bắt đầu lo ngại.
Xuân Mạnh sẽ có nhiệm vụ dìu dắt đàn em. Ảnh: VFF
Sân chơi V.League được cho là khắc nghiệt hơn rất nhiều các giải trẻ. Các đàn anh không ngại đá rát, chơi tiểu xảo để “đè” các cầu thủ trẻ lần đầu ra sân. Việc cùng lúc phải đôn lên các cầu thủ trẻ, khi thua trước sẽ rất khó đá dễ dẫn đến vỡ trận.
HLV Quang Trường còn có vài trận đấu thử nghiệm tại Giải Viettel (mở rộng) từ ngày 10/1/2020 sắp tới để xác định chính xác “chân giò” các cầu thủ trẻ để đưa ra quyết định cuối cùng. Nhưng ngay từ bây giờ người ta đã thấy “khoảng trống mênh mông” khu vực giữa sân của đội bóng xứ Nghệ.
HLV Quang Trường từ chối nói về mục tiêu mùa giải của SLNA cũng là điều dễ hiểu. Nhưng người hâm mộ vẫn đang trông chờ vào “nghệ thuật lắp ghép” của Quang Trường lúc này!