Trong những ngày gần đây, thông tin có những đối tượng không chủ động cách ly và trốn khỏi khu cách ly do tiếp xúc với người nhiễm, người thân nhiễm, vùng nhiễm Covid-19 khiến dư luận bức xúc và khá hoang mang.
Đó là trường hợp một nam hướng dẫn viên làm việc trên tàu Diamond Princess (Tàu này có 61 khách nhiễm virus Corona, từng cập Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long hôm 28/1) nhưng không đeo khẩu trang, bỏ trốn khỏi khu cách ly rồi sau đó mới quay trở lại. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh đã lấy mẫu bệnh phẩm của nam hướng dẫn viên này gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật của tỉnh. Rất may là nam hướng dẫn viên đã có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19.
Trường hợp mới nhất là người phụ nữ 44 tuổi (quê Hải Phòng) đã được Công an Trung Quốc trao trả cho Công an tỉnh Lạng Sơn, sau hai ngày trốn khỏi khu cách ly ở Trung đoàn 123 thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lạng Sơn.
Có thể nói rằng, hơn bao giờ hết cả xã hội đang cần mọi người nêu cao ý thức công dân, ý thức trách nhiệm với xã hội. Trong khi xã hội đang chung tay phòng chống Covid-19, các nhân sự của ngành y tế đang căng mình ra để chữa trị cho những bệnh nhân không may bị "dính" Covid-19 thì những hành động bỏ trốn đáng bị lên án, cần thực hiện nghiêm theo quy định của pháp luật để răn đe, cảnh tỉnh cho những ai có lối sống ích kỷ, vô ý thức, vô trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng.
Trao đổi về vấn đề này Tiến sỹ, Luật sư Nguyễn Trọng Hải - Trưởng văn phòng Luật sư Trọng Hải và cộng sự cho biết: Hành vi của những người nói trên mang nguy cơ phát tán nguồn lây nhiễm không thể lường trước. Trên phương diện các quy định của pháp luật, cụ thể: Theo luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm nhận thấy Covid-19 là đặc biệt nguy hiểm, có khả năng lây lan rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao, được xác định là loại bệnh nhóm A có mức độ nghiêm trọng nhất.
Một trong những biện pháp phòng chống dịch là cách ly người bệnh và khai báo y tế, hành vi không chủ động cách ly hay trốn khỏi khu cách ly đều là hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Điều 8 luật này. Đối với hành vi này không chỉ chịu trách nhiệm trước cộng đồng xã hội mà còn trước pháp luật. Mức xử phạt hành chính được quy định tại điểm b, khoản 2 Điều 10 nghị định 176/2013/NĐ-CP với mức phạt từ 5 triệu đến 10 triệu đồng.
Người vi phạm quy định về cách ly còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 240 Bộ luật Hình sự 2015 về Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người với mức phạt từ 50 đến 200 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 1 đến 5 năm. Nếu hành vi vi phạm dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh hoặc Bộ trưởng Y tế hoặc làm chết người, hình phạt là từ 5 đến 10 năm tù...
Chúng ta không ai kỳ thị hay phân biệt đối xử với người nghi nhiễm hay đã nhiễm Covid-19. Mọi thành phần, nguồn lực trong xã hội đang được huy động để cùng giám sát, cách ly, theo dõi, chữa trị nhằm hướng đến mục tiêu tốt nhất, hiệu quả nhất cho cộng đồng trước đại dịch Covid-19.