(Baonghean) - Phổ điểm trung bình cao, hơn 95% thí sinh đậu tốt nghiệp là kết quả nội bật của các thí sinh Nghệ An tại  kỳ thi THPT quốc gia. Điều này, chắc chắn cũng sẽ tác động nhiều đến công tác tuyển sinh của các trường đại học năm nay, đặc biệt là những trường nằm trên địa bàn tỉnh.
 
Theo kết quả vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố cụm thi số 25 do Trường Đại học Vinh chủ trì với 37.000 thí sinh dự thi, chỉ có 160 thí sinh bị điểm liệt (từ 1 điểm trở xuống). Cụm thi địa phương có 464 thí sinh bị điểm liệt.  Những môn  thi khác, dù cụm thi Vinh là cụm thi có số lượng thí sinh đông nhất cả nước nhưng phổ điểm trung bình khá cao. Trong đó cao nhất là môn Địa lý với 9.940/.10.854 có điểm trung bình trên 5 điểm (đạt tỷ lệ 91,58%), môn Lý là 82,3%, môn Hóa là 81,53%, môn Toán là 67,56%, môn Sử là 66,69%, môn Sinh là 53,1%. Riêng môn tiếng Anh, mặc dù là môn thi bắt buộc với gần 32.000 thí sinh dự thi, nhưng năm nay lại là môn “mất mùa” vì chỉ có 3.600 thí sinh đạt điểm trung bình từ 5 điểm trở lên (1,57%). Tỷ lệ thí sinh đạt từ 6 - 9 điểm chỉ chiếm 7%.
 
 Ngoài ra, số thí sinh có điểm khá, giỏi cũng chiếm tỷ lệ không nhỏ. Ví như với môn Toán trong số 24.144 thí sinh có điểm 5 trở lên thì có đến 14.905 thí sinh có điểm từ 6 - 7,5 điểm, có 3.900 thí sinh có điểm từ 8 - 10 điểm và có 962 thí sinh có điểm từ 9 - 10 điểm. Với môn Văn, có gần 10.00 thí sinh có điểm từ 6 - 7,5 điểm, có 81 thí sinh có điểm từ 9 - 10 điểm. Đặc biệt, cụm thi Vinh là một trong những cụm thi có số điểm 10 nhiều nhất với 37 thí sinh đạt điểm 10. Trong  đó, có 10 điểm 10 môn Toán, 21 điểm 10 môn Hóa, 3 điểm 10 môn Sinh, 2 điểm 10 môn Địa và 1 điểm 10 môn tiếng Anh.
 
images1195391_th__sinh__sau_gi___thi_t_i_di_m_thi_tru_ng___i_h_c_vinh__nh_m.h.jpgThí sinh sau giờ thi tại điểm thi Trường Đại học Vinh.
 
Kết quả này là một thành công trong cách ra đề của đề thi năm nay bởi theo chủ trương ban đầu 60% đề thi sẽ ra ở mức cơ bản nhằm đảm bảo thí sinh có thể đạt điểm trung bình và 40% còn lại sẽ được ra ở mức nâng cao. Trên thực tế, tại Nghệ An, 95,8% thí sinh đáp ứng yêu cầu này và đủ điều kiện để công nhận tốt nghiệp (bình quân chung của cả nước là 91,58%). Điểm số khá cao, dự kiến điểm sàn để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng có thể sẽ cao hơn những năm trước từ 1 - 2 điểm. Nhận định của một số giáo viên cũng cho thấy, với những thí sinh lựa chọn các môn tự nhiên với các tổ hợp xét tuyển như Toán -  Lý - Hóa, Toán - Hóa - Sinh… hoặc các môn xã hội như Văn - Sử - Địa sẽ không có nhiều biến động trong quá trình xét tuyển. Nhưng với riêng thí sinh đăng ký tổ hợp có môn tiếng Anh, điểm đầu vào có thể sẽ thấp, bởi tỷ lệ thí sinh có điểm trung bình rất thấp. Điều này khác với những năm trước  bởi tiếng Anh là môn “ăn điểm” của thí sinh.
 
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ ngày 1/8 đến 20/8, các trường đại học bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển đợt đầu tiên. Đây cũng là năm đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai việc xét tuyển vào các trường đại học theo hình thức này. Điều đó, khiến nhiều thí sinh khá bỡ ngỡ bởi thay vì đăng ký trước như trước đây thì năm nay thí sinh phải căn cứ vào điểm thi rồi mới quyết định chọn trường. Lựa chọn vào trường nào là một điều khó khăn, đặc biệt là với những thí sinh có điểm thi ở mức vừa phải.
 
Về phía các trường đại học, cũng sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển sinh, đặc biệt là những trường không thuộc tốp đầu. Ở Trường Đại học Vinh, năm nay nhà trường có hơn 5.000 chỉ tiêu dành cho 43 ngành. Những năm trước, thí sinh nhập học vào trường gần 90% là thí sinh ở Nghệ An và hai tỉnh lân cận Thanh Hóa và Hà Tĩnh. Riêng kỳ thi năm 2015, dù đây là cụm thi có số lượng thí sinh đông nhất cả nước nhưng nhà trường cho đến thời điểm này không thể xác định được sẽ có bao nhiều thí sinh nộp hồ sơ vào NV1 của nhà trường.
 
Chia sẻ về điều này, thầy giáo Nguyễn Xuân Bình - Trưởng phòng Đào tạo - Trường Đại học Vinh nói rằng: Với những trường thuộc tốp đầu, việc tuyển sinh không quá khó vì chắc chắn lượng thí sinh nộp hồ sơ vào sẽ cao. Tuy nhiên, những trường ở tốp sau, làm sao để vừa tuyển đủ thí sinh, vừa đảm bảo chất lượng là một điều không dễ dàng. Vì vậy, chủ trương của Bộ là dành 75% chỉ tiêu cho thí sinh đăng ký NV1 nhưng chúng tôi sẽ dành khoảng 80%… Để tạo thuận lợi cho thí sinh, trường đã xây dựng một phương án xét tuyển khá “mở”. Ví như, trước đây trường chỉ có các khối thi truyền thống như A, B, C, D… nhưng năm nay có nhiều tổ hợp môn thi mới và có những ngành cùng một lúc xét tuyển đến 4 tổ hợp.
 
Ví dụ như, nhóm ngành Luật thí sinh có thể đăng ký theo các tổ hợp như Toán - Lý - Hóa, Toán - Lý - tiếng Anh, Văn - Sử - Địa, Toán - Văn - tiếng Anh; nhóm ngành kinh tế (Tài chính - Ngân hàng, Kế toán, Quản trị kinh doanh, Kinh tế đầu tư) thí sinh cũng có thể đăng ký theo 3 tổ hợp: Toán - Lý - Hóa, Toán - Lý - tiếng Anh, Toán - Văn - tiếng Anh. Bên cạnh đó, để học sinh yên tâm theo học tại nhà trường, hiện trường cũng xây dựng phương thức đào tạo mới nhằm tạo mọi điều kiện cho sinh viên trong quá trình theo học ví như học 2 ngành, đào tạo theo tín chỉ… Nhà trường đang tập trung chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo ngắn gọn để thích ứng với đào tạo nguồn nhân lực… Tại trường Đại học Kinh tế Nghệ An, trường dành 70% chỉ tiêu đại học và 70% chỉ tiêu cao đẳng để xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia với tổ hợp các môn thi đạt ngưỡng tối thiểu do Bộ công bố. Bên cạnh đó, 30% còn lại trường sẽ dành  xét tuyển cho thí sinh tốt nghiệp THPT và kết quả học tập bậc trung học phổ thông. Điều kiện cũng không quá khó nếu thí sinh được công nhận tốt nghiệp và có điểm bình quân 3 môn của khối xét tuyển ở lớp lớp 11 và kỳ 1 ở lớp 12 (3 kỳ) đạt từ 6,0 điểm trở lên.
 
Ở Trường Đại học Y khoa Vinh, mặc dù trong vài năm trở lại đây trường không quá khó trong việc tuyển sinh và tỷ lệ chọi và điểm đầu vào của trường khá cao nhưng thầy giáo Nguyễn Cảnh Phú, Phó Hiệu trưởng nhà trường cũng cho biết: Trường dự kiến sẽ lấy toàn bộ thí sinh theo NV1. Trong trường hợp ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào quá thấp thì trường mới xem xét tuyển thí sinh NV2.
 
Mặc dù đây là lần đầu tiên Bộ áp dụng phương thức xét tuyển mới, nhưng theo thầy giáo Nguyễn Xuân Bình, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Vinh thì: Thí sinh không quá lo lắng. Điều quan trọng là cần phải xem xét kỹ quy định xét tuyển của các trường, xem xét chỉ tiêu các ngành, các khoa trên cơ sở đó căn cứ vào điểm thi của mình để lựa đăng ký nguyện vọng cho phù hợp. Một điều thuận lợi khác là trong quá trình nhận hồ sơ, các trường sẽ liên tục cập nhật điểm của thí sinh, vì vậy, thí sinh có thể theo dõi vị trí điểm của mình trên tổng thể thí sinh chung. Nếu thấy khả năng trúng tuyển thấp, thí sinh có thể rút hồ sơ để nộp sang trường khác với khả năng trúng tuyển cao hơn. Tuy nhiên, thí sinh cũng cần lưu ý là khi các em đã trúng tuyển vào một ngành, trường nào rồi thì không còn được tham gia xét tuyển những đợt tiếp theo nên cần cân nhắc, lựa chọn trường, ngành đăng ký phù hợp nhất, đặc biệt là trong đợt xét tuyển đầu tiên. 
 
Mỹ Hà