(Baonghean.vn) - Trường PTDTBT THCS Nậm Típ nằm cách trung tâm thị trấn Mường Xén gần 40 km, là địa bàn đặc biệt khó khăn của huyện Kỳ Sơn. Hiện tại trường có hơn 300 học sinh bán trú ăn ở và sinh hoạt tại trường. Với số lượng học sinh lớn như vậy nhưng lúc nào trường cũng đảm bảo rau, thịt thường xuyên cho các em nhờ vào công tác tự trồng rau, nuôi lợn của thầy hiệu trưởng Nguyễn Công Danh.
Đưa chúng tôi vượt qua con suối đang mùa nước cạn cách địa điểm trường hơn 500m, thầy Nguyễn Công Danh - Hiệu trưởng nhà trường tự hào giới thiệu về mô hình vườn rau bán trú mà thầy và trò nơi đây đã đổ bao mồ hôi công sức để xây dựng nên.
Thầy Danh kể rằng, những năm trước nhà trường không có đất để làm rau, vì vậy việc tăng gia sản xuất cải thiện bữa ăn cho học sinh bán trú rất khó khăn, lương thực thực phẩm đều phải đặt mua từ dân bản hoặc lấy từ thị trấn Mường Xén vào. Có một thửa đất bên kia suối được bỏ hoang nhưng không ai dám đưa ra ý kiến sang đó để làm vì công tác khai hoang gặp nhiều khó khăn, hơn nữa làm xong cũng không bảo vệ được vì cách xa trường sợ trâu bò của dân vào phá hoại. Vậy là mấy năm học trôi qua, nhà trường thiếu vẫn hoàn thiếu, học sinh vẫn phải tự túc rau ăn là chính.
Đầu năm học 2014-2015, thầy được Ủy ban nhân dân huyện Kỳ Sơn điều động về đây, nhìn cảnh hơn 300 học sinh bán trú của trường không đủ rau ăn, thầy đã đưa ra một quyết định “táo bạo”. Theo đó, cuối tháng 9/2014 thầy đã trực tiếp làm việc với lãnh đạo xã xin mảnh đất bỏ hoang bên kia suối để khai hoang trồng rau.
2 tháng trời miệt mài, thầy và trò tập trung khai hoang, cải tạo đất, rào vườn không quản nắng mưa. Đích thân thầy Danh đã lặn lội từ trường về đến huyện Tân Kỳ mua giống rau, mua lưới B40 rào vườn, còn cán bộ, giáo viên và học sinh vào từng nhà dân xin phân chuồng về cải tạo đất…
Có vườn, có rau rồi nhưng một khó khăn nữa lại nảy sinh, đó là vấn đề nước tưới. Vì vườn ở trên cao còn suối lại ở thấp nên không thể dùng vòi tưới. Vậy là sau mỗi buổi dạy học thầy và trò lại cùng nhau xuống suối xách nước tưới rau.
Đến nay, thầy đã đầu tư hơn 10 triệu đồng để lắp hệ thống tưới nước tự động nhằm đảm bảo rau có nước thường xuyên mà không phải vất vả. Vườn rau của thầy phát triển nhanh trên diện tích 4000 m2 với đầy đủ các loại như cải trăm lá, cải thìa, cải củ, đậu, mướp, rau dền…cung cấp rau quanh năm cho học sinh trong trường.
Không chỉ đích thân làm vườn rau cho học sinh, thầy Nguyễn Công Danh còn tự tay mua lợn giống về nuôi nhốt làm thức ăn. Thời điểm nhiều nhất đàn lợn của thầy và trò lên đến 16 con. Mỗi sáng sớm và chiều tối thầy lại cùng vài em học sinh lặn lội lấy rau cỏ và thức ăn thừa chăm sóc đàn lợn. Do vậy đàn lợn phát triển nhanh và hơn 300 học sinh bán trú trong trường luôn được đảm bảo nguồn thực phẩm sạch.
Thầy Danh tâm sự rằng: “Có khi công sức và tiền của đầu tư vào vườn rau, nuôi lợn còn lớn hơn cả giá trị trước mắt mà chúng ta thấy, hiệu quả và giá trị của nó về lâu dài còn hơn những gì chúng tôi mong đợi. Đó là học sinh vừa có rau, thịt ăn lâu dài và hơn nữa, các em được giáo dục về kỹ năng sống. Qua công việc như vậy, học sinh được rèn luyện kỹ năng lao động sản xuất, thực hành lao động. Thật là một công đôi việc, giờ đây học sinh có thể hiểu thế nào là trồng trọt, chăn nuôi có hiệu quả, năng suất cao”.
Đào Thọ