(Baonghean.vn) - Mô hình nuôi giun của anh Trần Duy Lớn ở xã Khai Sơn, Anh Sơn cho thu nhập từ 100- 150 triệu đồng/năm; được người dân trong vùng tới học hỏi bởi hiệu quả kinh tế cao, xử lý tốt môi trường.
Nhận thấy đất đai cũng như lợi thế tại địa phương phù hợp phát triển kinh tế trang trại, năm 2014 anh Trần Duy Lớn đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng 250 triệu đồng để xây dựng trang trại chăn nuôi trên diện tích 7 ha đất đồi Chọ Dọc ở thôn 8, xã Khai Sơn.
Ban đầu, anh mua 10 con bò về nuôi, nhưng trong quá trình nuôi chất thải của bò gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến các gia đình xung quanh. Để xử lý chất thải của bò, anh Lớn tìm hiểu thông tin trên Internet và nhận thấy mô hình nuôi giun quế rất phù hợp; có thể giúp tận dụng chất thải của gia súc, rơm rạ hoai mục làm thức ăn cho giun quế, lại góp phần tích cực vào việc bảo vệ môi trường.
Năm 2015, qua sự giới thiệu của bạn bè, anh Lớn mua 1 tạ sinh khối giun quế về nuôi. Vừa làm, vừa thử nghiệm trên diện tích nhỏ khoảng 10 m2.
Thời gian đầu khi bắt tay vào thực hiện, anh Lớn gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh nghiệm. Khi giun đang trong giai đoạn phát triển thì chuồng nuôi giun bị dế bay đào hang khắp nơi ăn hết giun và trứng. Đến khi thấy trên bề mặt xốp do dế đào hang nhiều anh mới phát hiện ra thì giun đã bị ăn gần hết.
Rút kinh nghiệm từ lần thất bại trước, lần này anh chú trọng đến khâu bảo vệ cho chuồng trại không để các loại côn trùng xâm nhập vào và và tự mày mò kỹ thuật nuôi giun qua sách, mạng Internet … Nhờ vậy việc nuôi giun đã thuận buồm xuôi gió; đến nay anh đã mở rộng thêm diện tích nuôi lên 60m2.
Theo anh Trần Duy Lớn, nuôi giun quế khá đơn giản. Nguồn nguyên liệu nuôi giun được tận dụng từ phân gia súc và phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, thân cây ngô… Giun có khả năng sinh sản nhanh, 2 - 3 ngày cho giun ăn 1 lần với cách cho ăn trực tiếp và tưới nước đều để giun có điều kiện phát triển tốt. Áp dụng phương pháp này, sau 1 tháng là đã có phân vi sinh thu hoạch.
Anh Lớn chia sẻ kinh nghiệm: Đặc điểm của giun quế rất ưa bóng tối, do vậy các sàn nuôi giun quế phải được che đậy cẩn thận và ngăn các loại như cóc, dế, côn trùng vào. Hiện nay, với diện tích 60m2 nuôi giun quế, anh dùng để bổ sung lượng thức ăn cho 300 con gà mỗi lứa; mỗi năm anh xuất bán được 2-3 lứa gà.
Các lứa gà được anh dùng giun quế làm thức ăn bổ sung sẽ giảm bớt được 2/3 chi phí thức ăn; rút ngắn 1/3 thời gian chăn nuôi. Anh Lớn nhẩm tính, mỗi lứa gà nếu như dùng thức ăn công nghiệp thì phải mất 17- 20 triệu đồng, khi nuôi giun quế anh đã tiết kiệm được gần 15 triệu đồng.
Đặc biệt giun quế có nhiều chất đạm nên gà lớn nhanh, có sức đề kháng tốt, ít bị dịch bệnh, hơn nữa cách nuôi này cho sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng. Nuôi giun quế còn xử lý được chất thải từ phân gia súc, gia cầm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường lại chuyển hóa từ phân gia súc, gia cầm thành phân hữu cơ cho cây trồng.
Với diện tích 7 ha đất đồi, anh quy hoạch 5ha trồng keo tràm, 200 gốc chanh; 2 ha xây chuồng trại nuôi 100 con lợn thịt mỗi lứa, 10 con bò, 60 con dê, 300 con gà thịt.
Lượng chất thải chăn nuôi giờ được sử dụng cho giun quế “ăn” hàng ngày nên anh Lớn không phải lo nghĩ cách xử lý chất thải. Sau 3 năm gây dựng, mô hình trang trại tổng hợp này mỗi năm cho thu nhập 100- 150 triệu đồng. Dự định thời gian tới anh Lớn sẽ mở rộng diện tích nuôi giun để cung cấp cho bà con quanh vùng.
Chị Lê Thị Thương - Bí thư Đoàn xã Khai Sơn cho biết: Hiện nay mô hình nuôi giun quế lấy phân vi sinh kết hợp với phát triển kinh tế trang trại tổng hợp của anh Trần Duy Lớn được nhiều người đến tham quan, học tập kinh nghiệm.
Thái Hiền