(Baonghean) - Nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng đất bãi ven sông Lam, vụ đông năm 2013, Phòng nông nghiệp huyện Hưng Nguyên phối hợp với công ty cổ Phần STEVIA Á Châu xây dựng mô hình sản xuất cà rốt hàng hóa tại xã Hưng Khánh. Sau hơn 3 tháng sản xuất cho thấy cà rốt là cây trồng  phù hợp với đất bãi ven sông Lam và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn các loại cây trồng truyền thống.

Vụ đông xuân 2013 - 2014, lần đầu tiên gia đình anh Võ Quang Vận  ở xóm 3, xã Hưng Khánh đưa cây cà rốt vào trồng trên diện tích 1 sào đất bãi. Cũng như bao gia đình nông dân khác, từ trước tới nay gia đình anh chỉ quen với các loại cây trồng truyền thống như ngô, đậu lạc…. Năm nay thực hiện chuyển đổi cơ cấu, đưa cây trồng mới vào thay thế cây trồng truyền thống, lúc đầu gia đình anh cũng còn ngần ngại. Thế nhưng sau khi được đội ngũ cán bộ, kỹ sư của Công ty đầu tư phát triển STEVIA Á Châu tuyên truyền, tập huấn, gia đình anh đã mạnh dạn tham gia mô hình.

Trải qua những tháng ngày vất vả cùng cây cà rốt từ gieo trỉa, tưới nước, tỉa thưa, chăm bón, làm cỏ, vun trồng, nay cây cà rốt đã cho củ. Mặc dù còn 20 ngày nữa mới bước vào vụ thu hoạch nhưng hiện nay cà rốt của anh đã đạt trọng lượng từ 15-20 gam/củ. Trên diện tích 1 sào, dự kiến sẽ thu hoạch được hơn 2 tạ củ. Với giá bán theo hợp đồng đã ký với Công ty Á Châu là 3.000 đồng/ kg, tính ra vụ cà rốt này gia đình anh Vận thu về hơn 6 triệu đồng. “So sánh 1 sào lạc  1-1,5 tạ được 2-3 triệu đồng mà cà rốt được 5-6 triệu đồng thì trồng cà rốt hiệu quả hơn”. - Anh Vận cho biết.

Cán bộ phòng Nông nghiệp và Trạm Khuyến nông Hưng Nguyên kiểm tra mô hình trồng cà rốt tại xã Hưng Khánh.
Cán bộ phòng Nông nghiệp và Trạm Khuyến nông Hưng Nguyên kiểm tra mô hình trồng cà rốt tại xã Hưng Khánh.

Mô hình sản xuất cà rốt hàng hóa tại Hưng Khánh được thực hiện trên diện tích 6 ha tại vùng đất bãi phù sa ven sông Lam, với hơn 100 hộ tham gia. Công ty Á Châu  cung cấp hạt giống, thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời cử 10 cán bộ xuống hướng dẫn kỹ thuật và trực tiếp làm với bà con nông dân để chuyển giao quy trình sản xuất. Thực tế sản xuất cho thấy, cà rốt là cây trồng yêu cầu thâm canh cao hơn so với các loại cây trồng truyền thống mà trước đây bà con nông dân vẫn sản xuất. Anh Nguyễn Văn Hiếu, cán bộ kỹ thuật Công ty đầu tư phát triển STEVIA Á Châu cho biết: “Đất trồng cà rốt phải làm kỹ, phải có đủ nước tưới đảm bảo độ ẩm thì cây mới nảy mầm và phát triển tốt, lượng phân bón cũng phải cung cấp đủ mới cho năng suất và chất lượng củ cao”.

Sau hơn 3 tháng sản xuất trên vùng đất bãi ở xã Hưng Khánh, cây cà rốt đã bắt đầu bước vào vụ thu hoạch, năng suất dự kiến đạt 4 tấn/ ha, đạt giá trị 120 triệu đồng chỉ trong thời gian 4 tháng. Sau khi tham quan mô hình cà rốt ở Hưng Khánh ông Nguyễn Văn Lập - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng: “Với mức thu nhập 100 đến 120 triệu đồng/ha trong 4 tháng khẳng định bước đầu thắng lợi. Tuy nhiên, để mô hình phát triển bền vững thì các ban mặt trận, các tổ chức và chính quyền địa phương phải quán triệt rõ với dân là khi tham gia mô hình liên kết với doanh nghiệp thì phải hết sức chung thủy”.

So với  các loại cây trồng truyền thống thì cà rốt mang lại hiệu quả cao gấp 2-3 lần. Trồng cà rốt tuy phải bỏ nhiều công sức chăm sóc nhưng nông dân có nguồn thu nhập cao và ổn định hơn bởi ngay từ đầu vụ sản xuất doanh nghiệp đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Không chỉ dừng lại ở cây cà rốt, được biết vụ tiếp theo, Công ty Á Châu sẽ tiếp tục đưa cây bí đỏ ngọt Nhật Bản về cho bà con trồng trên diện tích đất đã trồng cà rốt. Và cũng như cà rốt, trồng bí nông dân  cũng được doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Ông Hoàng Đình Thông - Chủ tịch UBND xã Hưng Khánh chia sẻ: “Tiếp theo cây cà rốt chúng tôi sẽ phối hợp với Công ty Á Châu mở hội nghị với nông dân để bàn bạc đưa cây bí đỏ Nhật để tiếp tục sản xuất mô hình. Những năm tiếp theo chúng tôi sẽ mở rộng diện tích cà rốt và các cây trồng hàng hóa mới để thay đổi cơ cấu cây trồng, quay vòng đất nhằm tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích”.

Từ thành công của mô hình này sẽ mở ra hướng mới để Hưng Nguyên mở rộng sản xuất, khai thác hiệu quả diện tích hơn 1.200 ha đất bãi ven sông Lam và đất màu để nâng cao giá trị kinh tế, tăng thu nhập cho người nông dân. Tuy nhiên, ở Hưng Nguyên việc nhân rộng mô hình sản xuất nuôi trồng là điều không dễ bởi nông dân Hưng Nguyên không còn mặn mà với đồng ruộng, mà dành phần lớn thời gian để chạy chợ buôn bán và làm thuê, thợ xây, phụ hồ… Thêm vào đó là tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước cũng đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân.

Khi xây dựng dự án, mô hình Nhà nước thường bỏ tiền ra hỗ trợ giống, vật tư thậm chí là cả tiền công, tham gia mô hình người dân được hưởng toàn bộ sản phẩm nhưng phải tự lo tìm đầu ra. Mà đầu ra cho sản phẩm cũng là bài toán khó của nông dân. Chính vì vậy, khi dự án, mô hình kết thúc, không còn sự hỗ trợ của Nhà nước thì dân lại trở lại với phương thức sản xuất cũ, nhỏ lẻ, được chăng hay chớ. Cái khác của mô hình sản xuất cà rốt là chỉ có nông dân và doanh nghiệp ký kết với nhau, Nhà nước tham gia về mặt chủ trương, định hướng. Chính vì vậy người dân không nên chỉ nhìn cái lợi trước mắt mà phải giữ chữ tín với doanh nghiệp, không được phá vỡ hợp đồng, đưa sản phẩm ra bán lẻ ngoài thị trường, hoặc bán cho các thương lái khác thì mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân mới thực sự bền vững.

Thanh Tâm