(Baonghean) - Trạm khuyến nông Quỳ Hợp được đánh giá là một trong những đơn vị hoạt động đạt hiệu quả từ các mô hình chuyển giao kỹ thuật cho nông dân, góp phần cải thiện đời sống của bà con ở huyện miền núi.

Từ kỹ thuật bón phân nén dúi
 
Trong những năm qua với vai trò là cầu nối chuyển giao các tiến bộ khoa học trong sản xuất nông nghiệp cho bà con nông dân, Trạm Khuyến nông Quỳ Hợp đã xây dựng, chuyển giao thành công rất nhiều mô hình cho bà con nông dân. Mô hình ứng dụng kỹ thuật bón phân viên dúi sâu trong thâm canh lúa nước được đánh giá đem lại hiệu quả cao nhất. Năng suất lúa từ 5 - 5,5 tấn/ha tăng lên 7,5 tấn/ha. Trao đổi về quá trình chuyển giao xây dựng mô hình ông Phan Thanh Tâm, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Quỳ Hợp cho biết: Năm 2008 được sự hỗ trợ của Dự án CBAET, Trạm Khuyến nông Quỳ Hợp đã triển khai mô hình bón phân dúi sâu cho cây lúa nước. Năm đầu tiên thí điểm 2,5 ha tại 5 xã: Châu Cường, Châu Đình, Liên Hợp, Văn Lộc và Văn Lợi. Kết quả thu hoạch vụ xuân năm 2008 tại các điểm thử nghiệm năng suất lúa đạt 7 tấn/ha, cao hơn năng suất bình quân toàn huyện là 1,5 tấn/ha. Từ kết quả ban đầu trạm đã tham mưu cho huyện nhân rộng mô hình.
 
Năm 2009 diện tích áp dụng phương pháp bón phân dúi sâu là 60 ha (2 vụ). Đến năm 2015 diện tích ước tính 1.100 ha/2.685 ha. Riêng vụ đông xuân đạt 555 ha, năng suất  tăng từ 11,9 – 16 tạ/ha so với ruộng đối chứng không áp dụng kỹ thuật bón phân viên dúi sâu. Với giá trị thu nhập cao hơn ruộng đối chứng trung bình là 9.820.000 đồng/ha/vụ. Vụ xuân năm 2015 trên diện tích lúa áp dụng kỹ thuật bón phân dúi sâu là 555 ha, số lợi nhuận tăng thêm đạt xấp xỉ 5,5 tỷ đồng. Chỉ cần 50% diện tích lúa trên toàn huyện là 2.685 ha áp dụng kỹ thuật bón phân dúi sâu thì số lợi nhuận tăng thêm hàng năm từ cây lúa sẽ đạt 26 tỷ đồng. Đây là một con số không hề nhỏ đối với sản xuất nông nghiệp ở một huyện miền núi. Để chứng minh cho hiệu quả trên, lãnh đạo Trạm Khuyến nông huyện đưa chúng tôi về thăm ruộng lúa của nhà ông Sầm Văn Chương, bản Thắm, xã Châu Cường. Nhìn ruộng lúa bông vàng trĩu hạt của nhà ông Chương ai cũng phải tấm tắc.
 
Ông Chương cho biết đây là vụ thứ 4 gia đình áp dụng phương pháp bón phân dúi sâu. Cả 4 vụ năng suất đều đạt từ 7 tấn/ha trở lên. Trước đây, sản xuất theo cách truyền thống năng suất năm cao nhất cũng chỉ đạt 5,5 tấn/ha, cũng theo ông Chương sử dụng phân dúi trong sản xuất lúa phức tạp hơn cách canh tác khác là phải thêm một theo tác dúi phân: Sau khi cấy được 3 ngày phân nén mới được dúi xuống. 4 khóm lúa 4 bên, dúi phân nén vào giữa với độ sâu 6-7 cm. Trong suốt quá trình sinh trưởng của cây lúa không cần bón thêm bất cứ loại phân nào nữa. Phân nén dúi sâu trong lòng đất từ từ nhả, cây lúa hấp thu theo nhu cầu, theo từng thời kỳ, nên không có hiện tượng đổ lốp. Mặt khác, cây lúa hấp thu theo nhu cầu nên chất dinh dưỡng được cân bằng tránh được bệnh dịch phát triển. 
 
Mặt khác, do dúi sâu trong đất tránh được hiện tượng bốc hơi nên cây lúa hấp thu được 100% dưỡng chất trong phân (cách bón thông thường chỉ có 65% được hấp thu và ít dùng thuốc bảo vệ thực vật nên lúa được bà con tiêu dùng ưa chuộng bán được giá. 
 
Quỳ Hợp là địa phương đầu tiên trong tỉnh áp dụng kỹ thuật canh tác bón phân viên dúi sâu cho lúa, đến nay hầu hết các huyện miền núi đã áp dụng phương pháp này vào sản xuất nông nghiệp. 
 
images1379959_dsc_0500.jpgChị Phạm Thị Hằng ở xóm Liên Tâm, xã Thọ Hợp chăm sóc đàn dê.
 
Đến phục tráng giống vật nuôi bản địa
Trao đổi với chúng tôi ông Phan Thanh Tâm rất tâm đắc với đề án bảo tồn giống lợn cỏ mà ông và Trạm Khuyến nông Quỳ Hợp mới hoàn thành. Đã nhiều năm làm việc trong ngành Văn hóa, ông thấy trong sinh hoạt văn hóa của đồng bào dân tộc, đặc biệt là người Thái có rất nhiều nghi lễ như làm vía, cúng ma nhà mới, buộc chỉ cổ tay… Trong các lễ đó bao giờ cũng phải có con lợn để làm cỗ. Đã từ lâu tại các bản, mường vùng núi cao, người dân thường chăn nuôi giống lợn bản địa trọng lượng chỉ 30 - 40 kg chất lượng thịt thơm ngon, phù hợp cho việc dọn cỗ. Do công tác bảo tồn không được chú trọng nên giống lợn này đang có nguy cơ tuyệt chủng. Phát hiện tại xã Liên Hợp đang còn các cá thể lợn thuần chủng. Với 70 triệu đồng ngân sách từ huyện cấp, trạm đã lựa chọn được 40 con giống đảm bảo chất lượng giao cho những hộ có khả năng nuôi. Với quy trình nuôi được kiểm soát nghiêm nhặt, theo sự hướng dẫn của cán bộ trạm. Sau 1 năm từ 40 con ban đầu, đàn lợn đã được nhân lên 200 con. Từ nguồn giống này cung cấp cho các bản trong xã để nhân đàn. Từ thành công ban đầu, năm 2014 trạm đầu tư tiếp cho xã Nam Sơn 100 triệu đồng để duy trì phát triển đàn. 
 
Đầu năm 2014 với 70 triệu đồng kinh phí từ huyện cấp Trạm Khuyến nông Quỳ Hợp triển khai bảo tồn nhân giống dê bản địa tại xã Thọ Hợp. Với 8 con dê giống ban đầu của dự án, đàn dê nhà chị Phạm Thị Hằng ở xóm Liên Tâm đã phát triển được hơn 20 con. Chị Hằng cho biết: Trước đây nhà chị chăn nuôi trâu bò, từ khi được nhận dê của dự án, thấy dê là vật nuôi có hiệu quả nên chị bán trâu bò để đầu tư cho dê. Nhà chị có 5 dê cái, mỗi năm đẻ 2 lứa được 20 dê con, nuôi chừng 3 tháng thì xuất chuồng. Mỗi năm thu nhập từ tiền bán dê khoảng 15-17 triệu đồng. Cũng theo chị Hằng, hiện nay nguồn cung chưa đủ cầu nên dê rất dễ bán, với 150.000 đồng/kg lúc nào cũng bán được. Chị dự kiến sẽ phát triển đàn thêm vài chục con nữa để nâng cao hiệu quả chăn nuôi. 
 
Theo chị Nguyễn Thị Thanh Tâm, công chức nông nghiệp xã Thọ Hợp từ 30 con dê của dự án đến nay tổng đàn của xã đã đạt hơn 800 con. Xã cũng đã chọn dê làm một trong những vật nuôi chủ lực của địa phương trong định hướng phát triển. Đã có hơn 150/800 hộ toàn xã phát triển chăn nuôi dê. Trong tương lai nuôi dê sẽ là một trong những nghề đem lại nguồn thu chính cho bà con nơi đây. 
 
Từ các mô hình, dự án mà Trạm Khuyến nông Quỳ Hợp chuyển giao cho bà con đang phát huy hiệu quả đã giúp nông dân thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu, giúp các địa phương đẩy nhanh tốc độ xây dựng nông thôn mới. 
 
Anh Tuấn