(Baonghean) - Các xã vùng ven biển có diện tích đất tự nhiên hẹp, dân số đông. Việc phát triển các ngành nghề như: dịch vụ, du lịch, đánh bắt, chế biến hải sản... sẽ nảy sinh ô nhiễm môi trường, đặc biệt là rác thải. Trước tình hình trên, các xã vùng ven biển của huyện Quỳnh Lưu xem đây là nhiệm vụ trọng tâm cần được thực hiện trong giai đoạn hiện nay.

Ngư dân Sơn Hải – Quỳnh Lưu chuẩn bị đá lạnh bảo quản sản phẩm cho chuyến đi biển dài ngày.
Ngư dân Sơn Hải – Quỳnh Lưu chuẩn bị đá lạnh bảo quản sản phẩm cho chuyến đi biển dài ngày. Ảnh minh họa

Sơn Hải là một xã ven biển của huyện Quỳnh Lưu với trên 2.500 hộ dân, gần 13.000 nhân khẩu, nhưng diện tích đất tự nhiên chỉ có 240 ha. Không những đất chật, người đông, địa bàn xã còn có tới 41 quán ăn lớn, nhỏ, 3 trung tâm chợ buôn bán với các mặt hàng khác nhau, dịch vụ thương mại khá phát triển. Mỗi ngày, xả ra môi trường hàng chục tấn rác thải, trong khi đó, ý thức của người dân vẫn còn hạn chế. Trước đây, trên các trục đường trong khu dân cư và trục đường chính liên xã, đi đến đâu người dân đều bắt gặp tình trạng rác thải tràn lan hai bên đường. Vào những ngày nắng nóng, mùi hôi thối của rác bốc lên nồng nặc. Việc tập kết rác thải không hợp lý dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của từng gia đình.

Trước thực trạng trên, Đảng ủy xã Sơn Hải đã ban hành nghị quyết về lãnh đạo thực hiện đề án công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn toàn xã giai đoạn 2012 – 2017 và đã nhận được sự đồng tình, nhất trí cao của đông đảo người dân. Cuối năm 2012, chính quyền xã đã quy hoạch bãi rác thải tập trung ở xa khu dân cư với diện tích 1.200m2, kinh phí đầu tư hơn 1 tỷ đồng. Theo nghị quyết, đề án của xã cũng như sự thống nhất của nhân dân về mức phí đối với những hộ có ít nhân khẩu thì phải đóng 10.000 đồng/tháng, 6 – 7 khẩu mức phí phải nạp là 25.000 đồng/tháng, hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn được giảm một nửa. Địa phương đã ký hợp đồng với các tổ thu gom rác thải của từng thôn xóm.

Việc thu gom rác thải được thực hiện mỗi ngày 2 lần, 13 tổ thu gom rác thải của 13 thôn đồng loạt ra quân thu gom rác ở các trục đường nhỏ, đường chính rồi tập kết tại bãi rác thải của xã. Hàng tuần có xe chuyên chở lên bãi tập kết của huyện ở xã Ngọc Sơn. Cùng với đó, xã còn tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường, phối hợp với lực lượng công an xã thường xuyên tuần tra, xử lý nghiêm những trường hợp xả thác thải bừa bãi ra đê, kè và những nơi không đúng quy định. Nhờ vậy, chỉ sau một thời gian ngắn người dân đã nâng cao ý thức, tự giác phân loại và bỏ rác thải vào bao bì, bao tải đặt trước cổng nhà tạo thuận lợi cho việc thu gom rác thải. 

Hiện nay, không chỉ xã Sơn Hải mà tất cả các xã ven biển của huyện Quỳnh Lưu cũng đều đã xây dựng và thực hiện có hiệu quả đề án thu gom rác thải. Xã Quỳnh Long được xem là xã vùng biển có nhiều cố gắng trong việc đảm bảo vệ sinh môi trường. Trước đây, khi chưa thực hiện đề án, trên các trục đường và ngay cạnh bờ biển nơi đâu cũng thấy rác thải. Thực hiện chủ trương, đề án thu gom rác thải của huyện, năm 2011, xã Quỳnh Long đã tiên phong triển khai thực hiện mô hình thu gom rác có sự đóng góp kinh phí của người dân. Sau gần 4 năm triển khai, đến nay, việc thu gom rác thải sinh hoạt đã đi vào nề nếp.

Ông Trần Quang Vệ - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Long cho biết: "Vấn đề thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt là một trong các vấn đề được cấp ủy, chính quyền xã đặc biệt quan tâm, đồng thời cũng là yêu cầu bức thiết của nhân dân. Thực hiện đề án thu gom rác thải sinh hoạt của huyện, UBND xã đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện đề án, phân công thành viên ban chỉ đạo xuống tận các khu dân cư để lấy ý kiến nhân dân; quy hoạch nơi tập kết rác thải. Nhờ đó, việc thực hiện đề án phát huy được hiệu quả, việc thu gom rác thải sinh hoạt đã thành nề nếp". 

Việc thực hiện đề án thu gom rác thải ở các xã vùng biển huyện Quỳnh Lưu đã cho thấy hiệu quả tích cực. Điều này sẽ giải quyết vấn đề vệ sinh môi trường ở nông thôn hiện nay. Tuy nhiên, để thực sự phát huy hiệu quả của những tổ tự quản, cần phải có sự chung tay của các đoàn thể cũng như ý thức tự giác của mỗi người dân, từng bước đưa công tác vệ sinh môi trường trở thành trách nhiệm của cả cộng đồng.

Việt Hùng - Hồng Diện

Đài TT-TH Quỳnh Lưu