Sản xuất hương trầm là nghề truyền thống ở Quỳ Châu và được phát triển khá mạnh vào những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước. "Hương trầm Quỳ Châu" đã nổi tiếng khắp trong Nam, ngoài Bắc. Đến năm 2009,Quỳ Châu đã có 1 làng nghề, 3 làng có nghề sản suất hương trầm với hơn 240 cơ sở, tập trung chủ yếu ở thị trấn Tân Lạc, mỗi năm sản xuất hơn 15 triệu que hương, thu nhập khoảng 3,75 tỷ đồng.



Theo tính toán của bà con để có được sản lượng này, phải cần tới 140 tấn rễ hương tươi. Qua kiểm nghiệm cho thấy, rễ hương sinh trưởng trong điều kiện tự nhiên ở Quỳ Châu hương vị tốt hơn so với rễ hương nhập từ nơi khác. Tuy nhiên, do việc khai thác bừa bãi nên nguồn rễ hương tự nhiên cũng đang ngày càng cạn kiệt. Một số hộ dân ở thị trấn Tân Lạc, xã Châu Hạnh, Châu Phong... đã có ý thức trồng cây rễ hương, nhưng diện tích còn manh mún, hơn nữa việc áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật còn hạn chế nên hiệu quả chưa cao.



Cán bộ kỹ thuật Trạm KH - KN huyện Quỳ Châu nghiệm thu cây rễ hương trồng dưới tán cây rừng





Từ thực tế nêu trên, tháng 7 năm 2009, Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Quỳ Châu được sự giúp đỡ của Sở Khoa học & Công nghệ xây dựng đề tài: "Hỗ trợ xây dựng mô hình trồng cây rễ hương dưới tán cây rừng tại huyện Quỳ Châu". Mục tiêu của Đề tài là: Xây dựng thành công mô hình trồng cây rễ hương dưới tán cây rừng góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất lâm nghiệp và phát triển nghề sản xuất hương trầm ở Quỳ Châu.



 
Qua điều tra, khảo sát và tổ chức đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở một số xã trong tỉnh, đề tài đã chọn 6 ha rừng tại khe Hán, Bù Sen và cầu Khe Bấn xây dựng mô hình với sự tham gia của 4 hộ. Sau 18 tháng trồng và chăm sóc theo yêu cầu kỹ thuật đã được tập huấn, mô hình đã mang lại kết quả khả quan: Theo tính toán sơ bộ, mỗi ha trồng rễ hương dưới tán cây rừng với mật độ 3.000 khóm sẽ cho 4.500 kg rễ hương tươi/vụ, nếu bán với giá 15.000 đồng/kg và trừ chi phí (bao gồm giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhân công, máy móc, thiết bị) sẽ cho lãi ròng 49.800.000 đồng.



Và điều rất quan trọng là mô hình đã giải quyết một phần nguyên liệu cho hương trầm ở Quỳ Châu - là cơ sở bảo đảm cho việc nâng sản lượng từ 15 triệu que, thu nhập 3,75 tỷ đồng năm 2008 lên 20 triệu que, thu nhập trên 5 tỷ đồng năm 2011 và hơn nữa vào những năm tiếp theo. Ngoài ra, trồng cây rễ hương dưới tán rừng cũng góp phần đáng kể giảm sức ép về tài nguyên nói chung và nạn phá rừng nói riêng, thúc đẩy quá trình xã hội hóa nghề kinh doanh rừng; cây rễ hương với đặc điểm sinh học là bộ rễ ăn nông và hẹp cộng thêm thân thảo nên có tác dụng chống xói mòn, rửa trôi bề mặt đất, đồng thời duy trì độ ẩm cho đất so với rừng chỉ một tầng che phủ...



 
Từ những điều rút ra trên đây, Phòng kỹ thuật Sở Khoa học & Công nghệ, các thành viên Hội đồng Khoa học huyện Quỳ Châu và các hộ tham gia mô hình khẳng định: Đề tài "Hỗ trợ xây dựng mô hình trồng cây rễ hương dưới tán cây rừng ở Quỳ Châu, đã đạt được các mục tiêu đề ra. Đây chính là một giải pháp cụ thể, thiết thực để phát triển kinh tế với xóa đói giảm nghèo bền vững, gắn xóa đói giảm nghèo với tạo việc làm theo Chương trình: "Giải quyết việc làm và xóa đói giảm nghèo huyện Quỳ Châu giai đoạn 2011 - 2015" vừa được cấp ủy huyện thông qua.



Lê Đại Lý