(Baonghean) - Chăn nuôi phát triển theo hướng tập trung, bền vững; chất lượng đàn trâu, bò được cải tạo và nâng cao; khó khăn về vốn, con giống... dần được khơi thông, là những kết quả ban đầu của huyện Quỳ Hợp sau 1 năm thực hiện Nghị quyết 12 của Huyện ủy về chính sách phát triển chăn nuôi đại gia súc.
Nắm bắt được lợi thế về điều kiện tự nhiên phù hợp với phát triển chăn nuôi đại gia súc, và sử dụng nguồn lực lao động tại chỗ đang dư thừa, Ban Chấp hành Huyện ủy Quỳ Hợp đã ra Nghị quyết số 12-NQ/HU ngày 27/5/2016 về “Phát triển đàn trâu, bò trên địa bàn huyện đến năm 2020: Hỗ trợ phát triển trồng cỏ và các mô hình chăn nuôi trâu, bò có hiệu quả”, nhằm đưa chăn nuôi thành “mũi nhọn” để phát triển nông nghiệp bền vững.
Để cụ thể hóa nội dung thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/HU, UBND huyện đã xây dựng và ban hành Đề án “Phát triển đàn trâu, bò trên địa bàn huyện đến năm 2020: Hỗ trợ phát triển trồng cỏ và các mô hình chăn nuôi trâu, bò có hiệu quả”.
Đồng thời, tổ chức triển khai phổ biến, quán triệt các nội dung và mục tiêu của Nghị quyết, Đề án đến các phòng, ban, đơn vị và UBND các xã, thị trấn thông qua các cuộc họp giao ban, các hội nghị. Ngay sau khi triển khai thực hiện, Nghị quyết 12 đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của cả chính quyền và nhân dân trong huyện. Từ đó xuất hiện những mô hình, cách làm hay, hiện thực hóa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.
Xã Châu Cường được chọn làm xã điểm cho mô hình “chuyển đổi một số diện tích vườn tạp, đất trồng kém hiệu quả sang trồng cỏ nuôi bò nhốt chuồng”. Tiếp thu Nghị quyết, xã đã lên kế hoạch hành động, quán triệt Nghị quyết đến cán bộ, đảng viên và tuyên truyền, vận động nhân dân nhằm nâng cao nhận thức và ý thức hành động trong việc thực hiện phát triển chăn nuôi trâu bò, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng yếu của xã.
Đồng thời, phân công cho các đoàn thể, tổ chức phụ trách từng phân đoạn. Cụ thể, Đoàn Thanh niên chịu trách nhiệm cùng nhân dân trồng cỏ, Hội LHPN làm chuồng, Hội Nông dân làm rơm, phòng Nông nghiệp cung cấp cỏ giống.
Anh Lê Văn Cả ở xóm Hạ Đông, xã Châu Cường phấn khởi chia sẻ, năm 2016, gia đình anh được vay 30 triệu đồng thông qua chương trình hỗ trợ vay vốn của Đoàn Thanh niên phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, cùng với nguồn vốn của gia đình, anh mua 4 con bò cái, nuôi nhốt chuồng hoàn toàn. Tận dụng diện tích vườn hơn 1.200m2, anh chuyển đổi những cây hoa màu không hiệu quả sang trồng cỏ voi làm nguồn thức ăn cho bò. Trồng cỏ voi rất dễ, không tốn công chăm sóc. Chỉ sau 3 tháng đã có thể thu lứa đầu. Sau đó, 20-40 ngày lại có thể thu lứa khác. Ước tính 1 năm, thu từ 6-8 lần đạt khoảng 250 tấn/ha.
Hộ ông Sầm Ngọc Lương (xóm Hạ Đông) có 2,5 ha cỏ voi cho biết, với sản lượng cỏ tươi nhiều như vậy, người dân lại được phổ biến kỹ thuật ủ chua thức ăn, nhằm bảo quản được cỏ lâu, cũng như tăng hàm lượng dinh dưỡng trong thức ăn chăn nuôi bò. Cỏ được cho vào máy băm nhỏ, trộn với muối, cám gạo, đường mật, sau đó ém hơi, buộc kín để tránh không khí vào làm hỏng. Khoảng hơn 1 tuần là bò ăn được và có thể để được trong vòng 6 tháng.
Ông chia sẻ, mỗi ngày, một con bò trưởng thành có thể sử dụng 30-50kg cỏ tươi, thì với thức ăn ủ chua, chỉ cần 5kg mà vật nuôi vẫn được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng.
Ông Lưu Xuân Điểm - Bí thư Đảng ủy xã Châu Cường cho biết, nuôi bò nhốt chuồng, trồng cỏ làm nguồn thức ăn chính, đã giúp cho người dân dễ dàng kiểm soát được số lượng đàn, tập quán của gia súc, bò không chỉ phát triển tốt mà còn tránh được dịch bệnh. Với hiệu quả kinh tế cao, mô hình nuôi bò nhốt chuồng từng bước thay đổi tập quán chăn nuôi thả rông của đồng bào miền núi, đồng thời trở thành nguồn thu nhập chính của bà con.
Không chỉ ở xã Châu Cường, phong trào trồng cỏ nuôi trâu, bò nhốt chuồng đã được nhân rộng đến các xã, bản khác nhau trên toàn huyện. Ví như tại xã Châu Quang, mục tiêu đến năm 2020, tổng đàn trâu, bò ước tính đạt 3.629 con, nhưng thời điểm hiện tại đã đạt được 2.675 con, trong đó, có 1.240 con bò.
Theo báo cáo, sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 12, huyện đã thực hiện tốt công tác hướng dẫn trồng cỏ, quản lý trâu, bò được bình tuyển, phối hợp với các ngân hàng cho nông dân vay vốn. Tổ chức được 22 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng cỏ, chăn nuôi và phòng trừ dịch bệnh đàn trâu, bò cho 1.520 hộ nông dân. Đến nay đã hỗ trợ 257 con bò, phối giống cho hơn 867 con; trồng mới được 100,74ha cỏ voi.
Bên cạnh sự hỗ trợ của các cấp, ngành, người dân còn chủ động giúp đỡ nhau phát triển chăn nuôi đại gia súc bằng mô hình nuôi “giẽ” trâu bò: Những hộ có điều kiện kinh tế hơn nhưng thiếu nhân lực sẽ đầu tư mua con giống để những gia đình nghèo chăn nuôi. Lợi ích kinh tế do các hộ gia đình tự thỏa thuận với nhau.
Gia đình ông Lo Văn Ấn ở bản Pạn, xã Châu Lý đã thoát nghèo nhờ cách làm này. Ông tâm sự, gia đình ông có 6 nhân khẩu, nhưng diện tích đất ruộng ít, nên luôn trong cảnh “ăn bữa nay lo bữa mai”. Khi được biết đến mô hình nhận nuôi “giẽ” trâu bò, ông đã chủ động xin được nuôi “giẽ” trâu, bò với những gia đình có điều kiện kinh tế khá giả hơn trong thôn, xã. Với hình thức đàn mới sinh trong quá trình nuôi sẽ được chia đôi, có được con giống, ông tận dụng thêm lợi thế đồng cỏ, lập một trang trại nhỏ.
Đến nay, ông đã có đàn gia súc, giá trị cả trăm triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Mạnh -Trưởng bản Pạn cho biết: Nuôi “giẽ” trâu bò là mô hình “người góp công, người góp của” mang lại hiệu quả cao, giúp nhiều gia đình có thu nhập ổn định, thoát nghèo bền vững. Đồng thời, góp phần tăng lượng đàn gia súc của toàn xã”.
Theo số liệu thống kê, so với mục tiêu đề ra của Nghị quyết 12, đến năm 2020 tổng đàn trâu, bò toàn huyện đạt 38.500 con, song hiện nay đã đạt tới 38.608 con, vượt 0,3%. Trong đó, tổng đàn bò đạt 17.842 con, vượt chỉ tiêu 15,1%. Giá trị sản xuất chăn nuôi trâu, bò tăng dần, chiếm tỷ trọng đáng kể trong giá trị sản xuất ngành chăn nuôi của huyện. Việc chăn nuôi trâu, bò không chỉ tăng lên về số hộ mà còn tăng lên cả về số lượng trâu, bò trong mỗi hộ chăn nuôi, góp phần nâng cao thu nhập, giúp người dân cải thiện đời sống.
Đồng chí Hồ Lê Ngọc - Bí thư Huyện ủy Quỳ Hợp cho biết: “Huyện Quỳ Hợp xác định phát triển đàn trâu, bò là một trong những mũi nhọn để phát triển nông nghiệp nhằm xóa nghèo bền vững. Theo đó, huyện đã tích cực chỉ đạo các xã tập trung triển khai Nghị quyết 12. Sau hơn 1 năm thực hiện, nhận thức của người dân về tập quán chăn nuôi cũ đã dần được thay đổi, đầu tư chăn nuôi trâu, bò theo hướng tập trung, “giảm về lượng, tăng về chất”. Nghị quyết đã khẳng định kết quả bước đầu bằng giá trị kinh tế, tăng thu nhập cho nhiều hộ dân, tạo sự lan tỏa từ việc nhân rộng các mô hình hiệu quả”.
Mỹ Nga