(Baonghean) - Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích, từ năm 2007 huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) triển khai Dự án xây dựng mô hình “Chuyển đổi đất cưỡng sang trồng cây thanh long” tại xã Quỳnh Lộc. Sau 5 năm trồng thí điểm, mô hình đã cho kết quả rất khả quan: thu nhập (lãi ròng) trên 750 triệu/ ha/ 5 năm.
 
Được sự hỗ trợ kinh phí của UBND huyện, Trạm Khuyến nông Khuyến ngư Quỳnh Lưu (chủ đề tài) đã tổ chức tham quan mô hình trồng thanh long ở huyện Hàm Thuận Bắc cho các cán bộ chỉ đạo huyện, xã, cán bộ kỹ thuật và hộ chọn để thực hiện mô hình, đồng thời hợp tác nhận chuyển giao kỹ thuật từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuy Phong (tỉnh Bình Thuận).
 
Sau khi nghiên cứu đặc điểm các vùng đất cao cưỡng trong huyện đang trồng lúa và các loại cây hàng năm đạt năng suất thấp, Ban dự án quyết định thực hiện thí điểm mô hình tại xã Quỳnh Lộc. Hộ nông dân được chọn là anh Đậu Phi Toàn ở xóm 10. Với 0,2ha đất vườn gần kênh Nhà Lê, Ban dự án chỉ đạo anh Toàn trồng hàng trụ cách nhau 3m, cọc trụ cách nhau 3m so le với hàng, mỗi trụ dâm 4 chồi giống. Hai năm đầu (2007-2008) là đầu tư và chăm sóc, sang năm thứ 3 thì bắt đầu cho thu hoạch. Năng suất tăng dần: năm 2009 thu 33 quả/ 01 trụ, năm 2010 thu  65 quả/ 01 trụ và năm 2011 thu 107 quả/ 01 trụ. Trọng lượng quả bình quân cũng tăng dần: 0,25kg – 0,35kg – 0,4kg. Sau 05 năm đầu tư chăm sóc, với diện tích 0,2 ha đã thu được 19 tấn quả (riêng năm 2011 thu 9,6 tấn), trừ chi phí 61 triệu, lãi ròng là 150 triệu. Nếu tính cho 01 ha, lãi ròng sau 5 năm là 750 triệu .

767731_small_65365.jpg
 Mô hình trồng thanh long ở hộ anh Đậu Phi Toàn.


 Trưởng Trạm KNKN huyện Quỳnh Lưu Nguyễn Anh Hùng giới thiệu kỹ thuật trồng và chăm sóc.


 Chọn hom làm giống.


 Chủ hộ Đậu Phi Toàn giới thiệu chất lượng sản phẩm.

Tại Hội thảo đầu bờ tổ chức mới đây ở mô hình thí điểm hộ anh Đậu Phi Toàn, Trưởng Trạm KNKN huyện Quỳnh Lưu Nguyễn Anh Hùng đã báo cáo kết quả trên trước 50 đại biểu là cán bộ phụ trách nông nghiệp các xã và những hộ nông dân đam mê cây trồng này. Ban dự án mong bà con các xã Quỳnh Lâm, Quỳnh Thắng, Quỳnh Trang, Quỳnh Hoa và những xã có đặc điểm đất cao cưỡng như ở xã Quỳnh Lộc hãy khảo sát, lựa chọn quy hoạch vùng phù hợp để nhân rộng mô hình này.
 
Thông qua hội thảo, Ban dự án cùng đề nghị Trung tâm KNKN tỉnh Nghệ An hỗ trợ kinh phí để nhân rộng mô hình, đề nghị UBND huyện Quỳnh Lưu có chính sách hỗ trợ giống, phân bón, quy hoạch vùng để đầu tư xây dựng hạ tầng như kiến thiết cơ bản, thuỷ lợi,vv...và tổ chức các đợt tập huấn tiếp theo cho các địa phương triển khai nhân rộng mô hình; đồng thời có chính sách hỗ trợ cho các hộ trực tiếp thực hiện mô hình khi gặp thiên tai, hạn hán; có kế hoạch bao tiêu sản phẩm và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm này.
 
Những kết quả đạt được từ mô hình “Chuyển đổi đất cưỡng sang trồng cây thanh long” ở xã Quỳnh Lộc đã mở ra triển vọng cho các địa phương trong việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích, làm giàu cho nông dân và cho địa phương.


Minh Thông