(Baonghean) - Những năm qua, Nghệ An được Nhà nước tập trungnguồn lực để đầu tư xây dựng nhiều hồ chứa lớn phục vụ tưới lúa và dân sinh, như hồ chứa Vực Mấu, Xuân Dương, Vệ Vừng, Sông Sào ...các hồ đập lớn này đều phát huy hiệu quả, đảm bảo nguồn nước tưới trong năm. Tuy nhiên vẫn còn đó những công trình hồ đập địa phương quản lý vẫn chưa phát huy hết công suất ...

Những ngày này đi dọc công trình hồ chứa nước Xuân Dương (Diễn Phú-Diễn Châu) thấy bát ngát một màu xanhlúa đang thì con gái. Bà Nguyễn Thị Sâm, xã Diễn Phú cho biết: Những năm trước đây cánh đồng này thường chỉ cấy được một vụ lúa, còn lại vụ hè thu phải bỏ hoang do thiếu nước, cuộc sống người dân thực sự đổi đời khi hệ thống hồ Xuân Dương được nâng cấp. Bà con đã có nước làm được 2 vụ lúa, nguồn nước còn phục vụ cho sinh hoạt, phát triển chăn nuôi.Được biết, hồ chứa nước Xuân Dương xây dựng từ những năm 1930, qua thời gian sử dụng đã bị xuống cấp trầm trọng, rò rỉ gây thất thoát nước, đe dọa an toàn trong mùa mưa lũ. Năm 2007, hồ chứa Xuân Dương được đầu tư nâng cấp trên 60 tỷ đồng cùng hệ thống kênh mương được đầu tư đồng bộ.

Anh Nguyễn Huy Dũng -Cụm trưởng thủy nông hồ chứa Xuân Dương (Xí nghiệp Thủy lợi Diễn Châu) cho hay: Hồ được xây dựng lại khá hiện đại đạt dung tích 10 triệu m3, hai bên mái đập đều được lát đá, tràn xả lũ bê tông vĩnh cửu. Hệ thống kênh chính được kiến cố hóa 6,4 km, kênh N2 kiên cố 1,8 km, kênh N3 kiên cố 2 km, đảm bảo tưới cho trên 500 ha của các xã Diễn Phú, Diễn Thọ, Diễn Lợi, Diễn An... Ngoài ra, hồ chứa còn có trên 2 km đường nhựa công vụ, nhà điều hành. Cụm thủy nông hồ chứa Xuân Dương có 6 cán bộ được phân ca, kíp ngày đêm vận hành nguồn nước hợp lý tưới lúa cho các xã. Theo anh Dũng, vụ đông xuân cứ 7-8 ngày là tổ chức một đợt tưới cho 5.200 m3/ha, theo phương châm "xa, cao tưới trước, gần thấp tưới sau" vì vậy, ngay cả các vùng cuối kênh vẫn đủ nước tưới. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng tranh giành nước của các xã như những năm trước đây.

Hồ chứa nước Vực Mấu (Hoàng Mai-Quỳnh Lưu), có trữ lượng lớn và hiện đại nhất tỉnh, với dung tích trên 75 triệu m3 nước. Ông Bùi Văn Hào-Giám đốc Xí nghiệp Thủy lợi Quỳnh Lưu nói thêm: Sau khi được bàn giao hồ Xí nghiệp đã phân công cán bộ bảo vệ, vận hành tốt công trình. Hồ chứa tưới đảm bảo cho 2.500 ha lúa của Thị trấn Hoàng Mai và các xã lân cận như: Quỳnh Hoa, Quỳnh Trang, Quỳnh Tân, Quỳnh Văn, Quỳnh Thạch ...Đặc biệt hồ chứa còn cấp nước sinh hoạt cho trên 100.000 người dân và cấp đủ nước cho Khu công nghiệp Hoàng Mai 6,8 triệu m3/năm. Chưa kể là hồ chứa còn cắt giảm lũ cho hạ lưu, tạo nguồn nước nuôi trồng thủy sản khoảng 400 ha. Hồ chứa Vực Mấu có 6 cán bộ vận hành, riêng vụ đông xuân cứ 13 ngày vận hành một đợt tưới đạt 7000 m3 nước/ha.

Ông Hồ Ngọc Mai-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Công ty thủy lợi Bắc tâm sự: Công ty quản lý 17 hồ đập chứa nước, những năm qua đã được Nhà nước đầu tư nâng cấp 11 hồ đập. Tất cả đều phát huy hiệu quả, đảm bảo tưới cho 2 vụ lúa/năm. Tuy nhiên, vẫn còn 6 hồ đập khác đang bị xuống cấp trầm trọng, gây thất thoát nguồn nước, điển hình như hồ Nhà Trò ở xã Tân Thành-Yên Thành thân đập bằng đất rất yếu, xảy ra hiện tượng rò rỉ, Công ty đã bỏ kinh phí để sửa phần cống nhưng vẫn thiếu nước tưới. Đối với hệ thống hồ đập tưới vụ đông xuân tiết kiệm để dành nước cho vụ hè thu ...

Ông Nguyễn Trường Thành-Trưởng phòng Kế hoạch - Chi cục Thủy lợi Nghệ An nói thêm: Toàn tỉnh Nghệ An hiện có 750 hồ đập tưới được cho trên 20.000 ha lúa, trong đó có trên 50 hồ đập lớn, nhỏ do Nhà nước quản lý. Trong năm 2011, lượng mưa nhiều nên hầu hết trữ lượng nước ở các hồ đập còn khá nhiều, nguồn nước cho vụ đông xuân không đáng lo. Bên cạnh đó, nhiều hồ chứa đã được Nhà nước đầu tư nâng cấp nên tích trữ nước và vận hành khá tốt, đảm bảo được nguồn nước tưới lúa. Tuy nhiên, ngay từ đầu vụ, tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị quản lý thủy lợi, coi hồ chứa là kho nước, từ đó để vận hành hợp lý, tiết kiệm nguồn nước. Đặc biệt, hầu hết các tuyến kênh của hệ thống hồ đập đều được nạo vét thông thoáng nên thuận lợi cho việc tưới lúa.

Tuy nhiên, khó khăn đặt ra hiện nay là hệ thống hồ chứa vừa và nhỏ do địa phương quản lý hầu hết dung tích nhỏ, nhiều hồ chứa xuống cấp, hư hỏng, trong khi đó, đội ngũ quản lý hồ đập địa phương lại yếu kém. Dẫn đến tình trạng điều hành nguồn nước không hợp lý, dễ gây thất thoát, thiếu nước phục vụ cho lúa và nước sinh hoạt dân cư. Trước thực trạng đó, sắp tới Chi cục Thủy lợi Nghệ An sẽ phối hợp với các ngành liên quan tổ chức lớp đào tạo, tập huấn cho đội ngũ thủy nông địa phương nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Chi cục thủy lợi tỉnh đang phối hợp xây dựng Đề án "Công tác quản lý thủy nông cơ sở", nhằm vận hành hiệu quả hệ thống hồ đập địa phương.

Văn Trường