(Baonghean.vn)- Từ lâu, chăn nuôi đã trở thành một thế mạnh của người dân vùng cao xứ Nghệ. Do phần lớn trâu, bò, lợn...đều được thả rông trong rừng nên nhiều hộ dân đã tập cho đàn gia súc của mình biết nghe hiệu lệnh riêng một cách thuần thục.
Chúng tôi đến thăm trang trại của ông Vi Văn Dũng ở bản Hòa Sơn (xã Tà Cạ, Kỳ Sơn). Trang trại của ông Dũng hiện đang nuôi hơn 25 con bò và đàn dê hơn 10 con. Có thể nói đây là một trong những hộ có thành tích trong việc chăn nuôi ở xã vùng cao này. Giống bò ông nuôi đều là bò bản địa, chất lượng thịt thơm ngon và tốt hơn bò miền xuôi nên dù giá có đắt hơn nhưng vẫn được mọi người ưa chuộng.
Điều đặc biệt ở hộ chăn nuôi này là ông huấn luyện được bò nghe theo hiệu lệnh nên không cần vất vả mất công sức đi tìm, gọi. Để chứng minh cho chúng tôi, ông bảo vợ ra gọi bò về dù lúc ấy mới hơn 4 giờ chiều. Thật lạ, chỉ bằng mấy tiếng “hơ, hơ, hơ...ơ,ơ,ơ...” của bà, đàn bò đã thi nhau chạy từ cửa rừng về.
“Lúc đầu thả chúng vào rừng phải mất công đi tìm từng con một rất vất vả. Từ đó, hễ cứ mỗi lần cho ăn muối là chúng tôi gọi vậy để bò quen. Sau 1 thời gian, nghe tiếng gọi là tự bò tìm về chứ chẳng cần tìm nữa, thuận lợi trăm bề” – ông Dũng cười nói.
Ông Bùi Hoàng Ngân ngụ ở xóm 2 (xã Hương Sơn, Tân Kỳ) nuôi lợn rừng từ những năm 2008, hiện đàn lợn rừng của ông đã lên đến 120 con, trong đó lợn thịt hơn 100 con. Để chất lượng thịt lợn rừng được thơm ngon, hàng ngày ông đều thả lợn vào rừng cho chúng kiếm ăn. Chiều lại đánh kẻng báo hiệu gọi lợn về.
Ông cho hay, ban đầu cứ lúc nào cho ăn ông lại gõ kẻng. Cứ thế sau 2 tháng miệt mài tập luyện đàn lợn rừng nghe tiếng kẻng lại kéo nhau từ núi về và thân thiện với người nuôi. “Phải huấn luyện như thế thì mới hạn chế được bản năng hoang dã của lợn rừng nhưng không làm mất đi giá trị của nó” – ông cho biết thêm.
Như vậy có thể thấy rằng, trong chăn nuôi, người nông dân ở miền Tây Nghệ An đã “sáng tạo” ra những cách gọi đàn gia súc độc đáo để phù hợp với địa bàn rừng núi đồng thời không làm mất đi giá trị của vật nuôi.
Đào Thọ