(Baonghean.vn) - Trong lúc chờ đợi câu trả lời từ các cơ quan chức năng, gia đình có “giếng cháy” ở xóm Ba Nghè, xã Thanh Giang (Thanh Chương) đã tiến hành rút ống nhựa ở giếng cũ và khoan một giếng mới.

Sau 4 ngày tồn tại, để theo dõi, xem xét, giếng cháy” vẫn không hề lên nước mà chỉ có khí bén lửa và …khách hiếu kỳ đổ về xem đông, trưa ngày 4/8 tổ thợ khoan giếng cho gia đình anh Nguyễn Đình Liêm đã tiến hành rút ống nhựa dưới “giếng cháy” lên để thả vào giếng khoan lần thứ 2 ở phía sau nhà.

Ngọn lửa từ giếng
Ngọn lửa từ giếng khoan của gia đình anh Nguyễn Đình Liêm.

Anh Liêm giải thích: Do “giếng cháy” không có nước, nên hợp đồng khoan giếng lần thứ nhất không thành công, thợ khoan đã rút ống nhựa đi lắp giếng khác. Giếng khoan lần thứ 2 cách “giếng cháy” khoảng 20 m, khoan sâu 24m thì gặp đá, tuy  không có hiện tượng bén lửa trên miệng giếng, nhưng cũng rất ít nước.

"Giếng cháy" đã bị rút ống nhựa.

Người thợ khoan giếng cho nhà anh Liêm nói rằng, năm trước, anh đi khoan giếng cho một gia đình ở xã Thanh Xuân cũng đã gặp hiện tượng tương tự. Ông Võ Đình Huân, xóm trưởng xóm Ba Nghè chia sẻ: “Đây là giếng thứ 2 trong xóm, khi khoan xong, không có nước mà lại  bén lửa. Người dân nghe lạ thì kéo đến xem chứ chưa hiểu nguyên nhân vì sao lại thế, liệu nguồn nước mạch ở đây có vấn đề không, bà con đang rất lo lắng”.

Ông Tưởng Quốc Thành, Chủ tịch UBND xã Thanh Giang cho biết: “Nhận được thông tin phản ánh, chúng tôi đã đến gia đình anh Liêm xem xét sự việc và báo cáo lên Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Thanh Chương. Được biết, Phòng Tài nguyên - Môi trường cũng đã báo cáo lên Sở Tài nguyên - Môi trường và đang phản hồi"./.    

Qua tìm hiểu, hiện tượng lửa bốc cháy từ các giếng khoan không phải là hiếm gặp. Qua nhiều sự việc xảy ra trên khắp cả nước, nguyên nhân phổ biến được xác định là do khoan phải túi khí metan (ký hiệu hóa học là CH4), được hình thành từ trầm tích của những vùng trước đây có nhiều đầm lầy, động thực vật bị chôn vùi, phân hủy. 

Khí metan là loại khí không màu, không mùi và không gây độc hại đến sức khoẻ con người nhưng có một số khí đi kèm với nó như: oxit cacbon (CO), hydrosunfurua (H2S), propan (C3H8), bu tan (C4H10), pentan (C5H12), dioxit cacbon (CO2)... thì có khả năng gây độc hại cho con người.

Do đó, không nên tiếp tục khoan nước ở xung quanh khu vực có túi khí bởi  nếu khoan qua các túi khí để lấy nước sinh hoạt thì nhiều khả năng những chất độc hại sẽ ngấm vào đường nước ngầm, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.

Nhìn chung, hiện tượng một chiếc giếng khoan phun lửa không có gì là lạ, hoàn toàn có thể lý giải về mặt khoa học, chỉ cần dựa trên hiện tượng nhìn thấy. Tuy nhiên, để có những kết luận chính xác nhất thì phải có sự vào cuộc của các nhà khoa học với những thông số đo đạc cụ thể./.

P.V

Huy Thư

TIN LIÊN QUAN