Mua mới máy bay
Bộ Quốc phòng Nga hôm 8/2 thông báo sẽ tiếp nhận thêm nhiều máy bay tiêm kích đa năng và máy bay huấn luyện hai chỗ ngồi trong năm 2018.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Yuri Borisov cho biết: “Chương trình năm nay gồm có việc tiếp nhận tổng cộng 24 máy bay, trong đó có 10 máy bay tiêm kích đa năng Su-30SM, cùng với 14 máy bay huấn luyện Yak-130 bàn giao cho lực lượng không quân và hải quân”.
“Hiện tại chúng tôi có 92 máy bay Yak-130 đang hoạt động, song vẫn có kế hoạch thảo luận về một hợp đồng dài hạn mua thêm máy bay này. Dự kiến chúng tôi sẽ ký kết hợp đồng trong năm nay”, ông nói.
Máy bay tiêm kích đa năng Su-30SME (Flanker-H theo cách gọi của NATO) được thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ chế ngự trên không cũng như tấn công những mục tiêu trên mặt đất, trên mặt nước. Máy bay này được trang bị cánh phụ nhỏ và động cơ kiểm soát vector lực đẩy do đó có khả năng siêu cơ động. Thêm vào đó, Su-30SM còn có các trạm chỉ huy vô tuyến điện tử đa năng Bars. Nó cũng được bố trí nhiều loại vũ khí khác nhau như các tên lửa không đối không và vũ khí có điều khiển độ chính xác cao loại không đối đất.
Su-30SM có thể được sử dụng để huấn luyện phi công kỹ năng điều khiển những máy bay cùng loại trong tương lai. Từ năm 2012, Nga đã chế tạo những máy bay này để trang bị cho lực lượng Không quân.
Còn Yak-130 là loại máy bay huấn luyện-chiến đấu phản lực 2 chỗ ngồi thế hệ mới nhất của Nga. Nó có thể sử dụng trong đào tạo phi công cũng như theo dõi, nhưng khi cần thiết sẽ biến thành một loại chiến đấu cơ hạng nhẹ hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, có khả năng đối không, đối đất rất mạnh. Loại máy bay này có tham số cơ động và tính năng bay tương tự như những máy bay tiêm kích hạng nhẹ hiện đại, có thể được sử dụng để huấn luyện phi công điều khiển máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 và cả thứ 5.
Ngoài việc mua mới 2 loại máy bay nêu trên, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Yuri Borisov cho biết, Bộ này đang có kế hoạch ký hợp đồng mua loạt máy bay chiến đấu Su-57 thế hệ thứ 5.
“Năm 2018, chúng tôi sẽ ký hợp đồng mua loạt mới gồm 12 máy bay Su-57 cho Lực lượng vũ trang. Máy bay này sẽ được đưa vào thử nghiệm trong chiến đấu”. Theo ông Borisov, 2 chiếc máy bay đầu tiên trong loạt mới này sẽ được đưa vào phục vụ trong năm 2019.
Tháng 12/2017, Tổ hợp Công nghiệp quốc phòng Nga tuyên bố máy bay Su-57 đã thực hành chuyến bay thử đầu tiên với động cơ phản lực mới. Với động cơ mới này, Su-57 đảm bảo được khả năng bay hành trình siêu âm và tối ưu khả năng tàng hình kể cả khi hoạt động với công suất lớn.
Khi được hỏi về hiệu quả hoạt động của động cơ mới của máy bay Su-57 ông cho biết “Đến thời điểm hiện tại rất khó để trả lời chính xác bởi mọi thứ mới chỉ ở giai đoạn đầu. Chúng tôi còn phải tiến hành rất nhiều giai đoạn thử nghiệm nữa. Sẽ có thêm nhiều chuyến bay khác được thực hiện. Việc hoàn tất quá trình thử nghiệm có thể diễn ra trong vòng 2 đến 3 năm.”
Cải tiến, phát triển đạn dược và súng trường
Cũng trong ngày 8/2, theo ông Sergei Chemezov, người đứng đầu tập đoàn quốc doanh Rostec cho biết, công ty sản xuất súng trường Kalashnikov đang bắt tay sản xuất hàng loạt khẩu súng trường AK-12 hiện đại
“Trước cuối năm nay, chúng tôi sẽ bàn giao chuyến hàng đầu tiên cho quân đội Nga. Giai đoạn thử nghiệm đã thành công và bây giờ chúng tôi bắt tay tiến hành sản xuất hàng loạt”, ông nói. Đây là một phần trong kế hoạch của Bộ Quốc phòng trang bị súng trường tấn công AK-12 và AK-15 cho quân đội Nga sau thời gian dài thử nghiệm. Với kế hoạch này, bộ đôi AK-12 và AK-15 sẽ trở thành một phần trong tổ hợp trang bị tác chiến cho bộ binh tương lai mang tên "Ratnik".
Hôm 2/2 vừa qua, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Nghiên cứu và Sản xuất Pribor của Nga, ông Yuri Nabokov cho biết, Nga đang phát triển các loại đạn phục vụ cho chiến tranh điện tử và các loại đạn cỡ nhỏ có khả năng quyết định thời gian, địa điểm phát nổ.
“Chúng tôi đang tiếp tục xem xét và nghiên cứu kế hoạch này. Ở mức độ kỹ thuật cơ bản chúng tôi đã phát triển được loại đạn thông minh mà người dùng có thể xác địch thời điểm, nơi chốn và cách thức phát nổ của loại đạn này. Tuy nhiên, nhìn nhận từ quan điểm của nhà sản xuất, chúng tôi thấy vẫn còn rất nhiều nhược điểm.
Trả lời câu hỏi liệu Hiệp hội Nghiên cứu và Sản xuất Pribor có đang phát triển loại đạn điện tử cỡ 30mm, ông Yuri Nabokov khẳng định: “Chúng tôi đã thành lập một bộ phận có trách nhiệm giải quyết duy nhất những yếu tố liên quan đến đạn điện tử và các loại đạn phi truyền thống. Tuy nhiên công việc này mới được tiến hành ở mức độ xem xét, đánh giá và chưa tiến hành nhiệm vụ cụ thể.”
Mục tiêu 19 nghìn tỷ rúp cho kế hoạch hiện đại hóa quân đội đến năm 2027
Tờ Kommersant cho biết, Điện Kremlin đã tiếp nhận báo cáo cuối cùng về chương trình nâng cấp và hiện đại hóa quân sự của Nga. Theo đó, Bộ Quốc phòng Nga sẽ tiếp nhận khoảng 19 nghìn tỉ rúp để tái vũ trang cho quân đội từ nay đến năm 2027. Kế hoạch này đặc biệt chú ý tới phát triển hệ thống răn đe hạt nhân, các loại vũ khí có độ chính xác cao, vũ khí dựa trên các nguyên tắc vật lý mới và phát triển lực lượng quân đội đa năng. Cụ thể, bộ binh sẽ được trang bị hệ thống phòng không mới, xe tăng T-90 và T-14 Armata, xe thiết giáp Kurganets-25, xe bọc thép Boomerang. Trong khi lực lượng không quân sẽ tiếp nhận máy bay tiêm kích đa năng Su-30SM, máy bay chiến đấu Su-35 và máy bay ném bom Su-35, cũng như hàng loạt máy bay trực thăng Su-57 tiên tiến, 24 máy bay tiêm kích MiG -35, và máy bay tên lửa chiến lược Tu-160M2.
Chương trình nâng cấp trang thiết bị quân sự đến năm 2027 đã được phát triển trong hơn 3 năm qua. Theo kế hoạch chương trình này được thông qua vào năm 2016, tuy nhiên do sự bấp bênh của nền kinh tế thời điểm đó nên Tổng thống Nga Vladimir Putin buộc phải trì hoãn việc phê chuẩn. Tuy nhiên trong những năm gần đây, khi bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều biến động, Nga nhận thấy tầm quan trọng việc nâng cấp và trang bị thiết bị quân sự cho quân đội nhằm chống lại các mối đe dọa tiềm ẩn.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, trong năm 2018, ngân sách quốc phòng sẽ chiếm khoảng 2,8% GDP, tức là nhỉnh hơn con số 46 tỷ USD. Trong đó, 23 tỷ USD sẽ được dùng để mua vũ khí, nửa còn lại được chi cho việc bảo trì. Nhà lãnh đạo Nga cũng khẳng định sự cần thiết phải bảo đảm an ninh quốc gia song song với việc chi tiêu quốc phòng hợp lý để không dẫn tới sự sụp đổ của nền kinh tế./.