Còn nếu lắp bóng xenon, độ sáng tăng khoảng 250-300% so với bóng halogen nguyên bản, có thể lựa chọn được màu ánh sáng.
Ngoài ra, trong trường hợp độ “bi-xenon”, độ sáng tăng lên gấp nhiều lần so với đèn nguyên bản. Các “bi-xenon” có cả chế độ pha cos nên nếu độ vào bên cos thì khi bật pha xe sẽ có 4 đèn pha sáng cùng 1 lúc (2 đèn pha nguyên bản + 2 đèn pha của bi-xenon), nếu độ vào bên pha thì khi bật cos sẽ có 4 đèn cos sáng cùng 1 lúc (2 đèn cos nguyên bản + 2 đèn cos của bi-xenon).
Anh Đinh Xuân Nhật (phường Cửa Nam), một chủ xe cho biết, anh cũng lắp một đèn xenon có lượng sáng mạnh cho xe vì đèn nguyên bản không đáp ứng. “Khi đi trên đường, nếu muốn các xe đối diện, đặc biệt là các ôtô chiếu đèn gần cho mình đi mà dùng đèn nguyên bản ra hiệu sẽ khó được hỗ trợ. Với đèn led, đèn xenon công suất lớn, chỉ cần “đá đèn” vài cái là tài xế chiếu đèn gần cho mình đi rồi, vì lượng sáng rất mạnh, dễ làm chói mắt người đối diện”.
Không chỉ lắp đèn trợ sáng phía trước, anh còn lắp thêm “led bar” ở phía đuôi xe. Với lượng sáng mạnh, mỗi lần dẫm phanh hoặc bật nguồn dàn “led bar” này sẽ chiếu thẳng vào ca-bin xe đi sau. “Lắp như thế này để đấu lại những xe sau chiếu pha vào đuôi mình” – anh Nhật nói.
Việc độ đèn xe với ánh sáng mạnh khiến các xe chạy đối diện sẽ gây khó chịu, mất khả năng phán đoán, ước lượng về kích thước, khoảng cách các phương tiện khác đang lưu thông dẫn đến dễ xảy ra tai nạn. Ngoài ra, việc lắp thêm đèn trợ sáng sẽ gây nguy cơ cháy nổ cho xe.
Anh Phạm Quang Huy – kỹ thuật viên của hãng Mitsubishiphân tích: "Việc lắp thêm đèn trợ sáng cho ô tô gây nguy hiểm cho những người tham gia giao thông vì lượng sáng rất mạnh, gây chói mắt người đối diện. Ngoài ra, trên thị trường có rất nhiều loại đèn có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng, chất lượng thấp khi sử dụng một thời gian có hiện tượng nước vào gây hư hỏng, mất an toàn cho xe ".